Măng Đen có khí hậu mát mẻ với rừng thông bạt ngàn, từng được ví là Đà Lạt thứ hai. Năm 2007, nhiều doanh nghiệp, người dân ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Ngãi... đổ xô mua đất xây biệt thự khi tỉnh Kon Tum chủ trương bán rẻ nền đất để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Theo thống kê của huyện Kon Plông, địa phương đã bán khoảng 200 nền đất. Hiện hơn 50 biệt thự đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 60 nền đất chưa được xây dựng hoặc mới làm móng; số còn lại xây dở dang.
Phần lớn các biệt thự được xây bề thế theo kiến trúc kiểu Pháp, diện tích khoảng 200-300 m2, với 2-4 tầng, hướng ra rừng thông bạt ngàn.
Theo người dân địa phương, năm 2008-2009, do kinh tế khủng hoảng, vỡ bong bóng bất động sản, giao thông khó khăn, nên các chủ nhà đang xây thì phải bỏ nham nhở hàng chục năm qua.
Một căn biệt thự đã xây xong tường, lợp ngói và sơn phết nhưng bỏ hoang, để cỏ dại mọc um tùm bốn phía khiến khung cảnh hoang vu.
Lối vào một căn biệt thự mọc đầy hoa, cỏ dại.
Mạng nhện giăng trong biệt thự tiền tỷ.
Theo quy định của huyện Kon Plông, chỉ những căn biệt thự xây dựng hơn 50% mới được cấp sổ đỏ. Địa phương đã thành lập tổ công tác đến gặp các chủ biệt thự để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện cho biết, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn nên việc này cần thời gian, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Một căn biệt thự bên quốc lộ 24, diện tích xây dựng 190 m2 trên khuôn viên 600 m2 treo hai biển bán nhà gấp nhưng chưa có người mua.
Nhiều chủ biệt thự khác cũng rao bán nhà giá rẻ, chấp nhận lỗ chi phí xây dựng. Bà Nguyễn Thị Sinh (Măng Đen) cho biết, gia đình bà vừa mua lại căn biệt thự 2 tầng, diện tích 200 m2 trong khuôn viên gần 1.000 m2 với giá 1,8 tỷ đồng. "Chúng tôi đang sửa sang để ở với kinh phí khoảng một tỷ", bà Sinh nói.
Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch huyện Kon Plông cho biết, huyện đang động viên, kêu gọi các chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng để không gây mất mỹ quan khu du lịch. Nếu chủ nhà không có điều kiện, huyện sẽ giúp quản lý, kinh doanh hoặc bảo quản để nghỉ dưỡng.Theo ông Lân, khó khăn về giao thông, hạ tầng của huyện đã được khắc phục. Du lịch Măng Đen đang ấm dần lên, năm 2017, huyện đón hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước, gấp đôi năm ngoái. Do vậy, một số chủ đầu tư đã rục rịch trở lại hoàn thành các biệt thự bỏ dở. "Chúng tôi đang đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch với các sản phẩm đặc thù địa phương như cơm lam, gà nướng; thịt trâu hun trong ống nứa; dược liệu để thu hút du khách. Các nhà đầu tư khi thấy du lịch phát triển sẽ tiếp tục đầu tư", chủ tịch huyện nói.