Gần 1.000 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng về đâu?

Gần 1.000 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng về đâu?
TPO - Gần 1.000 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được đánh chuyển, ươm trồng, chăm sóc với "kinh phí rất lớn", để rồi sau đó trồng tại các vị trí cửa ngõ Hà Nội, các nút giao thông quốc lộ.

Sáng 18/10, đơn vị thi công đã bắt đầu việc chặt hạ, đánh chuyển gần 1.300 cây xanh hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long (Hà Nội) để phục vụ việc thi công dự án đầu tư mở rộng Đường vành đai 3.

14 cây xanh sẽ bị chặt hoặc đánh chuyển trong đợt đầu, để bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long và dự án đường trên cao.

Gần 1.000 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng về đâu? ảnh 1 Việc đánh chuyển, chặt hạ số cây xanh dự kiến kéo dài đến trước tháng 12 năm nay.

Ông Trần Khánh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Beepro cho biết, tiêu chí đề ra là cứu được càng nhiều cây xanh càng tốt. "Thay vì mua cây mới thì ta duy trì sự sống của cây, ngoài ý nghĩa về cảnh quan môi trường còn tiết kiệm cho thành phố".

Theo ông Toàn, gần 1.000 cây xanh (trong đó đa phần là cây xà cừ) sẽ được đánh chuyển, sau đó sẽ được trồng lại tại các vị trí cửa ngõ của Hà Nội, các nút giao thông như: Đại lộ Võ Nguyên Giáp, nút giao giữa đường Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5…

Không trả lời cụ thể về kinh phí đánh chuyển và ươm trồng gần 1.000 cây xanh kể trên, nhưng ông Toàn cũng thừa nhận "kinh phí là rất lớn". Ông Toàn cũng nói rằng chi phí đánh chuyển, chăm sóc cây xanh "vẫn đang hoàn thiện" bởi không phải cây nào cũng giống cây nào, quá trình đánh chuyển sẽ có phát sinh.

Gần 1.000 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng về đâu? ảnh 2 Toàn cảnh hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Mạnh Thắng

Theo danh mục quy hoạch cây xanh đô thị của Sở Xây dựng Hà Nội, không có cây xà cừ. Như vậy, việc bỏ ra "kinh phí rất lớn" để chăm sóc những cây này rồi đem trồng ở bên ngoài đô thị hoặc nút giao thông quốc lộ liệu có quá lãng phí?

Trước đó vào cuối tháng 6/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án hoàn thiện vành đai 3, đoạn từ cầu Mai Dịch – cầu Thăng Long nằm trong 39 dự án trọng điểm về giao thông của thành phố đang triển khai. Dự án được Hà Nội quy hoạch tuyến đường Vành đai 3 có từ năm 1990. Lẽ ra ngay từ thời điểm đó, thành phố không nên cho trồng cây ở dải phân cách giữa tuyến đường này.

Theo lãnh đạo thành phố, cây xà cừ đã đánh chuyển trên đường Phạm Văn Đồng không thể trồng lại trên phố do đường kính quá lớn. Số tiền để đánh chuyển, ươm trồng 1.000 cây trên đường Phạm Văn Đồng có thể dùng để trồng mới hàng chục nghìn cây khác.

“Chúng ta phải bỏ chục triệu đồng ra đánh chuyển di dời, chăm sóc một cây, nhưng tới đây chưa biết trồng ở đâu. Tôi khẳng định không thể trồng xà cừ ở các tuyến phố”, lãnh đạo Thành phố khẳng định.

MỚI - NÓNG