Ăn quả đắng neo giá thấp
Hiện nay, EVN mua của Trung Quốc và các nhà máy nhiệt điện than, khí với giá bình quân tới 1.300 đồng/kWh, mua của thủy điện lớn 900 đồng/kWh. Với lý do đầu vào tăng, EVN trong 4 năm qua đã tăng tới 57% giá bán lẻ điện. Riêng năm 2011, tổng mức tăng giá bán lẻ điện lên tới 20,28%. Trung bình mỗi năm, EVN đã tăng giá bán lẻ điện tới 14%.
Thế nhưng cũng suốt thời gian ấy, các nhà máy thủy điện nhỏ gần như không có cơ hội để tăng giá bán cho EVN.
Đại diện của Tập đoàn Hưng Hải, một chủ đầu tư thủy điện nhỏ đã giãi bày: "Những năm 2006-2008, nhiều nhà máy thủy điện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN có giá bán chỉ được 600-700 đồng/kWh, cố định thời hạn hợp đồng hàng chục năm.
Kể từ tháng 7-2008, Bộ Công Thương có quyết định ban hành biểu giá chi phí tránh được cho thủy điện nhỏ nên giá bán của các nhà máy này được tăng lên trung bình là 916 đồng/kWh, vào giờ cao điểm mùa khô, giá bán được tăng lên 954,52 đồng/kWh. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Từ đó đến nay, chưa có một nhà máy thủy điện nhỏ nào bán cho EVN được mức giá bình quân này".
Theo Tập đoàn Hưng Hải, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bán cho EVN chỉ được khoảng 500 - 550 đồng/kWh trong khi, 65-70% sản lượng của thủy điện nhỏ tập trung ở quãng thời gian này. Với một cơ cấu như vậy, giá bình quân thủy điện bán cho EVN luôn rẻ như bèo.
So với mức giá bán lẻ 1.506 đồng/kWh bao gồm cả VAT áp dụng từ 1-7 và so với giá mua điện từ Trung Quốc, mức giá mà EVN mua của thủy điện nhỏ trong nước chỉ bằng 1-3 đến 1-2.
Thủy điện nhỏ bị ép giá
Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng chia sẻ: "Có một thực tế là trước đây, muốn có được giấy phép xây dựng, các nhà đầu tư đã ký đại hợp đồng mua bán điện với EVN với giá rất thấp, chỉ 400- 500 đồng/kWh. Giờ giá thủy điện nói chung đã là 800-900 đồng/kWh rồi, giá bán lẻ của EVN đã tăng cao nhưng các anh thủy điện nhỏ này vẫn bị chậm điều chỉnh".
"Giá điện tăng đều dựa trên cơ sở căn cứ vào đầu vào. Nhưng thực tế, phần tăng giá này EVN hưởng tất", ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến nhận xét.
Ông Đỗ Văn An, Công ty Cổ phần quan hệ quốc tế đầu tư và phát triển cũng than thở: "EVN mua rất rẻ, bán lẻ thì rất đắt. Giá mua điện của chúng tôi thì kiềm hãm, trong khi giá bán lẻ thì cứ theo lộ trình mà tăng 5% một lần. Đáng lẽ khi tăng giá điện thì "dư địa tăng cũng phải dành cho cả nhà máy phát điện chứ".
Để có lãi, chỉ còn cách các chủ đầu tư này phải cạnh tranh, đàm phán thương lượng lại với công ty mua bán điện của EVN. Song, việc này không dễ!
Ngao ngán nói về điều này, ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến bày tỏ: "Ai cũng biết, đi đàm phán mua bán điện vô cùng vất vả. Giữa một bên là EVN, một bên là thủy điện nhỏ, vị thế như vậy, làm sao mà đàm phán nổi. Làm gì có thị trường, có cạnh tranh sòng phẳng ở đây?"
Nhiều doanh nghiệp thủy điện nhỏ bày tỏ mong muốn, EVN cần phải sòng phẳng hơn, tăng giá mua điện cho các nhà phát điện bằng 80% giá bán điện thương phẩm bình quân và được điều chỉnh hàng năm theo giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
Thủy điện nhỏ bị ra rìa
Suất đầu tư cho một dự án thủy điện nhỏ không hề thấp, tới 25-30 tỷ đồng/kWh. Song, số phận của những nhà máy này đang ngày càng hẩm hiu.
Không chỉ bị ép giá, thủy điện nhỏ còn bị ép hạn chế công suất phát, hoặc thậm chí, xây dựng xong thì không được EVN mua vì... thiếu lưới truyền tải.
Tập đoàn Hưng Hải chỉ ra một nghịch lý: 12 tỉnh phía Bắc hiện nay sử dụng nguồn mua điện từ Trung Quốc. Khi phía Việt Nam tiêu thụ không hết theo hợp đồng đã ký, điện chạy ngược sang Trung Quốc mà quá 5% công suất ký thì EVN bị phạt.
Đây cũng là một lý do mà vào giờ cao điểm thời gian qua, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lại ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm phát công suất vào giờ cao điểm. Nói cách khác, trong khi các nhà máy thủy điện nhỏ bị o ép hạn chế công suất, EVN dường như lại ưu tiên mua điện của Trung Quốc.
