G7 tìm kiếm mặt trận đối phó Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Các ngoại trưởng G7 tham gia cuộc họp ở London ngày 4/5. Nguồn: AP
Các ngoại trưởng G7 tham gia cuộc họp ở London ngày 4/5. Nguồn: AP
TP - Ngày 4/5, các ngoại trưởng G7 tập trung bàn về việc tạo nên một mặt trận chung để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và Hoa Đông cũng được nêu ra tại hội nghị.

G7 là tập hợp các nền kinh tế phát triển nhất thế giới gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc làm sâu sắc quan hệ giữa các nước đồng minh, nước chủ nhà Anh lần này mời Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc tham gia hội nghị kéo dài 3 ngày tại London. Sau phiên họp ngày 4/5, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đã “không có sự bất đồng đáng kể nào” giữa các thành viên G7 về Trung Quốc và những vấn đề khác.

Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về chính sách kinh tế “chèn ép” mà Trung Quốc thực hiện với những nước khác, vị quan chức Mỹ nói với báo giới. Vị này nói rằng các cuộc bàn luận không phải để tìm ra cách phối hợp hành động mà là tìm kiếm một mặt trận chung để tập hợp các nước “cùng chí hướng”, Reuters đưa tin.

Ngày 4/5, Ủy ban châu Âu đình chỉ quá trình cân nhắc để thông qua thỏa thuận đầu tư của EU với Trung Quốc. Thông tin này chắc chắn khiến Mỹ hài lòng, dù các quan chức cho biết vấn đề đó không được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này.

Chính phủ Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” trước những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và Hoa Đông. Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ông Motegi hoan nghênh Berlin quyết định đưa một tàu khu trục đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay để tăng cường các quan hệ an ninh. Quyết định này được đưa ra sau khi Đức ban hành hướng dẫn chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương toàn diện, báo hiệu sự thay đổi đối với chính sách ngoại giao lấy Trung Quốc làm trọng tâm ở châu Á. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Motegi nêu quan ngại trước mối đe doạ an ninh tiềm tàng từ việc Trung Quốc ban hành luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí với các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh coi là của mình, Kyodo đưa tin.

G7 cũng thảo luận công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới ở Cornwall, miền Tây Nam nước Anh. Đó sẽ là lần đầu tiên ông Joe Biden công du nước ngoài trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói rằng Anh dự kiến tổ chức một hội nghị ngoại trưởng G7 nữa vào cuối năm nay, trong đó sẽ có sự tham dự của các quốc gia châu Phi để thu hút sự chú ý hơn nữa vào các vấn đề của châu lục này.

Các ngoại trưởng của Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc đáng ra đã là những khách mời trong cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do lần này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phải tham dự trực tuyến sau khi hai thành viên trong phái đoàn của ông mắc COVID-19.

Trong ngày thứ hai và ba của hội nghị, các ngoại trưởng G7 dự kiến thảo luận những vấn đề liên quan đến phản ứng với COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Trung Quốc có thể không quay đầu

Ông Kurt Campbell, một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về châu Á, nói rằng Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng chiến lược tập hợp đồng minh để đối phó với Trung Quốc có thể sẽ không khiến Bắc Kinh thay đổi hành vi.

Các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi cách làm nếu gặp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia. “Tôi tin rằng đang có hy vọng như vậy, nhưng tôi cũng tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang trong giai đoạn vận động đáng kể. Hoàn toàn có khả năng họ sẽ tăng gấp đôi thay vì quay đầu lại”, ông Campbell nói tại diễn đàn do Financial Times tổ chức. Ông Campbell hiện là điều phối khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

Khi chính quyền Biden xây dựng chính sách với Trung Quốc, các quan chức cấp cao nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy quan hệ với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh. Trong 3 tháng đầu của chính quyền Biden, nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt phối hợp nhằm vào Bắc Kinh trong vấn đề Tân Cương, một tuyên bố chung giữa Tokyo và Washington nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình ở eo biển Đài Loan, và hội nghị ngoại trưởng G7 tuần này hoàn toàn tập trung bàn những thách thức do Trung Quốc gây ra.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.