'Ế' có khi lại... may!

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi là gái lỡ thì. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại lẫn chế giễu, khỏi nói cũng biết ba mẹ tôi buồn thế nào. Nhưng tôi chỉ thấy có lỗi với các cụ chứ chẳng buồn cho mình, vì tôi nghĩ "trong cái rủi có cái may". Các cô, các chị xung quanh lấy chồng mấy ai sung sướng đâu?.

Chả biết tôi có “cực đoan” quá không khi cho rằng, đàn ông thời nay chẳng mấy ai là chỗ dựa cho vợ con. Đã vậy, có những ông chồng còn tựa hẳn vào người phụ nữ của mình mà không chịu... “lớn”. Điều đó khiến tôi ngán ngược, chả mặn mà chuyện chồng con.

1. Chị Bảy xóm tôi làm công nhân ở một xí nghiệp, mở mắt ra là phải dậy lo cơm nước, sắp xếp mọi thứ trong ngày cho chồng rồi vội vội vàng vàng đi làm. Chị làm công nhân từ lúc còn con gái, giờ thằng con trai đã có vợ, ở riêng, chị vẫn đi làm, bữa nào cũng tối mịt mới về, có hôm còn tăng ca đến khuya.

Anh Bảy chẳng ai tưởng tượng là chồng chị, bởi nhìn khác nhau xa quá. Dù vất vả nhưng trông chị lúc nào tươm tất, gọn gàng, duyên dáng, trong khi anh đã xí trai còn giống một kẻ nghiện, quần áo xốc xếch, ốm nhom như bộ xương. Tối ngày người ta thấy anh ăn nhậu, rồi ôm con gà đá đi nhong nhong khắp xóm, chẳng khác đứa trẻ đội lốt... ông già! Mấy đứa con nít thấy anh là xanh mặt, chạy mất dép không chỉ vì hình dáng kì dị của anh, mà do mấy lần anh Bảy cà rỡn với chúng, được một lúc anh đột nhiên nổi xung thiên đòi... đập!.

Khổ thân chị Bảy, không chỉ ráng làm kiếm tiền nuôi chồng, còn phải phụ thêm cho thằng con trai “bắt chước” cha, có vợ mà vẫn lêu têu ham vui. Vậy mà vẫn chưa yên, chị phải lãnh luôn cả những món nợ từ vụ ăn nhậu, cờ bạc của anh. Nếu chị dám lên tiếng cự nự, anh chửi: “ỷ có tiền làm bà cố nội tao hả?”, rồi đòi đốt hết ra tro! Lúc đó nhìn anh chẳng khác Chí Phèo của cụ Nam Cao là mấy, thôi thì nhịn cho lành. Chị Bảy nghĩ thế, và chắc là chị phải nhịn đến hết đời thôi...

2. Chị chủ quán tạp hóa ngay đầu hẻm nhà tôi sáng nào cũng dậy từ ba, bốn giờ, lục đục trong nhà một đỗi rồi leo lên chiếc xe máy thồ hàng, chị rong ruổi khắp chợ lấy đủ thứ từ rau củ, cá mắm, thịt thà cho đến các loại hàng tiêu dùng. Chưa đến bảy giờ, chị đã chở lặc lè một “núi” hàng về bán, hàng nhiều đến mức che khuất cả dáng người gầy gò. Mọi người bảo tuy cực thế mà kiếm được khá lắm, nuôi cả nhà đó!.

Chị bán luôn tay, có những hôm khách đông, chị không kịp ăn sáng, đến quá trưa mới gộp chung cả hai bữa. Ăn vội xong, chị lại thót lên xe, chạy đi lấy thêm hàng tươi sống về bán buổi chiều. Quay như chong chóng suốt ngày, nhìn chị gầy gò, mệt mỏi, nhưng lúc nào cũng nói năng ngọt ngào. Người ta bảo chồng chị khó tính lắm, nên dù mệt cũng chẳng dám cau có, “không thì ổng giận cả tháng, không khí nặng nề, khó chịu lắm”, chị kể thế.

Những lúc chị bận đi lấy hàng, đức ông chồng của chị đi ra đi vô, quần áo, đầu tóc láng mướt dắt con Milu giống tây, lông trắng muốt đi... tản bộ. Có bữa lại thấy anh ôm con miu miu cũng trắng muốt, vuốt ve, nhàn nhã. Chiều mát, khi chị còn đầu bù tóc rối với hàng quán thì đã thấy anh bắc ghế ngồi trước sân bưng tô cơm, vừa ăn vừa giỡn với Milu và miu miu. Nhìn anh giống như một công tử nhà giàu. Chị chủ quán chỉ có mỗi đứa con gái, nhưng nhiều người nói lén, rằng chị có đến hai đứa con!.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3. Hồi tôi còn đi học, kế bên nhà có đôi vợ chồng trẻ mới chuyển đến. Anh chị ấy đều là kỹ sư, làm chung một cơ quan. Thỉnh thoảng ngồi học bài bên này, nghe tiếng đàn hát rộn ràng, qua cửa sổ nhìn sang, tôi thấy anh chồng đang ôm đàn hát say sưa, trong khi chị vợ vừa loay hoay dỗ con, vừa ôm thau đồ to tướng. Tôi thấy lạ vì nhà tôi chẳng bao giờ có cảnh tương tự như thế.