Ông Hà Sĩ Dinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty phát triển năng lượng Sơn Vũ chua xót: "Mấy năm vừa qua, có bao nhiêu nhà máy thủy điện nhỏ được huy động? Đến nay, có bao nhiêu ông còn nợ ngân hàng? Ở Lào Cai, con số đó rất lớn và không biết bao nhiêu năm nữa mới có thể hoàn vốn!"
Nói về điều này, chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho biết, thời gian bán điện cho EVN cũng là yếu tố quyết định tới lỗ lãi của nhà mày thủy điện. Nếu các nhà máy được huy động phát điện 6300 giờ, 1000 giờ, hay 500 giờ trong một năm cũng đã khác rồi. Song, tất cả những yếu tố này hoàn toàn phụ thuộc vào điều độ của EVN.
Tình trạng nhà máy thủy điện xây xong nhưng không thể phát lên lưới quốc gia còn có nguyên nhân thiếu đường truyền tải.
Theo ông Trần Viết Ngãi, lúc ký hợp đồng, các chủ đầu tư thủy điện nhỏ cũng không có thỏa thuận rõ ràng về việc, lưới do bên nào đầu tư. Hậu quả là khi làm xong dự án, EVN thì cho rằng đây là phần việc phải làm của nhà máy thủy điện.
Ông Hà Sỹ Dinh lắc đầu nói: "Để làm đường dây 110kV chiều dài 25km đấu vào hệ thống lưới quốc gia, chúng tôi phải chi mất 40 tỷ đồng. Cùng đó, công ty còn lo quản lý, vận hành theo quy phạm nghiêm ngặt về an toàn điện và đặc biệt, muốn quản lý đường dây truyền tải, trạm điện thì còn phải có đủ chức năng mới được phép làm. Rốt cục, chúng tôi buộc phải chọn 2 phương án, hoặc chấp nhận tăng chi phí đầu tư, gần gấp đôi xây nhà máy, hai là phải thuê đơn vị của EVN với giá rất cao.
Riêng năm 2011, công ty của ông Dinh đã phải tốn mất 900 triệu đồng chỉ cho việc quản lý, vận hành hệ thống truyền tải này. Với tình thế khó khăn trăm đường như vậy, không chỉ ông Dinh mà hầu hết, các chủ đầu tư thủy điện nhỏ đều thua lỗ nặng.
Tương lai tới, thủy điện nhỏ còn bị cho ra rìa ngay từ chính sách của Nhà nước. Ông Trần Viết Ngãi cho hay, trong thị trường phát điện cạnh tranh, chỉ những nhà máy trên 30MW mới được tham gia thị trường. Hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ phổ biến hầu hết có công suất trên dưới 10MW, giờ bị kẹt cứng.
"Nếu không tham gia thị trường, không bán cho EVN thì họ bán điện cho ai? Lúc đó, chỉ còn cách bán cho các công ty điện lực địa phương nhưng giờ, cũng chưa có hướng dẫn là được bán với giá nào", ông Ngãi bức xúc.
Theo quan điểm của vị chuyên gia này, bất kỳ nguồn năng lượng sạch nào đều rất có giá trị trong biến đổi khí hậu như hiện nay. Việc tư nhân đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ cũng là đáng khích lệ, tạo ra một lượng điện lớn giúp cho EVN đỡ khó khăn về công suất.
Ông Ngãi kiến nghị, phải hạ tiêu chí tham gia thị trường xuống, nhà máy 10MW được tham gia thị trường, còn nếu dưới 10MW thì phải có cơ chế làm việc với các công ty điện lực địa phương.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, TS Lê Trường Thủy, Công ty CP thủy điện Mai Châu thẳng thắn phê bình: "Tham gia lĩnh vực điện, nhiều nhà đầu tư hầu như không biết gì về điện. Đến cả tư vấn cũng chỉ ngồi bàn giấy, lười đi công trình thực tế, không ai có mấy kinh nghiệm. Ví dụ, chủ đầu tư 2 nhà máy điện ở Thanh Hóa thì vốn chỉ giỏi về bất động sản, gạch ngói. Có vị chuyên xây dựng như Vinaconex cũng nhảy vào làm thủy điện, rồi cũng phải bỏ hết".
Thế cho nên, giờ nhiều nhà máy thủy điện làm dở làm dang. Có vị đầu tư 10 tỷ đồng vào dự án rồi, giờ không vay được vốn, không biết xoay xở sao. Năng lực chuyên môn không có, năng lực tài chính cũng không nên giờ khóc dở mếu dở.
"Với nhà đầu tư như thế, tư vấn như thế thì hỏi rằng, làm sao chúng ta có những nhà máy thủy điện tốt hơn được", ông Thủy nói.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia thủy điện, Chính phủ cần có một cơ chế minh bạch, công bằng hơn cho các nhà máy này trong mỗi kỳ điều chỉnh giá điện . Đồng thời, phải sớm rút ngắn lộ trình xóa bỏ độc quyền EVN để có một thị trường điện lành mạnh.
Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư, xây dựng và vận hành gần 30 công trình thủy điện lớn công suất trên 100MW, trên 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất tất cả nguồn thủy điện gần 10.000MW, tổng điện lượng trên 40 tỷ kWh. |
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet