Đynh Trầm Ca: Lục bình ngừng trổ bông…

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu/Câu ca từ thuở thơ dại ru sang/Sông quê, trường làng, con đò trên cát lở/Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng…” Tác giả “Sông quê” nay đã 79 tuổi. Ông đang sống ở quê nhà Quảng Nam sau quãng đời gió bụi. Đynh Trầm Ca đã ngưng sáng tác khoảng 20 năm nay. Phải chăng, với ông, thơ và nhạc cuối cùng chỉ là… phù phiếm?
Đynh Trầm Ca: Lục bình ngừng trổ bông… ảnh 1

Đynh Trầm Ca nổi tiếng từ trước 1975 với nhạc phẩm “Ru con tình cũ”: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/Ngồi ru con ru quên phận buồn…”. “Ru con tình cũ” được Đynh Trầm Ca sáng tác năm 1967 nhưng phải 3 năm sau, 1970, nhạc phẩm mới được phổ biến qua tiếng hát Lệ Thu. Đây cũng được xem như sáng tác đầu tay của Đynh Trầm Ca.

Tác giả “Ru con tình cũ” tên khai sinh là Mạc Phụ: “Tôi cũng không biết ý nghĩa của cái tên này là gì, cha tôi đặt vậy”, Đynh Trầm Ca nói. Nghệ danh “Đynh Trầm Ca” do ông tự đặt, “Đynh” chính là họ của mẹ, song ông thay “i” thành “y” để “người bên nội không nghĩ tôi theo mẫu hệ”, ông giải thích. Còn “Trầm Ca” chỉ là “lấy chơi vậy thôi”. Nhạc sỹ, thi sĩ xứ Quảng sinh ra trong một gia đình khá đặc biệt: “Bố mẹ tôi không biết chữ. Ông chỉ biết chút ít chữ Hán thôi, không đáng kể, không thuộc loại văn chương chữ nghĩa gì. Mẹ tôi không biết chữ nhưng mẹ tôi biết hát, tự đặt được lời hát, ngày xưa gọi là hát kiến tại (sáng tác tại chỗ). Ba tôi hát cũng hay”.

Có thể vì ảnh hưởng “gen” của mẹ, Đynh Trầm Ca sáng tác không chật vật. Như ca khúc “Bay đi những cơn mưa phùn” mà nhiều người tưởng ông phổ thơ người khác. Nhưng không phải: “Tôi nhỏ hơn ông Phạm Công Thiện chừng vài tuổi. Hồi đó Phạm Công Thiện sáng chói ở miền Nam. Tôi cũng hâm mộ ông. Tôi thấy ông viết tùy bút hay truyện gì đó có tên “Bay đi những cơn mưa phùn”. Tôi thích cái tựa, rất lạ, rất dễ thương. Tôi đọc tựa là hát liền được điệp khúc”, Đynh Trầm Ca nhớ lại. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành điệp khúc ông bỏ đó vì không biết viết ra để làm gì? Đến ngày giải phóng, Đynh Trầm Ca hoàn thành “Bay đi những cơn mưa phùn”: “Hãy bay đi, bay đi những giọt vương trên hồn người hằng nhớ/Một dĩ vãng hắt hiu buồn /Về lãng đãng giữa cơn mưa phùn/Một dĩ vãng có mưa là lệ ta khóc nhau/Hãy bay đi những bụi mưa trên hồn người lẻ loi…”.