Để ý, tôi thấy chị hàng xóm ốm tong ốm teo bữa nào đi làm về cũng tất bật hết việc nọ tới việc kia. Có bữa còn thấy chị hì hục trộn cát với xi măng tráng cái sân, bảo làm cho sạch để tụi nhỏ có chỗ chơi. Khen chị giỏi, chị nói cũng chả biết làm đâu nhưng phải tự mày mò để đỡ tốn tiền. Hai thằng con nhỏ ốm yếu quặt quẹo, ra vô viện như cơm bữa...

Đến lúc tụi nhỏ lớn, vẫn thấy cảnh chị luôn tay luôn chân với những việc lớn nhỏ trong nhà. Tụi nó lớn thì lo theo lớn, thế nên chị vẫn cứ phải cố gắng mọi việc để tiết kiệm, kể cả chuyện bắc thang leo lên mái nhà lục đục sửa sang.

Còn chồng chị, trông rất bảnh, vẫn ngồi ôm đàn hát lúc vợ làm! Phải chăng nhờ tiếng hát của anh mà chị có thêm sức mạnh lo toan?

4. Chị họ tôi là một phụ nữ xinh đẹp, năng động, tháo vát. Chị với anh là bạn học từ thuở còn thơ, lớn lên yêu nhau rồi cưới. Xuất phát điểm của hai người là ngang nhau, nhưng khi chị đã phấn đấu, thăng tiến đến chức phó giám đốc công ty thì anh vẫn là một nhân viên.

Anh vốn tính gia trưởng, không muốn vợ hơn mình, nên lúc nào cũng tỏ quyền uy với vợ. Chị hiểu chồng, thông cảm với những cảm nhận của chồng nên cố gắng nín nhịn. Lúc nào chị cũng nhũn nhặn, khéo léo sắp xếp mọi chuyện trong ngoài êm đẹp. Chị muốn các con được vui vẻ, hạnh phúc mà lớn lên.

Nhưng tất cả những điều đó trở thành áp lực ngày càng nặng nề đối với chị. Chuyện nhà, chuyện công ty đè nặng có lúc tưởng không chịu nổi, chị vẫn ráng. Anh chẳng cần biết nỗi khổ tâm của vợ, ngày càng đổ đốn, ăn nhậu, gái gú... nói đụng tới thì lớn giọng “ăn vạ”: “Ừa... Tui vậy đó! Giờ làm ông nọ, bà kia nên coi thường tui chứ gì?”.

Vừa muốn quyền uy lại muốn vợ chăm sóc, quan tâm, chiều chuộng. Nhiều bữa nhậu tới bến ở đâu đó, anh điện cho chị, lè nhè: “Vợ ơi... rước anh về... anh hết biết đường về rồi!”. Nhậu đến “quắc cần câu”, bị té xe trầy vi tróc vảy là chuyện thường tình. Có lần, anh còn bị tai nạn khiến mẹ con chị mất mấy tháng chăm sóc. Cũng vì thế mà mỗi lần anh điện là chị thót tim, vội vã chạy đi kiếm chồng về...

Chị mạnh mẽ lắm, nhưng có lúc phải khóc, bảo cứ cố gắng thế thôi chứ không biết sẽ chịu đựng được đến bao giờ. Rồi chị buồn bã: “Có lẽ phải đến lúc nhắm mắt chị mới được giải thoát...”. Mọi người thương chị, xúi bỏ quách gã chồng dở ông dở thằng ấy đi cho rảnh nợ, chị lắc đầu: “Lỡ rồi...”. Tôi hiểu chị nói thế vì còn biết bao níu kéo, ràng buộc, kể cả cái tình vợ chồng bấy nhiêu năm...

***

Tôi còn biết nhiều lắm những ông chồng như thế mà không thể kể hết. Tôi thấy thương những người phụ nữ chịu thương chịu khó, ra ngoài xã hội không thua kém ai, thế mà khi trở về mái ấm của mình phải chịu đựng bao khổ sở, cay đắng. Các chị ấy cô đơn quá, cứ lặng lẽ một mình để cố gắng làm tròn vai tất cả những “bổn phận” đang đè nặng...

Và vì thế mà tôi thấy "ế" như mình có khi lại... may!.

Theo Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG