Gã giang hồ không chỉ trên màn ảnh

Gã giang hồ không chỉ trên màn ảnh
TP - Từ một học sinh đệ tam đến lính thủy quân lục chiến, từ một trùm du đãng của bến Nguyễn Duy rồi thành một anh hùng ở phố chợ trời, đùng một cái, anh trở thành… diễn viên ghi rất nhiều dấu ấn trong nền điện ảnh nước nhà.

> Nhà Văn

Dọc ngang giang hồ

Trong tất cả các vai diễn, anh kể, thích nhất vẫn là vai diễn Mộc “già” trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn… Trong phim, Mộc “già” là tay giang hồ cộm cán đất Sài Gòn và bị Bảy Xoài (lấy nguyên mẫu Năm Cam ngoài đời) mượn tay Phượng Đê (Nguyên mẫu Dung Hà) diệt trừ bằng cách tạt axit vào mặt.

Với Điền Thái Minh, đây là nhân vật đem lại cho anh nhiều đất diễn cũng như đối lập tính cách. Không chỉ là một tay giang hồ một mặt, ở nhà, Mộc “già” là một người chồng thương vợ, một người cha yêu con…

Tuy nói là cố gắng để nhập vai, nhưng những vai diễn trong phim cũng gần như chính cuộc đời của anh.

Năm 1981, khi đạo diễn Xuân Sơn phát hiện ra Điền Thái Minh trong một khu chợ nhỏ của thị trấn Long Thành cho vai đại úy trong phim Những khoảng cách còn lại, ắt hẳn chỉ vì ngoại hình thoạt nhìn rất giang hồ của anh mà không nghĩ, trong quá khứ anh là một “giang hồ” thứ thiệt.

Năm 13 tuổi, Điền Thái Minh mất cha. Một mình người mẹ trẻ phải bươn chải nuôi đến năm nhân khẩu. Minh học đến Đệ tam, những mang trong mình ước mơ trở thành một anh kỹ sư, nhưng rồi, sự kiện đêm 1969 đã làm thay đổi cuộc đời khi Minh chứng kiến thái độ hỗn xược của Ba Xê- gã trưởng khóm Dân quân tự vệ bến Nguyễn Duy với mẹ ruột của mình và những người bạn cùng trang lứa với bà.

Ôm mối căm tức, chỉ hai ngày sau, Minh tham gia đăng lính Thủy quân lục chiến. “Rèn giũa” 3 tháng trong môi trường của Sóng Thần - Rừng Gấm, một trưa năm 1969, gã binh nhì Điền Thái Minh trở về nơi xưa, giáng cho Ba Xê những đòn chí mạng.

Một tuần bị bắt giữ, Minh trở về đơn vị rồi đào ngũ. Mang danh lính Thủy quân lục chiến thời xưa, nhưng không bao giờ anh xuống tay với đồng bào mình.

Ngược lại, chứng kiến những chết chóc hằng ngày của cuộc chiến tranh, cuối năm 1969, anh đào ngũ rồi trở về quận 8. Tại đây, từ một căn gác xép, Minh chỉ huy cho đàn em cai quản các sòng bài, động chứa…

Cái tên “Minh TQLC” trở thành cái tên khiến những anh chị “sởn gai ốc” thời đó mỗi khi nhắc đến. Đó là cái thời mà “mười mấy năm tù chỉ như một giấc ngủ trưa” như giờ anh vẫn đùa mỗi khi nhắc lại.

Mùa xuân năm 1972, Minh bị quân cảnh bắt trở lại tiểu đoàn TQLC ở Quảng Trị. Ngán ngẩm trước những cảnh tượng chiến tranh, một tối, Minh tự dùng súng… bắn vào chân mình để được xuất ngũ.

Nhờ một bác sĩ tốt bụng, sau đó ít lâu, với lí do “không đủ sức khỏe”, Minh được trở vào Nam, rồi năm 1974, anh lập gia đình.

Chỉ hai bàn tay trắng, để mưu sinh, Minh phải “làm bạn” với nghề bán hàng ở khu chợ trời quận 5. Chợ trời là nơi tập hợp của rất nhiều thành phần, vô cùng tạp nham và xô bồ.

Cái “tiếng” hạ được trùm du đãng ở bến Nguyễn Duy đã khiến anh có thể tồn tại ở nơi mảnh đất hổ lốn này. “Không có “thành tích”, ắt sẽ bị hạ bệ ngay”, Điền Thái Minh hóm hỉnh.

Cũng chính thời gian này, biệt danh Đức “Mông Cổ” xuất phát từ hình xăm con rồng xanh trên lưng Minh đã xuất hiện. Và, anh “chết tên” này từ đó.

Từ khu chợ trời Đồng Khánh, một thời gian sau, Đức “Mông Cổ” lại “dạt” tiếp về khu chợ trời ở Long Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là quê mẹ của Đức, cũng là nơi anh chọn để bắt đầu lại từ đầu, xa Sài Gòn, xa khoảng thời gian ngang dọc ở bến Nguyễn Duy.

Xác định bước đi trên một con đường bình thường, ít chông gai với người vợ trẻ, nhưng số phận đã “bắt” cuộc đời Đức rẽ theo một hướng mới. Đó là vào năm 1981.

Phiêu bạt màn ảnh

Những tưởng đã tạm an lòng với “địa vị” một anh bán hàng được nhiều người quý mến, thì định mệnh xui khiến cho anh gặp đạo diễn Xuân Sơn.

Ngoại hình hơi “bặm trợn” với những vết xăm rồng rắn chính là điểm khiến anh lọt vào mắt xanh đạo diễn Xuân Sơn và nhà quay phim Trần Trung Nhàn khi họ đang lang thang đi tìm diễn viên cho bộ phim Những khoảng cách còn lại.

Nhớ lại buổi sáng hôm đó, Điền Thái Minh bất giác mỉm cười. Anh kể, khi hai người đến bắt tay anh, mời uống nước, anh cũng chỉ đáp lại vì phép lịch sự chứ không nghĩ họ là những nhà làm phim. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây (tiếng Pháp) rất lâu, rồi sau đó mới mở lời mời anh nhận vai đại úy cảnh sát cho bộ phim sắp tới.

Tất nhiên, phản ứng đầu tiên của anh là… lắc đầu. Dù trước đó, ít ai biết anh đã từng “kinh qua” vai trò là một nghệ sĩ của gánh hát Phương Anh hồi những năm 1973-1974.

Chất nghệ sĩ sẵn có, nhưng lời đề nghị đột ngột của hai người khách lạ vẫn khiến Đức “Mông Cổ” thấy… choáng. Nhưng, bằng tài thuyết phục của mình, cuối cùng đạo diễn Xuân Sơn đã khiến anh… đầu hàng. Và ngay tối cùng ngày, anh bắt đầu bước những bước đầu tiên vào con đường nghệ thuật thứ 7.

Vai diễn đầu đời của Đức “Mông Cổ” là đại úy Bình-một cảnh sát dã chiến Ngụy. Sau đó là hàng loạt những vai diễn khác, nhưng hầu hết là vai phản diện. Mở cho tôi xem vài đoạn băng được lưu giữ cẩn thận, anh đùa: “Nhìn tôi bặm trợn thế này, trách gì có thời người ta sợ như… sợ cọp”.

Tối hôm anh diễn, những người là bạn hàng, khách hàng của Đức có một phen… hú vía. Anh cười kể, ánh đèn quay lạ lẫm, thêm mấy người khách đứng chỉ chỏ, kêu “anh này bán xoong nồi sao đi đóng phim”, khiến anh bị “khớp”.

Nhưng rất nhanh, anh đã bắt kịp và diễn tốt. Gần 30 năm, cái duyên từ đạo diễn Xuân Sơn đã giúp anh “gieo” thêm cả trăm vai diễn khác. Đã từng một thời dọc ngang, coi đất trời chỉ bằng chiếc vung nên những nhân vật anh đóng cũng như chính anh vậy.

