Luật sư Dương Văn Đích, Cty Luật Khai Phong trả lời:
Theo Luật cư trú, công dân thuộc một trong những trường hợp sau được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Người có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Nếu chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ...
Người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì cũng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người cho thuê, mượn...
Theo tinh thần của Thông tư 52/2010/TT- BCA , nếu bạn là em ruột của người đã đăng ký thường trú tại Hà Nội và muốn đăng ký thường trú thì, trong hồ sơ của bạn phải xuất trình được giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mối quan hệ ruột thịt này. Đồng thời, việc người anh đồng ý cho bạn nhập vào sổ hộ khẩu phải được thể hiện bằng văn bản, có chữ ký.