Sử dụng các chế phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sảy thai, đẻ non, quái thai,...
Việc sàng lọc phát hiện và có các can thiệp đối với phụ nữ mang thai có hút thuốc lá giúp ngăn ngừa các tác hại của thuốc lá gây ra cho mẹ và thai nhi. Giáo dục cộng đồng giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ mang thai. Ở Anh, tỷ lệ phụ nữ có thai hút thuốc chiếm 15% năm 2006 và 11% năm 2014. Nghiên cứu tại Mỹ cũng đưa ra tỷ lệ tương tự năm 2014 là 11% phụ nữ hút thuốc 3 tháng trước khi mang thai và khoảng 8% vẫn tiếp tục hút trong quá trình mang thai.
Tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong 3 tháng đầu thai kì (8,2%) và thấp nhất trong 3 tháng cuối thai kỳ (6,6%).
Hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai làm suy giảm oxy hóa thai nhi do nicotine gây co thắt mạch dẫn đến trao đổi khí bất thường trong nhau thai, đồng thời do giải phóng carbon monoxit trong quá trình hút thuốc dẫn đến sự hình thành carboxyhemoglobin gây cản trở vận chuyển oxy.
Nicotine cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thông qua việc gây tăng tiết các chất trung gian thần kinh bất thường trong não, giảm đáng kể trọng lượng và thể tích phổi, rối loạn nhịp tim. Ngoài Nicotine, hơn 2500 chất độc khác được tìm thấy trong thuốc lá có thể tác động đến cơ thể mẹ và thai nhi. Đặc biệt, các độc tố này có thể gây tổn thương trực tiếp đến thành phần di truyền (Nhiễm sắc thể, ADN) của thai nhi dẫn đến các bệnh lý ung thư (ung thư máu).
Hút thuốc lá trong thời kì mang thai làm tăng tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân.
Hút thuốc lá làm giảm khả năng thụ thai ở khoảng 13% phụ nữ. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, tăng huyết áp, hen có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Ung thư phổi trong thời gian mang thai là rất hiếm, nhưng nó là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (25 đến 39 tuổi) và được cho là tăng lên do các yếu tố nói trên. Di căn đến nhau thai và thai nhi cũng đã được báo cáo.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu thêm gần 50%. Thời gian phơi nhiễm, lượng tiếp xúc và tuổi của mẹ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh khi tiếp xúc với khói thuốc lá.
Trong một nghiên cứu khi so sánh hơn 14.000 trẻ sinh ra với khuyết tật bẩm sinh với hơn 60.000 trẻ không bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ dị tật tim đã được báo cáo ở nhóm trẻ tiếp xúc với khói thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các dị tật tim bao gồm dị thường động mạch phổi, bất thường van phổi, và các khuyết tật vách ngăn nhĩ.
Các bệnh lý sau sinh có liên quan đến hút thuốc trong thời kỳ mang thai bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhiễm trùng đường hô hấp (như viêm phế quản, viêm phổi), hen, dị ứng, viêm tai giữa, đau bụng, viêm tiểu phế quản, tầm vóc ngắn, giảm tập trung chú ý, tăng động, béo phì ở trẻ em và giảm hiệu suất học tập.