Gặp dị nhân thi sĩ tu trên hoang đảo

Thi sĩ Tâm Nhiên
Thi sĩ Tâm Nhiên
TP - Sau đận sơ ngộ Tâm Nhiên thi sĩ, tôi đâm bần thần. Nhất là khi hỏi thi sĩ học đâu ra, thi sĩ trả lời Vạn Hạnh Sài Gòn. Hỏi tu chùa nào trên đảo, đáp rằng ở Vô Trú Am. Hình dung đã trên 30 năm rồi nơi hoang đảo nọ, trong cái am tên là Vô Trú, có một dị nhân ăn mây uống gió, nhập thất làm thơ. Rồi ngày một buổi xuống núi gõ đầu dạy đám trẻ ê a đọc ngụ ngôn, cổ tích…

> 'Dị nhân' cả đời cởi trần ở lều tranh
> Tu sĩ có gương mặt giống hệt... Tổng thống Mỹ Barack Obama

Dạo nào đó cũng lâu lâu rồi, trong một đêm rượu ở Đà Nẵng, Lê Công Đỉnh, người anh làm cùng cơ quan hân hoan giới thiệu một người bạn thơ chí cốt vừa từ “hoang đảo” xa lắc trở về thăm quê. Chợt nhớ từng loáng thoáng nghe mấy dòng trích ngang khá ly kỳ về nhân vật này: “Quê Đà Nẵng.

Vượt biên, bị đắm thuyền lạc vào một hoang đảo tít tận Kiên Giang - Hà Tiên. Tu luôn trong ngôi chùa hoang trên đảo, không vợ con, làm thi sĩ và thầy giáo từ bấy tới chừ !”. Hình dong vị khách nom khá bụi, tóc dài muối tiêu, da đồng hun, mặt có vết sẹo lớn, cặp mắt kính lúc nào cũng lãng đãng khói sương…

Rượu vào, thơ ra. Thôi rồi. Khách cất giọng thơ sang sảng: “Ngoài vạn dặm giữa trùng khơi đại hải - Lạc thuyền ta sóng tấp dấp phương này - Bờ bến lạ ô kìa dừa xanh ngát – Ven triền đồi heo hút ngút chân mây”.

“Ta như cánh lục bình trôi - Vừa trôi vừa nở hoa ngời rỗng rang”. Rồi thì, “Nghìn năm trước, trăm năm này cũng đủ - Rót đầy ly thơm khói nhẹ vô thường”…

Chia tay, khách rút trong túi vải ra ký tặng cuốn thơ in photo “Thanh Tịnh Ca” bút danh Tâm Nhiên mà bên trong là nguyên một trường ca thuần lối thơ lục bát mênh mông diệu vợi.

Sau đận sơ ngộ Tâm Nhiên thi sĩ, tôi đâm bần thần. Hình dung đã hơn 30 năm rồi nơi hoang đảo nọ, trong cái am tên là Vô Trú, có một dị nhân ăn mây uống gió làm thơ. Rồi ngày ngày xuống núi gõ đầu dạy đám trẻ ê a học bài. Sau này quen biết dần, mới vén lên được nhiều điều hư thực xung quanh chàng thi sĩ tác giả của “Diệu Tâm Ca” gồm 12.142 câu lục bát…

Lê Công Đỉnh kể: Năm 1975, vô nhập học Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, loanh quanh một hồi thì gặp và làm quen với chàng đồng hương Quảng Đà ốm gầy tong teo tên là Nguyễn Đức. Đức dở dang Đại học Vạn Hạnh thì giải phóng, được chiêu sinh học tiếp ở Văn khoa Quy Nhơn, còn Đỉnh là dân Toán.

Dính líu thơ thẩn với nhau thế nào đâm bện hơi, đến nỗi chiều bạn, Đỉnh bỏ Toán xin chuyển luôn qua học Văn! Năm 1977 ra trường, Lê Công Đỉnh ra sư phạm Huế học lên, còn Nguyễn Đức về Đà Nẵng dạy trường cấp 2 Lê Độ bên quận 3 hồi đó hoang vu nép giữa những đồi cát phi lao bên biển với nhà chồ lúp xúp sông Hàn.

Thi thoảng hai tên gặp nhau vào dịp hè. Có lần nghe Nguyễn Đức muốn “san” lại cho bạn cái kho sách khổng lồ. Mới ừ à, bẵng một thời gian, quãng 1980-1981 thì nghe đồn chàng bạn thi sĩ đã bị “giam” trên một hòn đảo nào đó tít mạn Kiên Giang vì “tội vượt biên” (?!), sau đó được trưng dụng luôn trên đảo làm thầy giáo, vì trên đó …không có giáo viên !