Như vai gã sĩ quan trong phim Đi giữa dòng đời, ông trùm cá độ trong phim Sút sút vô, trùm đường dây ma túy trong Duyên tình yêu, Bẫy rồng, trùm phản động của Trò chơi sinh tử…

Hai bến thuyền neo đậu….

Đi qua hơn nửa đời người với quá nhiều thăng trầm, ngoài nghiệp diễn, ý nghĩa nhất chính là hai người phụ nữ, đó là mẹ và người vợ hiện tại. Cha mất sớm, mẹ anh một mình nuôi con. Sau những sai lầm của tuổi trẻ, năm 1990, khi mẹ mất đi, anh mới thực sự nhận ra, rằng hạnh phúc với đấng sinh thành hoàn toàn không phải là những đồng tiền không lương thiện.

Khoảng thời gian làm “đại ca”, bảo kê những tụ điểm ăn chơi, tiền bạc đem về từng bao tải, nhưng mẹ anh không bao giờ đụng vào những đồng tiền ấy. Ước mơ của bà là được nhìn thằng con học hành tới nơi, trở thành người lương thiện chứ không phải làm giàu bằng mọi giá. “Tiếc rằng, tôi đã làm cho mẹ buồn quá nhiều”.

Người phụ nữ thứ hai, đã sống với Đức “Mông Cổ” hai mươi năm nay là vợ anh, chị Phương Thảo. Chị là người đã đến với anh sau khi người vợ đầu tiên của anh lâm vào cờ bạc rồi ngoại tình.

Lúc ấy, chị là cô gái bán cà phê gần nhà, nhưng chẳng bao giờ hai người để ý tới nhau. Mãi sau năm 1990, khi anh và người vợ đầu tiên ra tòa li dị, một lần Đức buồn buồn ghé vào uống cà phê, rồi từ đó họ bắt đầu tìm hiểu.

Lấy chồng là nghệ sĩ, nhiều lần chị cũng theo chân anh làm… diễn viên. Chị đã từng tham gia vai diễn trong phim Bông dừa cạn, Hương phù sa, Ngày về… và tạo được ấn tượng tốt. Hạnh phúc của hai vợ chồng bây giờ là cậu con trai đã 18 tuổi đang tuổi lớn.

Với con, anh không bao giờ giấu giếm những khoảng thời gian đã từng trải. Bởi, “kiếp giang hồ” ấy đã qua đi, và điều quan trọng nhất là con người biết quay đầu để tìm cho mình một bến đỗ…

Gã giang hồ không chỉ trên màn ảnh ảnh 1
 

 Bây giờ, hạnh phúc của anh là gia đình nhỏ khép mình sau ngôi trường tiểu học Lê Qúy Đôn, Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM. Những giờ không bận rộn lắm ở trường quay, anh giúp vợ trong việc buôn bán nhỏ và chăm lo cho cậu con trai đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. 

Điện ảnh là lối rẽ màu hồng

Dáng cao gầy, giọng nói với âm vực rất nhẹ, Điền Thái Minh khác với hình ảnh “đại ca” trên màn ảnh mà anh vẫn thể hiện. Tất nhiên, phim là phim, đời là đời. “Khi nhập vai, để thành công, mình không còn là mình thực sự nữa”, anh nói.

Anh bảo, ai cũng kêu đường nghệ thuật lắm bạc bẽo, nhưng từ khi bước chân vào nghề, anh chưa một ngày hối hận. So với khoảng thời gian phải lang bạt chốn chợ trời, kiếm ba cọc ba đồng qua ngày, thì điện ảnh chính là hướng rẽ màu hồng mà cuộc đời đã tạo cho anh.

Có những hôm đóng phim, 12h khuya lội xuống sình, hay xa nhà rất lâu, nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì mình được diễn.

Có một dạo, khoảng năm 1986, vì bất đắc dĩ, anh phải xa phim trường rồi sau mới trở lại với phim Đi giữa dòng đời của đạo diễn Trần Vịnh. “Đó là khoảng thời gian buồn và nhớ những vai diễn nhiều lắm”, anh bùi ngùi kể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG