EVNNPT nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
Đây là thông tin được ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức chiều 9/1, tại Hà Nội.

Theo lãnh đạo EVNNPT, năm 2022, tổng công ty đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 211,47 tỷ kWh, đạt 98% kế hoạch tập đoàn giao, tăng 5,28% so với năm 2021.

Tổn thất điện năng năm 2022 của tổng công ty đạt 2,54%, tăng 0,25% so với năm 2021, cao hơn 0,39% so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao. Nguyên nhân chính làm tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải là do khai thác cao các nguồn điện giá rẻ (nguồn thủy điện Tây Bắc, miền Trung và nguồn năng lượng tái tạo) trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (than, dầu, khí), dẫn đến truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để bảo đảm cấp điện cho miền Bắc, miền Nam làm tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện.

EVNNPT nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện ảnh 1

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú phát biểu tại hội nghị

Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật và vận hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện. Công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, thí nghiệm định kỳ đã được triển khai thực hiện ngay từ những tháng cuối năm 2021 để bảo đảm thiết bị vận hành an toàn, ổn định.

Công tác giảm thiểu sự cố đã được Tổng công ty và các đơn vị quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện. Mọi sự cố đều được phân tích, xem xét nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể để đưa ra các giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Kết quả trong năm 2022, lưới truyền tải điện xảy ra 114 vụ sự cố, tăng 13 sự cố so với năm 2021. Sau khi miễn trừ 16 sự cố khách quan do bão số 4 và 5, tổng số vụ là 98 sự cố, giảm 3 sự cố so với năm 2021. Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu suất sự cố thực hiện năm 2022 đều đạt chỉ tiêu EVN giao. Các sự cố đã được EVNNPT tập trung xử lý nhanh, khôi phục cấp điện kịp thời, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng…

Theo ông Phạm Lê Phú, năm 2022, EVNNPT đã tập trung thực hiện các giải pháp tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm các khoản chi phí đến mức tối đa, hoạt động kinh doanh truyền tải điện của EVNNPT vẫn đảm bảo không lỗ. Hoạt động sản xuất kinh doanh khác được tăng cường mang lại lợi nhuận cho EVNNPT hơn 20 tỷ đồng, góp giảm bớt khó khăn chung của EVNNPT. Các chỉ tiêu tài chính cơ bản đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Khả năng thanh toán ngắn hạn 1,3 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,35 lần, tạo cho EVNNPT có điều kiện huy động vốn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong các năm tiếp theo.

“Doanh thu truyền tải điện năm 2022 giảm so với kế hoạch gần 350 tỷ đồng do sản lượng điện truyền tải thấp hơn so với sản lượng đã được phê duyệt trong phương án giá hơn 4,5 tỷ kWh. Chi phí lãi vay tăng 377 tỷ đồng so với phương án giá do biến động của thị trường tiền tệ thế giới. Chi phí chênh lệch tỷ giá gần 680 tỷ đồng chưa có trong phương án giá đầu năm”, lãnh đạo EVNNPT cho hay.

Đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế

Trong công tác đầu tư xây dựng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều gói thầu bị hủy thầu phải đấu thầu lại do các nhà thầu tăng giá, nhưng kết thúc năm 2022, Tổng công ty đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, khởi công được 28 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và bảo đảm cung cấp điện như đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên, nâng công suất trạm biến áp 500 kV Sông Mây; các đường dây 220 kV Ninh Phước - Thuận Nam, Thạnh Mỹ - Duy Xuyên.

EVNNPT nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện ảnh 2

EVNNPT đã góp phần cùng EVN bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh các khó khăn vướng mắc kéo dài trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2022 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị trong năm qua để góp phần cùng EVN bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Năm 2023, bám sát chủ đề năm là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, EVNNPT đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện truyền tải khoảng 217,8 tỷ kWh, tăng 2,97% so với thực hiện năm 2022; tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 2,56%.

Toàn bộ các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện của tổng công ty thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Thực hiện tốt các lĩnh vực của công tác an toàn, không xảy ra tai nạn lao động nặng và tai nạn chết người. Thực hiện giá trị sửa chữa lớn 1.113 tỷ đồng (tương ứng với tiết kiệm 10% định mức). Tổng công ty cũng phấn đấu khởi công 35 dự án, hoàn thành và đưa vào vận hành 44 dự án; bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận (trước thuế) đạt 954 tỷ đồng.

Năm 2022, EVNNPT đã đóng điện được 42 dự án. Trong đó, có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện, nhập khẩu điện và các dự án phục vụ bảo đảm cung cấp điện như: các đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Vân Phong - Vĩnh Tân, Tây Hà Nội - Thường Tín, Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; trạm biến áp 500 kV Vân Phong; nâng công suất các trạm biến áp 500 kV Nho Quan, Đắk Nông, Sông Mây, Nhà Bè; các đường dây 220 kV Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu, Lào Cai - Bảo Thắng, Bắc Giang - Lạng Sơn...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.