> Hội nhập tài chính kiềm chế khủng hoảng eurozone
Trước đó, EU thông qua gói kích thích trị giá 120 tỷ euro bao gồm kế hoạch bơm 10 tỷ euro cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Ảnh minh họa. |
Ngân hàng đầu tư châu Âu có thể sử dụng nguồn tiền này để tăng cường nguồn vốn cho vay lên 60 tỷ euro, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU. Gói kích thích cũng dùng để mua trái phiếu, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hôm 29-6, sau 13 giờ hội đàm của Hội nghị Thượng đỉnh EU tại thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý lập cơ quan giám sát ngân hàng chung cho khối.
Tây Ban Nha và Ý gây sức ép lên Đức đòi cho phép quỹ cứu trợ mua lại nợ chính phủ trên các thị trường - giải pháp nhằm kìm chế lãi suất đi vay.
Các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đồng ý bắt đầu thực hiện những quyết định này từ ngày 9-7, nhưng cũng phải đợi đến cuối năm thì mới có nguồn tiền sẵn có.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng gói cứu trợ sẽ phá vỡ “vòng luẩn quẩn” giữa các ngân hàng và chính phủ quốc gia.
Giá trị của đồng euro so với đồng dollar trong thương mại châu Á đã tăng mạnh sau khi tin tức về thoả thuận này lan đi từ Brussels. Chứng khoán ở Đức và London cũng tăng mạnh.
Thoả thuận cũng đưa ra biện pháp để giải quyết sự nhầm lẫn về việc nguồn tiền hỗ trợ cho Tây Ban Nha đến từ đâu, và nhà cho vay nào có quyền ưu tiên trong trường hợp xảy ra vỡ nợ.
Thoả thuận mới nêu rõ rằng quỹ cứu trợ hiện nay của EU là EFSF sẽ cung cấp khoản cho vay theo các quy tắc hiện tại cho tới khi quỹ mới, tức Cơ chế ổn định châu Âu - ESM, bắt đầu hoạt động. Theo kế hoạch, ESM bắt đầu vận hành từ tháng tới.
Những khoản vay này sẽ không có sự ưu tiên cho chủ nợ nào. Nghĩa là trong trường hợp Tây Ban Nha vỡ nợ, những nhà cho vay chính thức sẽ không được quyền ưu tiên. Động thái này khiến những chủ nợ tư nhân cảm thấy hấp dẫn hơn.
Một động thái quan trọng khác là các nhà lãnh đạo EU ủng hộ lộ trình nhằm tiến tới một liên minh tài khoá.
Kế hoạch 10 năm được ông Van Rompuy trình bày dự tính lập nên kho bạc chung của châu Âu - có quyền quản lý ngân sách quốc gia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng không có “công thức thần kỳ” nào để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Theo bà Merkel, trách nhiệm tài khoá và quy định khắt khe hơn phải được đưa lên hàng đầu trước khi bơm tiền giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande và nhiều nhà lãnh đạo EU khác muốn khoản nợ của từng quốc gia phải được bảo đảm bởi cả khối, như việc phát hành trái phiếu chung trong toàn bộ khu vực đồng euro.
Gia Tùng
Theo BBC, Bloomberg