Gần 200 lao động Việt Nam từ Libya trở về

Gần 200 lao động Việt Nam từ Libya trở về
TPO - Cuối cùng, sau hai ngày thấp thỏm chờ đợi, người thân của 176 lao động đã nở nụ cười khi nhìn thấy họ bước xuống sân bay Nội Bài vào lúc 4 giờ sáng nay, 26-2.
Gần 200 lao động Việt Nam từ Libya trở về ảnh 1
Các lao động từ Libya trở về sáng nay. Ảnh: Phong Cầm - Hữu Cẩm

Đúng 4 giờ sáng, chuyến bay mang ký hiệu SHJ của hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đến 4 giờ 15 phút, họ bước ra sảnh A (ga quốc tế đến) trong niềm vui khôn tả của người thân. Đây là 176 lao động Việt Nam đầu tiên được di tản khỏi Libya sau các cuộc biểu tình đẫm máu.

Chùm ảnh: 176 lao động Việt Nam trở về từ Libya

Có mặt tại sân bay Nội Bài suốt từ 2 giờ sáng (ngày 24-2) đến rạng sáng ngày 26, PV Tiền Phong đã chứng kiến nhiều người nhà lao động thấp thỏm lo âu khi thời điểm hạ cánh của chuyến bay đầu tiên mang lao động Việt Nam về nước luôn thay đổi.

Theo thông tin ban đầu, 176 lao động của Cty Vinaconexmex sẽ về đến Việt Nam 4 giờ 40 phút ngày 25-2, nhưng đến hết ngày 25 vẫn không có tín hiệu nào cho thấy có lao động Việt Nam về nước. Cả lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Cty Vinaconexmex cũng hoàn toàn bị động, không biết chính xác thời điểm chuyến bay sẽ về đến Việt Nam.

Trong ngày hôm nay, sẽ tiếp tục có ba chuyến bay đưa lao động từ Libya về nước. Chuyến bay vào trưa và tối nay sẽ đưa khoảng 400 lao động nữa về nước. Một chuyến bay khác sẽ đưa 95 lao động của Cty Lilama về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Mặc dù đã về đến Việt Nam nhưng lao động Lê Đức Anh (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những điều nhìn thấy ở thành phố Tripoli - nơi anh và những lao động khác của Cty Vinaconexmex làm việc.

Anh cho biết, đã sang Libya làm việc được một năm. Những ngày qua, tình hình rất phức tạp. Anh làm việc cho chủ sử dụng Bồ Đào Nha nên việc ăn ở được hỗ trợ kịp thời. Khi đến sân bay Tripoli để bay sang Malta, tại đây có hàng nghìn người đang nằm ngồi vạ vật.

Theo Anh, tháng cuối cùng, chủ chưa trả lương và hứa sẽ fax bảng lương về Việt Nam sau. Sau khi trừ các khoản thuế, Anh nhận được mức lương 200 USD/tháng. “Chúng em may mắn hơn khi ở Tripoli, còn những anh em lao động khác vẫn đang vạ vật ở Tripoli trong tình trạng không có thức ăn”- Anh nói.

Lý Cheo Cheng và Vũ Văn Hùng (cùng ở Bắc Hà, Lao Cai) cho biết, họ rời Libya chiều 24-2. Tính đến ngày 27-2, họ làm việc tại Tripoli được hai tháng. “Ở Tripoli vẫn còn rất nhiều lao động Việt Nam. Họ đang sống trong sợ hãi và không có đồ ăn, thức uống. Trong khi đó, vì các nhà máy đóng cửa nên tình trạng trộm cắp liên tiếp xảy ra” - Hùng cho biết.

Theo Hùng, ở Tripoli còn đỡ, chứ tại Banghazi, lao động Việt Nam rất khốn khổ vì sống trong vùng bạo loạn. “Ngay cả tại sân bay Tripoli, nhiều người bị đánh đập, xô đẩy. Sân bay Tripoli, những ngày qua, bị mắc kẹt do hàng nghìn người chưa được di tản. Từ đầu đến cuối sân bay, chăn màn, bao ni lông mà người lao động dùng để đắp vứt ngổn ngang” - Hùng nói.

Ngay sau khi xuống sân bay, Cty Vinaconexmex đã bố trí xe ô tô đón lao động về trung tâm đào tạo nghề của Cty cách đó hai cây số. Theo ông Hiệp - Phó giám đốc Cty Vinaconexmex, trước mắt, mỗi lao động sẽ được Cty hỗ trợ một triệu đồng để mua vé xe về quê.

Trả lời báo chí sau đó, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, các lao động sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ một triệu đồng. “Căn cứ vào hợp đồng ký kết và các quy định của pháp luật, người lao động sẽ được giải quyết quyền lợi một cách thoả đáng”- ông Hải cho biết.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG