EVNNPT: Ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn xa

EVNNPT: Ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn xa
Xác định có cơ hội nhưng cũng có thách thức không hề nhỏ trong cuộc chiến nâng cao năng suất lao động, trong suốt thời gian qua Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã triển khai, ứng dụng nhiều đề tài, giải pháp KHCN giúp nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong bốn đơn vị truyền tải hàng đầu Đông Nam Á.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020, Tổng công ty đang thực hiện nhiều chương trình, đề án nghiên cứu khoa học áp dụng với thực tiễn nhằm tăng năng suất lao động trong toàn Tổng công ty.

Một trong những đề án xương sống được đích thân các lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty bàn thảo và thông qua chính là Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu: “Đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn đơn vị truyền tải hàng đầu Đông Nam Á, năm 2025 thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”.

EVNNPT: Ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn xa ảnh 1 Công nhân Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ, Quảng Nam (Công ty Truyền tải điện 2) kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp 500 kV. Ảnh: Quang Thắng.

Mục tiêu đặt ra rất cao, đầy tham vọng nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT, ông Đặng Phan Tường, đây chính là động lực để toàn bộ cán bộ, nhân viên và người lao động trong toàn tổng công ty phải nỗ lực vượt bậc vươn lên.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, EVNNPT đã và đang xây dựng các giải pháp với kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn phát triển như: đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với trọng tâm là đào tạo cán bộ kỹ thuật, xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi, đẳng cấp quốc tế. Cùng đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN mới, công nghệ thông tin vào lĩnh vực truyền tải điện. Công tác truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế cũng là những nhiệm vụ Tổng công ty rất quan tâm.

Để cụ thể hóa các công việc đề ra, ngày 26/4/2016, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/ĐU về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020. EVNNPT cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào quản lý, sản xuất- kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng suất lao động.

Theo ông Tạ Việt Hùng – Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVNNPT, hiện nay EVNNPT đang triển khai một số chương trình ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể như hệ thống điều khiển thông minh bảo vệ trạm biến áp (TBA) đang được áp dụng tại 79% trên tổng số 135 TBA. Theo kế hoạch đến 2020, EVNNPT sẽ chuyển 60% trong tổng số 162 TBA 220kV thành TBA không người trực với số lao động sử dụng là 680 người cho các trung tâm vận hành và đội thao tác/1782 người nếu không thực hiện TBA không người trực. Với việc chuyển thành các trạm không người trực, dự kiến số lao động tiết kiệm được là 1.102 người.

Trong thu thập dữ liệu và giám sát, EVNNPT đã thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu công tơ. Mục đích của dự án là thu thập dữ liệu đo đếm theo thời gian thực từ các công tơ ranh giới, công tơ nội bộ chính xác, tin cậy để quản lý sản lượng điện năng truyền tải, tổn thất điện năng và phục vụ vận hành thị trường điện. Hiện nay EVNNPT đã hoàn thiện kết nối truyền số liệu tự động 4733 công tơ đo đếm vào hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, trong đó có 1287 công tơ ranh giới tại các TBA. Các dữ liệu đo đếm của các Công tơ này được chuyển về kho dữ liệu đo đếm tại Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và sau đó chuyển về kho dữ liệu đo đếm của toàn Tập đoàn.

EVNNPT: Ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn xa ảnh 2 Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 thi công bảo dưỡng đường dây.

“Thực hiện chỉ đạo của EVN, EVNNPT đang nghiên cứu chuyển các TBA sang chế độ thao tác từ xa, tiến tới TBA không người trực. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, chuyển 60% TBA 220 kV vận hành theo tiêu chí trạm không người trực. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc tận dụng tối đa hạ tầng tự động hóa, điều khiển xa, góp phần nâng cao năng suất lao động, hợp lý hóa về chi phí trong vận hành cũng như đầu tư của EVNNPT. Theo tính toán, đến năm 2020, việc áp dụng TBA không người trực sẽ tiết kiệm trên 60% số lao động vận hành TBA”, ông Tạ Việt Hùng cho biết.

Đối với việc phát triển lưới điện thông minh, EVNNPT đang triển khai với mục đích nâng cao độ tin cậy lưới điện, giảm tổn thất điện năng lưới điện truyền tải, đồng thời nâng cao năng suất lao động và hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải. Theo tính toán, nếu thành công, năng suất lao động trong EVNNPT sẽ tăng trưởng mạnh đến năm 2020, trong đó số lao động/km đường dây là ≤ 0,19 người/km (so với 9 tháng đầu năm 2017 là 0,295); sản lượng điện truyền tải/lao động ≥ 30,5 triệu kWh/người (so với 9 tháng đầu năm 2017 là 17,83). Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng, suất sự cố và thời gian xử lý sự cố cũng giảm mạnh so với hiện nay.

Để đạt được mục tiêu trên, EVNNPT đang khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình thuộc Đề án lưới điện thông minh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện TBA không người trực, đảm bảo năm 2020 chuyển 60% số TBA 220 kV theo tiêu chí trạm không người trực. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giảm sự cố, ứng dụng công nghệ mới, giảm tổn thất lưới điện truyền tải.

Theo Phó Tổng giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng, trong các năm qua, EVNNPT đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có đề tài được nghiệm thu đánh giá cao và áp dụng có hiệu quả vào vận hành hệ thống truyền tải điện. Cụ thể, ứng dụng công nghệ chống sét van cho các đường dây nhằm giảm sự cố sét đánh. Nghiên cứu đề xuất sử dụng thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 500 kV, 220 kV, giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố. Ứng dụng thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp (MBA) và kháng điện 500 kV. Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đã sử dụng sứ cách điện composite, xà cách điện composite; ứng dụng công nghệ trạm biến áp (TBA) GIS vào thực tế như, TBA 220 kV Thành Công (Hà Nội); trạm điều khiển tích hợp; trung tâm điều khiển xa TBA không người trực, nghiên cứu thử nghiệm thiết bị bay (FLYCAM) để kiểm tra đường dây...

“Đến nay, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã lan tỏa đến từng cán bộ, công nhân Tổng công ty. Mỗi năm, các đơn vị đều có hàng trăm sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, giá trị làm lợi ước tính hàng chục tỷ đồng. Kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nhiều đề tài còn hỗ trợ phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm sự cố trên đường dây, tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí quản lý vận hành”, Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho hay.

MỚI - NÓNG