Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã chứng khoản EIB) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016. Việc đưa mã chứng khoán vào diện cảnh báo chỉ là hoạt động mang tính kỹ thuật thông thường của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đối với các tồn đọng trong quá khứ. Điều này cũng đã từng xảy ra với các doanh nghiệp niêm yết có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm.
Báo Cáo Tài Chính (BCTC) của Eximbank tại thời điểm 31/12/2015 có khoản lỗ lũy kế là 817,5 tỷ đồng. Vấn đề này đã phát sinh trong những năm từ 2010 đến năm 2013 và đã được báo cáo trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 15/12/2015.
Nguyên nhân của khoản lỗ lũy kế này từ việc Eximbank bán tài sản cố định là bất động sản cho Công ty Cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2010 – 2013. Đây là ghi nhận chưa phù hợp quy định nên ngân hàng đã điều chỉnh hồi tố lợi nhuận chưa phân phối vào thời điểm ngày 31/12/2014, dẫn đến phát sinh khoản lỗ lũy kế này. Điều này khẳng định quyết tâm minh bạch của HĐQT mới
Theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán, hoạt động của Eximbank riêng trong 2015 đã thể hiện trạng thái ổn định, an toàn của ngân hàng. Tổng tài sản của ngân hàng năm 2015 là 124.850 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 61 tỷ đồng; các quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế có số dư tích lũy hơn 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,86% tổng dư nợ, đây là tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế ở mức 61 tỷ đồng cho thấy HĐQT đã mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý tồn đọng theo các nguyên tắc, tôn chỉ minh bạch đã nêu. Chỉ số an toàn vốn CAR là 17,03% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 48,79% và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi là 78,65%.
Dựa trên tín hiệu tích cực của 2015, HĐQT và Ban Điều hành của Eximbank đã và đang phối hợp cùng các cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC là một định chế tài chính toàn cầu hàng đầu đến từ Nhật Bản và nhà đầu tư chiến lược đã đồng hành với Eximbank từ năm 2008) đề ra một số phương án khả thi nhằm xây dựng Eximbank trở lại vị thế hàng đầu trong số các ngân hàng TMCP. HĐQT và Ban Điều hành sẽ trình ra đại hội cổ đông sắp tới.
Mọi hoạt động giao dịch của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường với những tín hiệu lạc quan. Cụ thể, đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2.8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 500 tỷ đồng. Ngân hàng đã và tiếp tục thực hiện việc hạch toán phân bổ đầy đủ các khoản chi phí dự phòng rủi ro, tăng năng lực tài chính. Eximbank đang từng bước đi vào quỹ đạo chuyên nghiệp, tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm sắp tới.