Lang bạt khắp miền Đông, miền Tây, mưu sinh bằng đủ thứ nghề

Đynh Trầm Ca từng làm nông dân suốt 6 năm. Gọi là làm “nông dân” cho sang, thực ra ông phải đi hót phân người: “Tôi phải trốn quê. Ở đó chịu không nổi, người lở lói hết. Mà trốn vô miền Nam không dễ. Hồi đó mua cái vé xe khó lắm, đi không có giấy giới thiệu không được. Nhưng tôi có đứa cháu làm cho cái vé giả”, nhạc sỹ thuật lại ký ức buồn đau. Vào đến thành đô, Đynh Trầm Ca chỉ còn chút tiền lẻ: “Tôi ở bến xe, làm phu khuân vác, không biết bao năm nữa. Rồi lại bỏ đi, cứ nghe có người quen ở đâu đó là tôi lại đi tìm để họ cứu vớt mình….”. Cứ thế, Đynh Trầm Ca phiêu dạt từ miền Đông sang miền Tây, mưu sinh bằng đủ thứ nghề cực nhọc. Hơn 20 năm trôi qua! Sau đó, Đynh Trầm Ca trở lại TP HCM và sinh nở “Sông quê”.

“Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ/Làng em bên lở, làng anh ở bên bồi…”. Nhiều người tò mò “dòng sông chảy tràn trong trí nhớ” Đynh Trầm Ca ở đâu? Xin đừng đi tìm. “Tôi viết “Sông quê” chỉ trong buổi sáng. Bài này không phải sáng tác mà là âm hưởng Nam Bộ có sẵn rồi”, Đynh Trầm Ca nói về “đứa con tinh thần” được nhiều người yêu thích. “Sông quê” không ra đời bằng cảm hứng bất chợt mà là một dạng viết theo yêu cầu: “Một người đã biết tên tuổi của tôi từ trước 75, trong một bữa nhậu hay cà phê gì đó, ổng đề nghị tôi làm biên tập cho ổng, soạn chương trình cho ổng. Vì ổng có người cháu ở nước ngoài muốn làm video ca nhạc. Tôi mới hỏi: Làm thế có tiền không? Ổng đáp: Có. Thế là tôi gật đầu, đang “đói” mà. Tiếp theo, tôi hỏi ổng, muốn chọn nhạc như nào, ổng muốn làm chủ đề quê hương, âm hưởng Nam Bộ. Tôi chọn một số bài hát của người khác thành một chương trình có tựa “Sông quê” và bắt tay vào viết nhạc chủ đề”, Đynh Trầm Ca chia sẻ hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm.

Tác giả “Sông quê” có nhiều sáng tác cho riêng mình song cũng có không ít ca khúc viết theo yêu cầu, kiểu như “Sông quê”. Đời sống áo cơm đôi khi trở thành cái cớ thôi thúc sáng tác. Một trong những ca khúc bolero nổi tiếng “Về lại đồi sim”, cũng được sinh ra như thế: “Tôi viết để kiếm tiền. Thời đó, bolero thịnh hành. Các hãng cần ca khúc, nên tôi viết “Về lại đồi sim”. Tôi hỏi: “Về lại đồi sim” có mang lại cho ông nhuận bút lớn? Đynh Trầm Ca cười: “Cao gì đâu, 5, 10 đồng tôi cũng viết”. Ngay cả “Ru con tình cũ” cũng chẳng mang lại cho Đynh Trầm Ca nguồn thu đáng kể. Nghe nói Lam Phương có thể mua được cả biệt thự ở Sài Gòn với “Thành phố buồn”, nhắc chuyện đó với Đynh Trầm Ca, ông cười: “Các ông ấy là đàn anh. Mấy ổng sáng tác chuyên nghiệp ở Sài Gòn. Còn tôi ở tỉnh lẻ, tôi là một thằng nhà quê ở nông thôn. Tôi không đi con đường chuyên nghiệp, chỉ là người chơi thôi”. Nhân tiện, Đynh Trầm Ca cũng đính chính, ông không phải thầy giáo dạy văn: “Mặc dù có nhiều người kêu tôi bằng thầy. Tôi có dạy nhưng dạy dùm người ta. Rồi được trường người ta mời dạy mấy năm. Tôi không tốt nghiệp sư phạm để ra đi dạy nên không công nhận mình là thầy giáo”. Vậy, Đynh Trầm Ca là ai, tôi hỏi. “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tôi là ai”, ông đáp. Và ông đọc cho tôi nghe bài thơ ông sáng tác khi mới 20 tuổi, “Chân dung tôi”, kết thúc bằng hai câu: “Sầu đeo lủng lẳng trên lưng/Ơi con thú lạ chưa từng là tôi”. Chẳng biết thơ ngấm vào đời Đynh Trầm Ca hay cuộc đời gian truân khiến thơ và nhạc Đynh Trầm Ca nặng trĩu?

