Gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thông báo từ HNX, gần 97 triệu cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán BOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 11/8. Giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 969 tỷ đồng. Cổ phiếu ART bị hủy niêm yết do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Đây là cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc.

23 triệu cổ phiếu ADP lên HoSE

Tuần giao dịch từ 24/7 - 28/7, có 21 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 16 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 4 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm.

Cụ thể, Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Vietcombank sẽ phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.

Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng. Như vậy, Vietcombank sẽ vượt VietinBank, BIDV và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.

Gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc ảnh 1

Sau phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng.

Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã chứng khoán: VNS) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 40%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/7. Với hơn 67,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinasun chi hơn 271 tỷ đồng trả cổ tức đợt này.

Ngày 28/7, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 10/8. Với gần 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Thế giới Di động sẽ chi khoảng 730 tỷ đồng để hoàn tất nghĩa vụ với cổ đông.

Công ty CP Thủy điện Quế Phong (mã chứng khoán: QPH) chọn ngày 29/7 để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 20%. Mức chia cổ tức được công ty giữ nguyên trong 6 năm liên tiếp kể từ 2016. Với gần 18,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, QPH cần chi hơn 37 tỷ đồng trả cổ tức đợt này.

HoSE vừa ra thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của Công ty CP Sơn Á Đông. Theo đó, hơn 23 triệu cổ phiếu ADP của Công ty CP Sơn Á Đông, tương đương tổng giá trị trên 230 tỷ đồng sẽ giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 27/7 với giá tham chiếu 19.550 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5% so với mức giá kết phiên cuối cùng trên Upcom.

Sơn Á Đông được thành lập từ năm 1970, tiền thân là xí nghiệp Sơn Á Đông. Đến tháng 9/2000, công ty được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty CP Sơn Á Đông. Kết thúc quý I/2023, doanh thu của công ty đạt hơn 108 tỷ đồng và lãi ròng hơn 9 tỷ đồng.

Cổ phiếu thứ 6 của “họ FLC” bị hủy niêm yết

Theo thông báo từ HNX, gần 97 triệu cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán BOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 11/8. Giá trị cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 969 tỷ đồng. Cổ phiếu ART bị hủy niêm yết do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc ảnh 2

ART là mã cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART.

Trước đó, cổ phiếu ART đã bị đình chỉ giao dịch trên HNX từ ngày 21/11/2022 do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cụ thể là chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2022.

Với quyết định này của HNX, ART là mã cổ phiếu thứ 6 trong tổng 7 cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART. Còn lại mã KLF đang bị đình chỉ giao dịch trên sàn HNX.

Công ty CP Chứng khoán BOS được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 135 tỷ đồng, tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Artex. Từ những năm 2011 - 2012, Chứng khoán Artex đổi thành Công ty CP Chứng khoán FLC. Đến tháng 9/2018, công ty niêm yết trên sàn HNX và tăng vốn điều lệ lên hơn 969 tỷ đồng. Đến năm 2019, Chứng khoán FLC lại đổi thành Chứng khoán BOS như hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ART từng đạt đỉnh lịch sử 19.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vào tháng 3/2022, thị giá cổ phiếu ART rơi về 1.300 đồng/cổ phiếu.

Nhiều lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp từ nhiệm

Công ty CP Đầu tư tài chính Koji (mã chứng khoán: KPF) công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 8/8 tại TPHCM.

Đáng chú ý, Koji trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2028 đối với ông Hoàng Văn Hậu do có đơn xin từ nhiệm ngày 15/6. Ông Hậu mới được bầu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 từ ngày 25/4.

Đồng thời, công ty trình cổ đông bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 ông Nguyễn Khánh Toàn. Ông Toàn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Công ty TNHH Quản lý tài sản La Paloma và là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty CP Đầu tư Hàng tiêu dùng Quốc tế. Như vậy, ngày 8/8 tới, Koji sẽ có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 và đây là chủ tịch thứ 5 trong vòng hơn 2 năm qua.

Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) bổ sung tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 3 bằng hình thức trực tuyến, thời điểm tổ chức ngày 25/7.

Gần 97 triệu cổ phiếu ‘họ FLC’ bị hủy niêm yết bắt buộc ảnh 3

Có 4/7 thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG xin từ nhiệm.

Về nhân sự, công ty trình thông qua miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với các ông Lê Văn Vũ, Nguyễn Ngọc Huyên, Louis Nguyễn và Trịnh Quốc Nam. Công ty sẽ trình cổ đông bầu bổ sung ông Nguyễn Quang Ninh. Như vậy, trong tài liệu mới bổ sung, công ty dự kiến miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị của ông Trịnh Quốc Nam.

Năm 2022, LDG phải tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 3. Trong đó, lần 1 chỉ có 29,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và lần 2 chỉ có 30,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

VNG Limited đăng ký bán 3.483.048 cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG để giảm sở hữu từ 61,12% về còn gần 49% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/7 đến 15/8. Như vậy, trên lý thuyết, việc giảm sở hữu của VNG Limited tại VNG xuống dưới 51% có thể thay đổi cách hạch toán từ công ty con sang công ty liên kết.

Một diễn biến đáng lưu ý khác, VNG vừa thông qua việc dừng chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và đồng thời thực hiện giảm vốn điều lệ từ hơn 358 tỷ đồng về mức 287 tỷ đồng, tương ứng với việc hủy 7.108.262 cổ phiếu quỹ.

MỚI - NÓNG