Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay, một trong những thách thức không nhỏ của chúng ta là tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cân đối cung cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận năng suất lao động tiềm năng, còn thừa thiếu lao động cục bộ, làm việc không đúng chuyên ngành nghề đào tạo. Trước những thách thức đó, trong nhiều giải pháp đặt ra, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.
Ông Dũng khẳng định, phát triển GDNN là nhiệm vụ hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả, có kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng không chỉ cải thiện chất lượng đào tạo nghề, còn tạo việc làm cho người học sau khi ra trường. Do đó, việc tổ chức những ngành hội việc làm sẽ thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động có thể sớm tìm được việc làm đúng vị trí chuyên môn của mình.
Các đại biểu tham quan các gian hàng. Ảnh GVP. |
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chia sẻ, chất lượng nguồn nhân lực là nguyên khí quốc gia, động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Điều này còn mang lại sức mạnh đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Do đó, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư cho GDNN nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của GDNN đã nâng lên một tầm mới, là yếu tố tiên quyết cho việc thay đổi tỷ lệ cơ cấu lao động của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Số liệu của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, trong 11 tháng của năm 2022, các trường nghề trên địa bàn tuyển sinh được hơn 245.000 lượt người học (vượt 9% kế hoạch năm, tăng gần 28% so với năm trước). Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng hơn 33.600 người, trung cấp hơn 27.800 người, sơ cấp và dưới 3 tháng hơn 183.800 người.
Đặc biệt, tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh, sinh viên GDNN tốt nghiệp có việc làm ngay đạt 70 – 80% số người học. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ sơn ô tô, Công nghệ ô tô, Tự động hóa…
Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 của Hà Nội đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1% so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với năm 2021.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ sở GDNN đã hợp tác với hơn 750 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho DN.
Chương trình gắn kết GDNN với thị trường lao động nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, giá trị và các hoạt động trong lĩnh vực GDNN. Đồng thời, qua chương trình sẽ tạo điều kiện để các cơ sở GDNN tiếp cận học sinh trên địa bàn Hà Nội để tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm…
Các em học sinh trên địa bàn Hà Nội tìm hiểu cơ hội học nghề. |
Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 8.000 học sinh các trường phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hơn 2.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của 74 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết với các cơ sở GDNN để đặt hàng đào tạo, tuyển dụng sau đào tạo…
Trong năm 2022, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, đã có 21.000 người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề và tăng năng suất lao động.