Đem chuyện hỏi, thì Nguyễn Đức bật cười ha ha: “Đã vượt biên vượt biển chi mô ! Thực ra hồi ấy cũng muốn thử “rong chơi một chuyến thật xa”, nên có ra ngoài hải đảo “thăm dò”.

Nhưng cuộc chơi ấy cũng tùy duyên, chứ đâu chủ động được. Lên đảo rồi mới hay “ở nơi đó biển cúi mình thật thấp”, nên cái duyên đời mình chính là Vô Trú Am”.

Hành trạng nhân vật này cho đến giờ là cả một chuỗi rong chơi, nên cú mộng viễn dương thời trai trẻ chẳng mấy ngạc nhiên. Năm 1980, Nguyễn Đức xin nghỉ dạy ở Đà Nẵng vào lại Sài Gòn làm văn chương, báo chí. Nói “vào lại”, bởi từ cuối thập niên 60 thế kỷ trước, cậu thiếu niên đã rời nhà hành phương Nam, có thời gian là chú tiểu Nguyên Đức ở chùa Linh Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa), học trường Trung học Bồ Đề, bắt đầu làm thơ với bút danh Tâm Nhiên từ đó.

Tâm Nhiên là lòng mình sao thì sống vậy, từ câu “Tất cả do tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm. Rồi vào Sài Gòn khoác áo sinh viên Phật khoa Vạn Hạnh các năm từ 1973 đến 1975 thì dở dang. Sài Gòn như chàng từng hồi ức, rằng “mùa hè 1969 với Phạm Công Thiện ở Đại học Vạn Hạnh, một chiều quá thơ mộng buồn tênh nhớ mãi”, rồi “những thường rong rêu lang thang, ngồi quán vỉa hè với Bùi Giáng”…

Tháng 9-1981, một lần xuống Kiên Giang, ghé Phòng Giáo dục huyện An Biên thăm người bạn, mới nghe nói ngoài hòn Sơn Rái, giáo viên vượt biên gần hết, không có ai dạy. Thế là sẵn khăn gói nhảy luôn xuống tàu ra đảo. Từ Rạch Giá ra đảo khoảng 6-7 chục cây số, thời ấy chưa có tàu đò, muốn ra phải mất vài ngày đợi xin quá giang tàu chở hàng, rồi lênh đênh trên biển mất gần 8 tiếng đồng hồ.

Hòn Sơn Rái (đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang bây giờ) những năm đầu 80 còn hoang vu, cư dân trên đảo chừng đôi ngàn người, đa số làm ngư phủ, làm rẫy nương trên mấy hòn núi. Trẻ con ít học. Cả đảo có 1 ngôi trường nhỏ lưa thưa mấy đứa học trò, thầy cô bỏ đi gần hết, chỉ có hai lớp học cao nhất là lớp 6 và 7.

Đảo toàn người đi mà chẳng có người đến. Bởi từ đây ra vịnh Thái Lan có mấy bước, thời bấy giờ cả đảo ai nấy nhấp nhổm vượt biên, con cái học biết chữ là buông bút chài lưới, hái lượm. Nộp hồ sơ, trình diện trường xong, chàng trai gùi áo khăn, kinh sách tìm lên ngôi chùa có tên Hải Sơn trên một ngọn đồi tá túc. Chùa do một người đàn bà giàu có trên đảo phát tâm xây lên, nhưng từ lâu không người ở. Thế rồi từ nay có “trụ trì” mới là chàng cựu chú tiểu ngày nào. Nguyễn Đức kể: mọi sinh hoạt tự túc, ngày nấu một bữa, uống nước suối ăn rau rừng.

Từ nơi hoang vắng tịch liêu trên đồi cao nhìn xuống biển, thấy cảnh sắc như trong thơ Kiều: “Bốn bề bát ngát mênh mông - Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau”. Sau lưng là đỉnh Ma Thiên Lãnh, được truyền tụng là chốn đi về của những dị nhân từ khi đảo còn chưa có bóng con người…

Được giao dạy ngữ Văn lớp 6, chương trình toàn truyền thuyết, cổ tích ca dao Việt Nam. Thế là ngày ngày thầy xuống núi kể chuyện cho lũ trò nhỏ. Ngồi trên đảo nhỏ làm người kể chuyện cổ tích suốt hơn 30 năm. Nhiều bữa lên lớp thấy chẳng có đứa nào, lại lội ra ghềnh, lên núi nài nỉ kéo từng đứa về lớp.

