EVNGENCO 3 (Mã chứng khoán HoSE: PGV) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tại BCTC riêng lẻ ghi nhận đạt 3.022 tỷ đồng, tăng thêm 75,4 tỷ đồng so với tự lập. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tại BCTC hợp nhất cũng tăng thêm 45,3 tỷ đồng lên 3.179 tỷ đồng. So với năm 2020, lợi nhuận công ty mẹ tăng 76,5% và hợp nhất tăng 74,7%. Đây là kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, trực thuộc EVNGENCO3 |
Năm qua, tổng công ty cũng đã trả thêm được 6.090 tỷ đồng giảm nợ vay dài hạn xuống 39.757 tỷ đồng và 44,5 tỷ đồng giảm nợ vay ngắn hạn xuống 4.898 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy thêm 1.386 tỷ đồng lên 5.027 tỷ đồng nâng vốn chủ sở hữu lên 17.409 tỷ đồng.
Không có số liệu 2018 do cổ phần hóa. Đơn vị: tỷ đồng |
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của tổng công ty liên tục được cải thiện từ 2015 đến nay, từ mức lợi nhuận 162 tỷ đồng đã tăng lên 3.141 tỷ đồng, gấp hơn 19 lần sau 7 năm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực giảm nợ vay đáng kể từ mức gần 68.300 tỷ đồng năm 2015 về 44.655 tỷ đồng cuối năm 2021.
Phát triển năng lượng sạch
EVNGENCO3 là một trong 3 tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và là nhà cung cấp điện năng hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ cụm các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, hiện tổng công ty vận hành thêm các nhà máy điện công suất lớn khác trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Mông Dương và cụm 3 nhà máy thủy điện công suất 586 MW khai thác dòng sông Sêrêpốk. Tại thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt của EVNGENCO3 đạt xấp xỉ 6.559 MW, tương đương khoảng 8,6% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia Việt Nam và đứng thứ hai cả nước về quy mô phát điện, chỉ sau EVN.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, tổng công ty định hướng phát triển năng lượng sạch như đầu tư nhà máy điện sử dụng LNG cũng như mua LNG cho các nhà máy điện Phú Mỹ, nghiên cứu các dự án điện gió, điện mặt trời hybrid (kết hợp với thủy điện) sau khi quy hoạch điện 8 được phê duyệt.
Vận hành nhà máy nhiệt điện khí Bà Rịa |
EVNGENCO3 đang phối hợp với các đối tác triển khai đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) để phát điện, có tổng công suất 3.600 MW - 4.500 MW, diện tích khoảng 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD. Đây sẽ là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện năng cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (khoảng 21 tỷ kWH/năm). Đồng thời, Trung tâm Điện lực Long Sơn, với quy mô phát điện có thể lên tới 4.500 MW, sẽ giúp củng cố vị thế hàng đầu của EVNGENCO3 trên thị trường điện Việt Nam.
Thủy điện tăng mạnh trong quý I
Quý I năm 2022, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị trực thuộc EVNGENCO3) đạt trên 549,7 triệu kWh, tăng 53% so với sản lượng trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Nhờ chủ động công tác điều tiết hồ chứa, từ cuối năm 2021, mực nước hồ Buôn Tua Srah được điều tiết duy trì xấp xỉ mực nước dâng bình thường 487,5m nên đã chuẩn bị tốt cho kế hoạch khai thác năm 2022. Cùng với đó, tình hình thủy văn trên lưu vực các hồ trong 3 tháng đầu năm 2022 tương đối thuận lợi, lưu lượng về các hồ đều cao hơn so với năm 2021 và trung bình nhiều năm nên công tác sản xuất điện của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp có một số thuận lợi.
Phòng điều khiển trung tâm – NMTĐ Buôn Kuốp |
Sản lượng điện sản xuất quý I/2022 của toàn Công ty Thủy điện Buôn Kuốp khoảng 549,7 triệu kWh, đạt 153% so với sản lượng trung bình nhiều năm cùng kỳ (358,9triệu kWh), và đạt 23,29% so với kế hoạch năm (2.366,97 triệu kWh). Các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Srêpốk 3 được huy động tương đối cao.
Trong đó, nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp (Công suất 280MW) đã sản xuất được 264 triệu kWh, Thủy điện Buôn Tua Srah (Công suất 86MW), sản xuất 89 triệu kWh và Thủy điện Srêpốk 3 (Công suất 220MW) sản xuất 196 triệu kWh.
Bên cạnh doanh thu đạt được, Công ty đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách với chính quyền hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Tổng số tiền đã nộp đến hết quý I/2022 là 51,942 tỷ đồng, trong đó nộp vào ngân sách tỉnh Đắk Lắk là 35,359 tỷ đồng, Đắk Nông là 16,584 tỷ đồng.
Ngày 10/2 vừa qua, cổ phiếu PGV của EVNGENCO3 đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE (mã chứng khoán PVG). Ban lãnh đạo tổng công ty kỳ vọng việc đưa cổ phiếu lên sàn HoSE sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình cơ cấu tổng công ty theo định hướng chiến lược đã đề ra.