Gẫm thêm tên hai cụ phố mới ở Phòng

Gẫm thêm tên hai cụ phố mới ở Phòng
TP - Họa sĩ Việt Tuấn, con trai nhà văn Kim Lân rủ, chủ nhật này, anh có về Phòng không? Nói sự kiện hay liên hoan có lẽ chả phải. Mà nhân tiết Thanh minh, cả nhà Việt Tuấn đi viếng mộ ông bố vợ Hoàng Công Khanh. Nữa là UBND phường Lãm Hà (Kiến An) cùng Nhà văn hóa Phường có một cuộc gặp vui nhân Phường ấy có một con đường mới mang tên Hoàng Công Khanh.

> Hà Nội sẽ có phố Đặng Thùy Trâm
> Một tên phố Hà Nội cho cha con người bác sĩ oai hùng ấy

Ngỡ tưởng phải tấm tắc lâu lâu cái câu Hải Phòng thành phố ăn nằm với biển/ đẻ ra những người cần lao của ông bạn già Dương Côn. Nhưng sau này những chuyến xuôi Phòng nối nhau dài dài mới bừng thức ra Hải phòng đẻ ra không phải chỉ những người cần lao lam lũ mà còn sinh hạ không ít những đấng!

Một ông viết lách già từng trợn trừng trợn trạc trước đám trẻ thế này, mỗi bận nếu có buột mồm về những Lê Đại Thanh, Hoàng Công Khanh, Đào Trọng Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Thanh Tùng, Thi Hoàng vv... nói tóm lại là các đấng ấy xứ Phòng thì phải là những khi lòng ta chợt tơi tả cay đắng!? Là phải vịn vào tên các đấng ấy để lòng dạ tơi tả nghiêng ngả có cơ để yên tĩnh thăng bằng?

Có quá không khi nhắc về những văn nhân của Hải Phòng như trên và như thế không nhỉ? Chợt nhớ, đồng loạt hồi cuối năm ngoái, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ra một quyết định đặt tên cho hai đường phố mới của quận Kiến An Hải Phòng. Phố Lê Đại Thanh và Phố Hoàng Công Khanh! Mà hai vị ấy là hai anh em kết nghĩa!

Nói đồng loạt bởi không phải một vài người, một nhóm một tốp người mà là chúng khẩu đồng từ hẳn hoi của những người đại diện cho cử tri đất Cảng! Mà nghĩa cử đó, nếu kêu bằng tôn vinh hay vinh thăng hoặc tưởng nhớ ghi ơn chi chi đó cũng được nhưng nếu gọi sự vật bằng cái tên của nó phải dứt khoát, đằng thằng là chiêu tuyết thì cũng chả ngoa nào!

Nhà thơ Lê Đại Thanh
Nhà thơ Lê Đại Thanh .

Lê Đại Thanh, con phố dài 1.200 mét rộng 7 mét từ đầu đường Trường Chinh giao với quốc lộ 10 cũ. Những dài những rộng gọn thon lỏn trần thùi lụi ấy, chiều kích đó có lẽ là chuế là khó đo đếm những tao tiết này khác của một gia đình có 28 văn nghệ sĩ (trong đó có hai nghệ sĩ ND, 4 NSƯT với những Lê Mai, Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi). Gia đình truyền thống nghệ thuật ấy, nếu tính thì sẽ tính từ đời Lê Đại Thanh, là “F1” và tới đời của Lê Khanh, bắt đầu bước lên sân khấu trong nhà thiếu nhi là đời thứ tư.

Gia đình nghệ thuật ấy đã từng trải qua 22 năm năm tao bảy tiết!

Những năm đầu 90, ngó cái dáng hơi liêu xiêu của ông lão Lê Đại Thanh sắp cửu tuần, với bề ngoài ấy, người ta dễ chuội dễ nhòa đi với cảm giác, ông lão này khéo mà đạt cả phúc, lộc, thọ đây! Mà không nghĩ rằng một dịp may mình vừa bắt được vừa gặp được một lão giả!

Giả là người là đấng! Văn nhân thi nhân Lê Đại Thanh. Kịch và thơ ca là hai mảng chính trong cuộc đời làm nghệ thuật. Từng nhận nhiều giải của Tự Lực Văn Đoàn. Sự nghiệp sáng tác của ông không phải là đồ sộ nhưng thơ Lê Đại Thanh, những Di chúc, Thi sĩ và thơ, Sư tử và mặt trời, Tâm sự cùng nhân loại, Thời gian, Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi, Đám cưới chuột, Ngây thơ... đã bầu lên một độc đáo Lê Đại Thanh.

Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/ Chết là trở về tinh thể sao trời/ Trả lại đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương

Lê Đại Thanh là hội viên sáng lập của nhiều cơ quan văn nghệ nổi tiếng sau này như Hội Nhà văn Việt Nam (1957), Hội Văn nghệ Hải Phòng (1964).

Trích ngang lý lịch của ông, thấy nhiều cái từng. Từng học Trường Bonnal (Trường TBT Nguyễn Văn Linh học) rồi Trường Bưởi, từng bạn thân của những Ngô Gia Tự. Rồi từng đi dạy học ở Nam Định, Hải Phòng mà trong số học trò sau này có những văn nhân và nhân tướng. Nam Cao, Nguyên Hồng, tướng Bằng Giang, Nam Long... Thời tham gia cách mạng từng bị Nhật và quân Tưởng giam cầm. Từng tham gia đội hình của Trung đoàn 42 quyết tử với Hải Phòng thời điểm Toàn quốc kháng chiến. Từng Phó GĐ ban Tuyên truyền Liên khu II. Từng làm báo Quân Bạch Đằng, Báo Cứu Quốc, báo Văn Nghệ.

Rồi cũng đùng một loạt từng. Sau sự kiện Nhân văn Giai phẩm, Lê Đại Thanh bị kiểm điểm, buộc thôi công tác tại Đoàn kịch Trung ương. Rồi sau đó, các tác phẩm của Lê Đại Thanh không được phép xuất bản trong suốt một thời gian dài. Người con trai là NSƯT Lê Đại Chức ngậm ngùi, hậu quả của vấn đề này còn dai dẳng một thời gian dài nữa khi tất cả những người thân thiết trong họ mạc cũng xa lánh gia đình chúng tôi. Bản thân anh chị em chúng tôi không được thi Đại học, thậm chí người ta nói thẳng rằng: thi cũng không được đỗ. Người ta hướng chúng tôi đi lao động, nhưng thực chất đó là một hình thức cải tạo.

Cũng trích ra đây cuộc một đoạn cuộc chuyện trò của ông Tố Hữu với họa sĩ Lê Đại Chúc.

Sau này nhà thơ Tố Hữu đã nói với nhạc sĩ Trần Hoàn khi biết tôi là con ông Lê Đại Thanh: “Trường hợp của ông Lê Đại Thanh nếu như có một kết luận nào đó để hiểu là kỷ luật thì đó là kết luận sai lầm”. Sai lầm hay không sai lầm thì chúng tôi cũng đã mất 22 năm kèm theo bao thăng trầm khác. Nhưng không sao, tôi có nói với ông Tố Hữu rằng: “Cháu cám ơn 22 năm đó vì đây là quãng thời gian cho chúng cháu một bản lĩnh để chịu đựng, tiến thân bằng con đường học hành và những nỗ lực tự thân”. Ông Tố Hữu đã nói một câu thế này: “Tôi trọng câu anh vừa nói”.

Dọc con phố Hoàng Công Khanh
Dọc con phố Hoàng Công Khanh.

Tên con phố Lê Đại Thanh vừa rồi như một sự đính chính, sự hối lỗi và chiêu tuyết nối dài từ Tố Hữu?

Cũng khởi đầu từ phố Trường Chinh, số nhà 30. Điểm cuối con đường Hoàng Công Khanh là một Công ty tư nhân có tên là Quảng Tùng Hương thuộc quận Kiến An - Hải Phòng. Bề dài lẫn rộng (6 mét) không bằng đường Lê Đại Thanh có lẽ cũng phải. Ông anh là phải nhỉnh hơn ông em. Cả tuổi tác nữa. Lê Đại Thanh hơn người em kết nghĩa Đoàn Văn Kiều (tên thật của Hoàng Công Khanh) đúng 10 niên. Nhưng vị chát đắng ông em nếm lại có phần nhỉnh hơn ông anh thì phải?

Thời trẻ trai sôi nổi cũng tinh những dịp từng liệt oanh như ông anh kết nghĩa Lê Đại Thanh. Từng tú tài triết học Pháp toàn phần. Từng có mặt trong số yếu nhân Việt Minh đón thủ lĩnh Quốc Dân Đảng Nguyễn Bình ly khai về với cách mạng! Từng gian nan ngồi đề lao Sơn La với tư cách tù chính trị cùng những yếu nhân Lê Đức Thọ, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng...

