Chủ nhật Đỏ 2019:

Gắn kết nghĩa tình các dân tộc anh em

Đồng bào các xã huyện Ea Kar đem cả trống, cờ đi cổ vũ Chủ nhật Đỏ
Đồng bào các xã huyện Ea Kar đem cả trống, cờ đi cổ vũ Chủ nhật Đỏ
TP - Thu hút công chúng các dân tộc, các quốc tịch đến với nhau trong tình yêu thương bằng cách hiến máu nóng từ cơ thể mình để cứu sống bất kỳ ai dù không quen biết, những năm qua chương trình Chủ nhật Đỏ đã không ngừng phát triển tại Đắk Lắk với bản sắc văn hóa độc đáo, hồn nhiên. 
Gắn kết nghĩa tình các dân tộc anh em ảnh 1Phụ nữ các dân tộc diện trang phục truyền thống đi hiến máu

Sáu năm trước, tôi được lãnh đạo báo Tiền Phong giao nhiệm vụ tổ chức đợt vận động hiến máu cứu người mang tên Chủ nhật Đỏ (CNĐ) lần đầu tiên trên Tây Nguyên. Trước đó, nhiều tỉnh thành đã triển khai chương trình này với “đối tượng đích” là sinh viên các trường đại học và cán bộ nhân viên khối cơ quan nhà nước. Cán bộ và trí thức sao đông đảo bằng nông dân, đồng bào các dân tộc ở các địa phương?- Tôi tự hỏi, rồi tìm gặp “già làng” đáng kính: ông Ama Bhiăng nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk các khóa 2,3,4 (1977-1987), một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian uyên bác, tuổi đã ngoài 80, tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn đỏ au, đi đứng nhanh nhẹn và trí tuệ rất minh mẫn. 

Gắn kết nghĩa tình các dân tộc anh em ảnh 2Thầy giáo người Mỹ Timothy Scott Shapiro đã 2 lần hiến máu Chủ nhật Đỏ

- Ama Bhiăng, từ trước tới giờ phong trào hiến máu được phát động ở thành phố. Phong tục tập quán của đồng bào có phù hợp với việc hiến máu, nếu báo Tiền Phong đưa cuộc vận động này về các buôn làng vùng sâu, vùng xa, để lan tỏa giá trị nghĩa cử hiến máu cứu người không?

 - Ai cũng biết đồng bào bản địa vốn hiếu khách và hào phóng. Thời chiến tranh, đồng bào nhường gạo cho bộ đội còn mình ăn củ mì, củ mài. Sau giải phóng, người Êđê, M’Nông nhiều nơi nhường ruộng rẫy màu mỡ cho các tộc người phía Bắc nghèo khó hơn vào lập nghiệp, rồi chuyển buôn về vùng sâu, vùng xa hơn cho gần với đại ngàn. Đổi kim chỉ vải vóc với người Kinh, đồng bào toàn chỉ ra sân, nói đàn heo đó muốn bắt con nào cũng được, vì heo nhỏ không bắt tự nó đi kiếm ăn vài bữa cũng thành heo to... Chỉ cần cán bộ gương mẫu, hết lòng vì cộng đồng, thì vận động gì đồng bào cũng tin, cũng nghe và làm theo, huống chi việc hiến máu cứu người, tốt quá đi chứ!- Ama Bhiăng khẳng định.

Thấm thoắt, CNĐ đã được triển khai tới đầu xuân thứ 6 tại Đắk Lắk, càng về sau được nhiều thành phần dân chúng hưởng ứng nhiệt tình, thầy giáo người Mỹ Timothy Scott Shapiro cũng đã 2 lần vui thích tham gia. Mới đây tại huyện Ea Kar, sáng 13/1 đồng bào đem cả trống, cờ từ các xã vùng sâu kéo về để cổ vũ và hiến máu trong CNĐ 2019. 

Trò chuyện với phóng viên trong khi chờ đến lượt hiến máu, nhiều nông dân tâm sự đến với CNĐ, họ thấy tự hào vì giàu nghèo gì ở đây cũng bình đẳng, cũng có thể cống hiến và được xã hội trân trọng ghi nhận. Đôi vợ chồng H’Buk Niê- Y Kloet Niê tuổi 39-40 nhà ở buôn Ea Ga xã Cư Ni, chồng thợ xây, vợ làm ruộng chăn bò, đều đã hiến máu nhiều lần chia sẻ: Xã hội bây giờ nhiều người cần máu cứu mạng. Mình nghèo không đủ vật chất để cho nhưng có sức khỏe, nên “hiến tới một hai chục lần nữa cũng không thành vấn đề”. Anh Y Kloet kể: Mình hiến máu xong, lần sau vận động bà xã. Ban đầu vợ nghe sợ lắm, nhưng nay quen rồi. Đợt 23 thôn buôn toàn xã có tới 350 người đăng ký hiến máu, thấy tự hào dân xã mình tốt lắm.

Tổ chức Chủ nhật Đỏ thành ngày hội văn hóa thật đẹp, phải kể tới huyện Cư Mgar, với đội hình “trùng trùng điệp điệp” tất cả các xã phường, các lực lượng phô diễn màu cờ sắc áo, bảng tên đơn vị đi đầu, đồng loạt đeo băng CNĐ đỏ rực tươi vui. Những bài múa dù của thiếu nữ Mông, nhảy sạp của người Thái, múa xoang và cồng chiêng của đồng bào Ê Đê, hát then và đàn tính của nghệ nhân Tày, Nùng trước backdrop sân khấu đã giúp các tay máy có bộ ảnh Chủ nhật Đỏ “không đâu sánh bằng”. Một nhóm mẹ chị còn nấu sữa đậu nành tại chỗ, cẩn thận pha thêm Milô cho đặc sánh thơm ngon, bê từng khay sữa nóng tỏa khói phục vụ tận tay người đang nằm hiến máu, đẹp lòng tất cả.  

Ông Y Wem Hwing-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (BTC VĐ HMTN) huyện Cư Mgar kể: Trước khi xin đăng cai tổ chức CNĐ 2017, lãnh đạo huyện đã định hướng, rồi kêu gọi cả 24 dân tộc trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Cấp nào cán bộ cũng xung phong hiến trước, nên đồng bào vào cuộc sôi nổi đến mức vượt xa chỉ tiêu, ngành Huyết học thiếu túi đựng máu phải xin ngưng.  Yêu cầu thể hiện bản sắc văn hóa trong CNĐ cũng góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện phát triển, 2 Hợp tác xã hoạt động thường xuyên với hàng trăm hộ dân dệt giỏi, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Năm sau huyện Cư Mgar sẵn sàng đăng cai tổ chức CNĐ tiếp.

Cùng quan điểm với Y Wem Hwing, lãnh đạo các huyện thành Buôn Ma Thuột, Ea Kar cũng cho rằng cách tổ chức hiến máu như CNĐ tại Đắk Lắk vừa góp phần thúc đẩy tinh thần thiện nguyện của người dân, vừa tạo thêm động lực cho các đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.  

Bác sĩ Phi Thảo- Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh, phó BCĐ VĐ HMTN tỉnh Đắk Lắk xác nhận những năm gần đây, việc hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu máu cứu chữa bệnh nhân trên địa bàn mà nhiều khi còn đóng góp được cho Viện Huyết học-Truyền máu trung ương. Nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân tiến bộ về vấn đề này có công truyền thông hữu hiệu của các chương trình vận động hiến máu lớn, như CNĐ tháng 1, và Hành trình Đỏ (HTĐ) vào tháng 7 hằng năm.

Ts Trần Ngọc Quế- Phó giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Trước kia, toàn quốc thường xuyên thiếu máu nghiêm trọng, nhất là Tết nguyên đán và dịp hè. Nay nhờ có CNĐ và HTĐ mà Viện trữ được đủ nguồn máu cứu người, tạo hiệu ứng tích cực khiến dân chúng hiến máu đông hơn. Đặc biệt với CNĐ trên Tây Nguyên, lực lượng hiến máu không chỉ là HS-SV, cán bộ nhân viên các cơ quan nhà nước như ở nơi khác. Hình ảnh người dân và đồng bào các dân tộc những nơi hẻo lánh đi hiến máu cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn đã tạo nên ấn tượng rất đẹp về tình người cao cả.

Bà H’Yim Kđoh-Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐVĐ HMTN tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Bản thân tôi mỗi khi mặc bộ trang phục thổ cẩm truyền thống đến tham gia Chủ nhật Đỏ, nhìn đồng bào tích cực hiến máu cũng vui sướng, tự hào thấy vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc Đắk Lắk được tôn vinh trong chương trình thiện nguyện, đầy tính nhân văn và kết nối tình đoàn kết các dân tộc này.

TÍNH ĐẾN 19/1, CHỦ NHẬT ĐỎ TIẾP NHẬN 29.453 ĐƠN VỊ MÁU
Chủ nhật Đỏ, ngày hội hiến máu tình nguyện đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tính đến ngày 19/1 tại 19 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận được 29.453 đơn vị máu. Trong những ngày tới tại nhiều tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện này với kỳ vọng kết thúc chuỗi ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ XI - năm 2019 sẽ tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu.

Thái Hà

Gắn kết nghĩa tình các dân tộc anh em ảnh 3
MỚI - NÓNG