Ca khúc tôi thích thì khán giả không biết

Người ta thường nói: Đynh Trầm Ca là học trò của tác giả ca khúc bolero đầu tiên của Việt Nam. Đynh Trầm Ca xác nhận: Ông từng học với tác giả “Nắng chiều” khoảng hơn 2 năm chưa đến 3 năm. Tuy nhiên, dấu ấn của nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn không sâu đậm trên hành trình âm nhạc của Đynh Trầm Ca: “Khi tôi lên trung học, tôi học với ông. Dĩ nhiên ông thầy nào cũng ưu ái trò có năng khiếu. Tôi học nhạc lý, xướng ký âm với ông, nói chung không đáng kể”.

Ai thực sự là người dạy nhạc cho Đynh Trầm Ca? Ông kể: “Những người bạn nhỏ tuổi hơn tôi dạy nhạc cho tôi. Hồi đó, có những gia đình rất văn nghệ. Chị em, anh em biết đàn cả. Từ nhỏ tôi đã mê đàn. Thấy những người bạn nhỏ đàn, tôi bảo họ dạy tôi. Tôi chơi mandolin, vì thời đó kiếm cây guitar cũng khó”. Thời thiếu nhi, Đynh Trầm Ca hát rất hay nên những thanh niên làm văn nghệ thường nhờ Đynh Trầm Ca hát để họ đàn. Nhạc sỹ bật mí: “Những thanh niên ấy là những người chơi đàn thượng thặng đấy”. Đynh Trầm Ca từng giữ “chức” trưởng ban văn nghệ của trường nên nhiều cô gái mê. Làm trưởng ban văn nghệ rất “oai”: “Tôi cho ai hát thì được hát. Tôi nói đứt dây đờn rồi là hiệu trưởng phải mua dây đờn cho tôi. Tôi tập hát, ổng cho tiền tôi đi ăn uống nọ kia”, nhớ về ngày xưa Đynh Trầm Ca vui vẻ, hào hứng hẳn.

Đynh Trầm Ca: Lục bình ngừng trổ bông… ảnh 2

nhạc sỹ Đynh Trầm Ca

Nếu “Ru con tình cũ” là ca khúc nổi tiếng của Đynh Trầm Ca trước 75 thì tập thơ “Mắt đêm”, xuất bản năm 69 của Đynh Trầm Ca từng được đánh giá cao tại thời điểm ấy. Ông có duyên với thơ hơn hay với âm nhạc hơn? Tôi hỏi Đynh Trầm Ca. Ông lập tức từ chối: “Không, tôi không nhận là nhà thơ. Tôi cũng không nhận là nhạc sỹ. Họ cứ gọi thế, tôi không cãi”. Hai ca khúc được khán giả yêu thích “Ru con tình cũ”, “Sông quê” lại không phải hai ca khúc cha đẻ chúng yêu thích. “Ca khúc tôi thích thì khán giả không biết đâu, vì không phổ biến”, ông nói.

Gia tài âm nhạc của Đynh Trầm Ca không đồ sộ, theo tác giả, chỉ khoảng hơn trăm bài: “Tới năm 75, bản thảo, bản in của tôi bị thu hết trơn. Tôi không buồn viết lại nữa”. Có ca khúc nào bây giờ ông muốn tìm lại? tôi hỏi tiếp. Nhạc sỹ đáp: “Không. Cũng chẳng cần. Mò mò viết ra thì cũng được nhưng viết ra làm chi?”, ông cười. Năm 2000, Đynh Trầm Ca ngưng sáng tác cả trong âm nhạc lẫn thi ca: “Vì sức khỏe chỉ là một chuyện”, ông trầm ngâm. Thơ và nhạc từng là những “người tình” khiến Đynh Trầm Ca say đắm, thế mà đến một ngày ông “đoạn tuyệt” cả hai. Phải chăng vì vấn đề tài chính, cả hai “người tình” đều không giúp ông sống ổn? “Mấy chuyện đó không nên nói làm chi, nói ra người ta lại bảo mình kiêu ngạo hoặc mặc cảm”, ông không muốn đào sâu nguyên nhân khiến ông ngừng sáng tác.

Nhắc đến thơ Đynh Trầm Ca không thể không nhắc tới “Phương Nam khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình”. Đây cũng là “khúc ca” Đynh Trầm Ca rất ưng ý: “Đi/Như là trôi/ Ta lần về phương Nam/Phía bầy én giang hồ gọi xuân về ríu rít/Phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết/Ta gặp thêm những cụm lục bình/Trôi/Trôi/Trôi/Và trôi…/Ta dần xa bến cũ/Mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời/Vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui/Dù ta chỉ được nở hoa tím nhạt”. Nhiều người nghĩ câu thơ: “Ta, lục bình vừa trôi, vừa trổ bông”, là câu thơ tác giả muốn nói về cuộc đời trôi nổi của mình. Nhưng, đó là cách hiểu sai: “Câu ấy hơi kiêu ngạo một chút, cho đỡ tủi thân thôi. Xưa tôi viết: “Đời em như rong rêu tội tình”, trong “Ru con tình cũ”. Rong rêu chìm nghỉm dưới nước. Còn lục bình nổi lên trên, cưỡi sóng, cưỡi gió kiêu ngạo”, Đynh Trầm Ca giải thích.

Sức khỏe Đynh Trầm Ca đi xuống trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây. Người “Đi như là trôi” bây giờ chỉ có thể quẩn quanh trong nhà, mắt không còn nhìn thấy… Điều an ủi nhất với Đynh Trầm Ca là ông có một gia đình với các thành viên yêu thương nhau hết lòng. Vợ Đynh Trầm Ca chính là Mã Thu Giang, đứng tên trong một số ca khúc của ông, như “Về lại đồi sim”. Có lẽ đây là cách Đynh Trầm Ca bày tỏ tình yêu và sự khâm phục của mình dành cho người đàn bà cả đời vì chồng, vì con: “Vợ tôi nhà quê thôi. Quê cô ấy xưa ở Hậu Giang còn bây giờ là Sóc Trăng”. Tác giả “Sông quê” có hai người con, một trai, một gái. Con trai Đynh Trầm Ca cũng yêu thơ, nhạc, là học trò của nhạc sỹ Tuấn Khanh “Trả nợ tình xa”.

Số lượng không có nghĩa trong sáng tác

So với âm nhạc thì gia tài thơ ca của Đynh Trầm Ca dồi dào hơn. Nhưng với ông, số lượng không có nghĩa trong sáng tác: "Anh làm thơ mà không có một câu thơ, một bài thơ để người ta thuộc thì vứt đi. Làm nhạc mà không có một bài nhạc để người ta hát thì vứt đi”, quan điểm của tác giả xứ Quảng. Ngoài thơ, nhạc, Đynh Trầm Ca còn vẽ tranh. Có phải trời ưu ái ông quá nhiều tài nên đời ông phải khổ? Đynh Trầm Ca phủ nhận: “Không dám đâu. Đến bây giờ tôi mới biết tôi không làm được gì hết. Cuộc đời này không phải của tôi”. Đynh Trầm Ca mong muốn gì trong đoạn cuối cuộc đời? “Tôi không mong muốn gì hết”. Ông trả lời. Tạm biệt Đynh Trầm Ca, tôi chỉ ước những “cơn mưa phùn” bay đi trong ông như lời ca ông viết: “Bay đi những cơn mưa phùn/Bay đi những cơn đau buồn…”.

Đynh Trầm Ca: Lục bình ngừng trổ bông… ảnh 3

Gia đình Đynh Trầm Ca và danh ca Lệ Thu

MỚI - NÓNG