Sau cách mạng tháng Tám những là trưởng ty thông tin truyên truyền, chủ tịch hội văn hóa cứu quốc (VHCQ) Hải Phòng, Tổng thư ký HVHCQ Liên khu 3, Ủy viên ban chấp hành VHNT Liên khu 3, chủ tịch hội đồng tiết mục sở văn hóa Hà Nội, chủ bút một số tạp chí... Năm 1950, ông trở về Hà Nội làm chủ bút tờ Dân ý, tờ báo có sự chỉ đạo của thành ủy Hà Nội.

Thế rồi đùng cái Nhân văn giai phẩm, nặng hơn cả ông anh kết nghĩa, Hoàng Công Khanh bị buộc thôi việc và bị bắt giam.

Người ta thoắt quên tiệt các danh hiệu cán bộ tiền khởi nghĩa và các công trạng này khác cùng những đóng góp của một văn nhân.

Một cái ngày rét tím rét tái, phạm nhân Hoàng Công Khanh được báo có khách… Ông ôm lấy cái khuôn hình xương xương của nhà văn Kim Lân mà người ấm sực lên. Ôi làm sao mà ông vào đây? Ông không ngại không ngán à?

Cái cười quen thuộc cùng động thái vỗ vai thân thiết của người bạn viết cứ ấm mãi... Hình như có chút chi đó làm cơ sở để vun thành một mối quan hệ thông gia mãi về sau này? (trong 4 cô con gái Hoàng Công Khanh, có Hạnh Đào về làm dâu cụ Kim Lân).

Sau khi ra tù, suốt 10 năm, Hoàng Công Khanh đi làm thợ mộc rong. Ông thản nhiên, tôi từng giữ nhiều chức vụ nhưng thật ra chẳng làm được gì đáng kể, làm thợ mộc rong vừa có nhiều tiền, vừa viết khỏe.

Ông biết quên và biết nhớ cái gì cần nhớ. Hình như năng lực và khí chất ấy đã cứu ông? Sự sống không bao giờ chán nản! Với ông biết bao những bầm dập như thế mà cấm có nhạt có tắt đi cái cười? Thù hận tức tối hay tìm cách thanh toán tính sổ này khác chỉ làm người ta mau già mau chết… Một bận ngừng giữa hai đợt truy cập, ông đã từng khơ khơ như thế trong khi bàn tay răn reo vẫn di chuột thoăn thoắt.

Và nữa niềm yêu viết lách đã cứu ông? Chừng như sự bất hạnh với Hoàng Công Khanh là thứ bất động sản vô giá?

Mà cũng lạ, Xứ Phòng cũng có Bùi Ngọc Tấn, hoàn cảnh xô đẩy thế này thế nọ, với ai đó là đường cùng ngõ cụt với những nhiêu khê thê lương nhưng hung thành cát dữ thành lành, họ ứng xử với nó như một thứ cơ may?

Không hề đoản đứt mà vẫn tiếp nối luôn một cái mạch Hoàng Công Khanh thạo các ngón thơ, kịch thơ, kịch nói, ca kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn... Mà những thể loại ấy, đã vượt qua con số 60 tác phẩm từ những năm 1980! Ba cái Giải văn chương những là của UB toàn quốc các Hội VHNT, những Giải Thăng Long của Hội Văn nghệ Hà thành… một người đời viết không được đều và từng đã lận đận này khác thiết tưởng cũng chả nhiều người có vinh hạnh ấy?

Có một chuyện mà ông thường nhắc lại là cũng vì chữ vì nghĩa mà đâm lạc bước thế này thế khác và cũng nhờ vì chữ nghĩa mà thoát ra được. Ban giám đốc trại cải tạo mạn ngược hồi ấy cấp hẳn cho ông một cái phòng, một tập giấy trắng, có trà thuốc hẳn hoi, giữ ông hàng tháng trời để ông hoàn thành một vở kịch về đề tài lịch sử!

Về thể loại này, riêng số lượng, nước Nam mình hình như chưa có ai vượt ông? Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích, Chử Đồng Tử, Ba bức tình thư. Vua Đen vv... Kịch thơ của Hoàng Công Khanh đã từng diễn ở Pháp, Mỹ, Canada... Phải chăng người xưa tích cũ đã ám ông rồi đã chọn ông để chuyển tải những thông điệp như Nguyễn Du từng than người xưa chết mồ mả đã ngổn ngang/ mà người nay sao cứ bôn tẩu rộn ràng?

Con phố mang tên Lê Đại Thanh, Hoàng Công Khanh kia như một mảng miếng của sử?

Và của một thông điệp nào đó?

Thanh minh năm Tỵ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).