G20 nỗ lực giải quyết mâu thuẫn

Ông Putin và ông Trump gặp nhau tại G20 Osaka
Ông Putin và ông Trump gặp nhau tại G20 Osaka
TP - Các lãnh đạo thế giới tham dự thượng đỉnh G20 mâu thuẫn về những giá trị đã đóng vai trò là nền tảng của hợp tác trong suốt mấy thập kỷ qua, trong bối cảnh phải giải quyết những mối đe dọa tăng trưởng kinh tế.

“Nền kinh tế mở và tự do là cơ sở cho hòa bình và thịnh vượng”, Japan Times dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói trong phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài 2 ngày, nơi các lãnh đạo vật lộn với những căng thẳng về thương mại, toàn cầu hóa và thỏa thuận hạt nhân sụp đổ với Iran.

Trong khi G20 nỗ lực thúc đẩy đồng thuận trong những cách tiếp cận chính sách vĩ mô và các vấn đề địa chính trị, giữa các thành viên đang tồn tại nhiều rạn nứt.

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc rằng, chớ nói đến những cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong, Thủ tướng Abe vẫn nhắc nhở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề quyền con người, trong cuộc gặp cuối ngày 27/6, các quan chức Nhật Bản cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn lạc lõng với các nhà lãnh đạo khác trong những sự kiện quốc tế như thế này, đặc biệt trong các vấn đề Iran, biến đổi khí hậu và thương mại.

Một cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay, sau khi thượng đỉnh G20 kết thúc, đang tạo nên hy vọng cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp giảm nhiệt.

Nhưng trong một cuộc gặp với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ông Trump nói rằng ông chưa hứa sẽ không đánh thuế thêm với hàng Trung Quốc. “Chúng ta sẽ xem điều xảy ra ngày mai là gì. Tôi chắc đó sẽ là ngày rất thú vị. Hy vọng nó sẽ diễn ra tốt đẹp cho cả hai nước”, ông nói.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross lần này tháp tùng ông Trump, cho thấy có thể sẽ có một số chuyển động sau khi tiến trình đàm phán dừng lại ở vòng thứ 11, Reuters đưa tin.

Dù triển vọng Mỹ - Trung giảm căng thẳng trong chiến tranh thương mại đang là tâm điểm chú ý, nhiều lãnh đạo tham dự sự kiện lần này muốn thấy một cách tiếp cận bao quát hơn đối với những cuộc khủng hoảng toàn cầu.

“Tôi lo lắng sâu sắc về tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay. Thế giới đang chú ý đến đường hướng mà chúng ta, các lãnh đạo G20, đang đi. Chúng ta cần gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, để ủng hộ và đẩy mạnh một hệ thống thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử”, ông Abe nói.

Một bước đột phá giữa Mỹ - Trung chưa phải điều chắc chắn. Hôm 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ mình trước các bước đi của Mỹ. Tại những sự kiện đa phương như thượng đỉnh G20, Trung Quốc cũng thường tập hợp ủng hộ để bảo vệ các thỏa thuận thương mại toàn cầu nhằm chống lại quan điểm “Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Thủ tướng Nhật Bản nỗ lực để sự kiện lần này ở Osaka trở thành một cột mốc đánh dấu tiến triển trong các vấn đề môi trường và hợp tác phát triển quy tắc mới cho “nền kinh tế số”, như đề ra các biện pháp đánh thuế công bằng đối với những hãng công nghệ như Google và Facebook và tăng cường cảnh báo tình trạng lạm dụng công nghệ như dùng tiền ảo để tài trợ cho khủng bố và các loại tội phạm liên quan đến internet khác.

Trong lúc căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nói trong bức thư gửi đến các lãnh đạo G20 rằng thế giới không thể chịu được cuộc xung đột này, nên “cần phải xuống thang tình hình” và tránh đối đầu. Ông Guterres thúc giục cải cách để nâng cao tính an toàn của mạng lưới tài chính toàn cầu và gia tăng sức chịu đựng của kinh tế toàn cầu.

“Đừng can thiệp bầu cử nhé”

Trong cuộc gặp bên lề với ông Putin, ông Trump đã chỉ tay về phía Tổng thống Nga và nói: “Đừng có can thiệp vào bầu cử nhé”. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người kể từ khi công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller kết luận cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Putin đã cười khi Tổng thống Mỹ đưa ra “khiển trách” nhẹ nhàng về chuyện can thiệp bầu cử.

MỚI - NÓNG