Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2022/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác |
Nguồn vốn tín dụng tăng gần 42 lần
Ngày 29/12, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2022/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhưng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng.
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng vượt bậc. Đến 30/11, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298.000 tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 21,4%. Trong 20 năm qua, đã có gần 43 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng doanh số cho vay gần 830.000 tỷ đồng.
Đánh giá về vốn tín dụng chính sách, ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng bộ LĐ TB&XH cho biết, tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế xã hội, là trụ cột của các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo với tín dụng chính sách xã hội.
Theo đại diện tỉnh Sơn La, hàng năm, địa phương cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay là 172,1 tỷ đồng, tăng 113,2 tỷ đồng so với năm 2014 (từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW). Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 112 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh vay vốn thoát ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những gia đình nhận vốn vay chính sách, bà Ngô Thị Lan (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất khi 3 con còn nhỏ, con lớn nhất lớp 6, một cháu mầm non. Năm 2005 gia đình bà Lan thuộc diện Hộ nghèo và được vay vốn chính sách 15 triệu đồng chăn nuôi bò. Ngoài ra, cả 3 con của bà Lan đều vay vốn học sinh, sinh viên học đại học, có việc làm ổn định, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Con gái đầu của bà Lan thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, với kết quả học tập xuất sắc nên nhà trường giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử đi học tập và nghiên cứu nhận bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản.
Đề xuất mức vay cao hơn
Là một trong các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác vay vốn tín dụng chính sách, ông Phạm Văn Nam – Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị, NHCSXH cần tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa, bổ sung, ban hành hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển nguồn vốn ổn định, bền vững giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số lượng, mức vay lớn hơn, thời gian dài hơn. Cần lồng ghép có hiệu quả giữa tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án, các hoạt động, phong trào do các cấp Hội đoàn thể phát động hằng năm.
Lãnh đạo Bộ LĐ TB&XH kiến nghị, NHCSXH điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, giúp người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện để tiếp cận và tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho tín dụng chính sách xã hội để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả NHCSXH đạt được qua 20 năm qua. Chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn và nâng mức cho vay. Tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.