Gạo giả bằng nhựa có ở Việt Nam không?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thông tin xôn xao về loại gạo giả làm bằng nhựa sản xuất tại Trung Quốc tràn khắp châu Á, trong đó có Việt Nam khiến người tiêu dùng thêm lần nữa hoang mang. Liệu loại gạo giả này đã có mặt ở Việt Nam?

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội và báo Malaysia đưa thông tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore.

Hiện tại, Malaysia đã tiến hành lấy mẫu điều tra đối với các loại gạo nhập khẩu vào nước này để xác minh thông tin. Phía Singapore cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ một báo cáo nào về gạo nhựa.

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cảnh báo, ăn gạo giả có thể dẫn đến tử vong hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng hệ tiêu hóa. Có thông tin cho rằng ăn 3 chén cơm nấu từ gạo giả tương đương với việc cho vào bụng một túi nilông.

Thông tin về gạo nhựa tràn vào Việt Nam một lần nữa lại khiến người dân hoang mang. Liên quan về việc này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn để xác minh và sẽ công bố thông tin, biện pháp xử lý nghiêm minh nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường. Thông tin gạo giả Trung Quốc có mặt tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là tin đồn và chưa được kiểm chứng.

Đồng thời, Cục cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước thông tin gạo giả làm bằng nhựa và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu người dân phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương…

Phía Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng nước ta không nhập khẩu gạo từ phía Trung Quốc. Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát các mặt hàng gạo, nhất là khu vực cửa khẩu.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện thông tin về “gạo giả”. Vào đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng đã từng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và phát hiện cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc bất thường. Thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn.

Hay trước đó, một loại gạo lạ mang tên "gạo Thái Lan" xuất hiện tại TP.HCM khiến nhiều người hoang mang. Gạo này có những dấu hiệu khác thường như hình dạng thon dài đến 10mm, đều tăm tắp, không có hạt gãy đôi, sứt mẻ, bụng không bạc. Khi nấu lên, cơm không có mùi thơm, hạt đàn hồi như cao su.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng vẫn không thể tìm ra được loại gạo này. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích năm mẫu gạo cho thấy có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), gạo giả làm bằng nhựa là thông tin không có thật. Bởi hiện giá thành của gạo khá rẻ, trong khi đó để sản xuất loại gạo giả này có thể chi phí còn cao hơn giá gạo thật. Không có lợi nhuận họ sẽ không làm. Mà nếu gạo làm bằng nhựa thì cũng không đáng lo ngại vì có thể dễ dàng nhận ra chúng qua mùi khi nấu.

Người tiêu dùng cũng có thể nhận biết gạo thật giả bằng cách thử cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm. Hoặc lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sẽ trương nở sau một thời gian ngâm, gạo giả thì không mà nổi lên mặt nước.

Tốt nhất để tránh mua phải những loại gạo bất thường, người tiêu dùng thông minh nên chọn gạo có thương hiệu, đóng gói cẩn thận. Quan sát kỹ trước khi mua, không chọn loại gạo trắng sạch bất thường.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.