Lũ trẻ cháy nắng hoang nghịch trên đảo thời ấy có đứa nay đã có cháu nội cháu ngoại, cả mấy thế hệ đều gọi chung thi sĩ một chữ thầy. Cũng nhiều đứa rời đảo tìm sự nghiệp, nay công thành danh toại, có đứa tiến sĩ đi khắp thế giới.

Sau 15 năm một bóng trên chùa, bà chủ ngôi chùa trước khi mất, một hôm mời thầy giáo xuống ngỏ ý giao lại căn biệt thự cũ bà đang ở nhờ thầy quản lý. Có 4 đứa con thì đều đang ở Mỹ, chúng muốn lưu niệm lại căn nhà của mẹ, không bán cho ai.

Biệt thự rộng rãi bên ghềnh đá, một tầng, một hiên lầu nhưng rêu phong phủ lấp vì xây cất cũng đã lâu, lại vốn ít hơi người. Rồi cũng tới một hôm thi sĩ khăn gói hạ sơn về tá túc nơi bãi ghềnh “ngàn trăng ảo diệu”, nơi từ đó bắt đầu được chàng gọi là Vô Trú Am. Ngoài thời gian dạy học thì “nhập thất” đọc sách, làm thơ. Và vẫn chỉ ngày một bữa nấu. “Nấu cơm rửa chén cũng thiền”…

Có cái lạ, đó là 30 năm tưởng đóng chiếc bóng vò võ làm thơ nơi Vô Trú Am trên hòn đảo tận cùng bờ cõi, và hành nghề gõ đầu trẻ làng chài, nhưng vẫn lại là một “lang thang sĩ” (tên chàng tự đặt cho mình) không ai bằng. Mới giải phóng 1975 được ít ngày, đã ngồi ở Hà Nội đàm đạo với Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, uống rượu với Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Tuân…

“Trong Nam đọc các cụ nhiều, mong có ngày được ngưỡng kiến. Lúc đầu thì rụt rè, đầy e ngại. Nhưng hoá ra các cụ lại quá dễ gần, và cũng rất muốn được nghe chuyện, gặp người văn nghệ từ miền Nam ra. Như cụ Tô Hoài suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ hỏi về Bùi Giáng. Cụ Văn Cao thì mới sơ ngộ đã rót rượu quý ra mời. Té ra tình văn nghệ Bắc-Nam từ lâu đều một nhà”.

Mỗi năm 9 tháng dạy học, tiếp đến là 3 tháng rong chơi. Một hành trình hơn ngàn cây số từ đảo về thăm mẹ già ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng của Tâm Nhiên thi sĩ thường mất ... 2 tháng ! Ba mươi năm trời vẫn cứ đều đặn “cuối phương Nam khởi hành từ bữa nọ - Hai tháng trời chưa tới bến xưa”.

Ghé thăm bạn bè văn nghệ, viếng thăm các bậc tôn túc, già lam, am viện khắp cõi Việt. Ngang miền Tây “rượu tình thơ dăm ba chén ven đường” có Linh Phương, Lê Đình Bích, Vũ Hồng, Đỗ Ký, Ngô Khắc Tài, Hồ Thanh Điền…

Về Sài Gòn thăm Tuệ Sỹ, Phạm Thiên Thư, ra Biên Hoà thăm Hoài Khanh, lên Bảo Lộc với Nguyễn Đức Sơn, Đà Lạt với Tường Huy, Phước Khùng, Trần Ngọc Trác. Xuống Phan Thiết có Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây… Rồi Bắc hành lội lướt khắp từ Hà Giang, Móng Cái xuôi về… “Mòn đôi dép cũ mòn sông núi - Bụi vui buồn rơi sạch gót chân”.

Vẫn chăm chỉ dạy học, đàn hát đọc thơ sinh hoạt đồng nghiệp bạn bè, trường lớp trên đảo nhỏ. Dìu dắt từng tâm hồn bé nhỏ bằng những bài văn chương đầu đời. Rồi vẫn “thấy mình không là chi cả: Không tên tuổi, không gia đình, không sự nghiệp, không địa vị, không chỗ cư trú trong thời gian và không gian”.

Không trụ vào bất cứ đâu nên thênh thang vô sự. Còn dự định gì ư ? Hoàn toàn không chi cả. Vô sở cầu, vô sở đắc, nhập cuộc với thực tại, ngày ở đây và bây giờ, từng giây phút luôn luôn mới lạ và mới lạ.

Ký sự của
Trần Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG