Duy trì không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm: Tại sao không?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kể từ sau khi có kế hoạch di dời, Nhà máy xe lửa Gia Lâm lần đầu nhộn nhịp trở lại nhân Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Di sản công nghiệp chờ giải tỏa được các nghệ sĩ phủ lên một lớp áo mới, biến thành không gian nghệ thuật đáng mơ ước cho khoảng 220.000 người dân đến thưởng ngoạn trong suốt gần 2 tuần.

Không gian hút khách

Ngay cả những người trong ban tổ chức (BTC) Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 cũng phải dùng từ “không ngờ” để nói về sự hưởng ứng của công chúng với chuỗi sự kiện lần này. Vì lý do hút khách, người ta đã quyết định kéo dài lễ hội thêm 2 ngày (27 và 28/11), thay vì chỉ 10 ngày (bắt đầu từ 17/11) như thông báo trước đó.

Theo những con số mà BTC đưa ra, sau 12 ngày, ước tính lễ hội thu hút khoảng 220.000 khách đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Địa điểm này và các chuyến tàu di sản từ ga Hà Nội, ga Long Biên sang đã trở thành tâm điểm của lễ hội, tạo ra một sinh khí mới cho những hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật ở Thủ đô.

Duy trì không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm: Tại sao không? ảnh 1

Không gian triển lãm của họa sĩ Thu Trần

Họa sĩ Thu Trần, người có triển lãm “Tiếng gọi” được giới nghệ sĩ đánh giá là “oách nhất” lần này tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm chia sẻ: “đây có thể là một cú “để đời” của riêng tôi, vì tương lai không biết khi nào mới có thể gặp lại một không gian trưng bày lý tưởng tương tự”.

Nói là lý tưởng vì thực tế, rất khó tìm được một không gian đủ rộng để có thể phô bày hết sự mềm mại bay bổng của 2.000m tranh lụa, chưa kể đến mỹ cảm đối lập hoàn hảo được tạo ra từ lớp phông nền xù xì sắt thép của một di sản công nghiệp trăm năm tuổi.

Cảm giác choáng ngợp và thú vị tương tự với trưng bày điêu khắc “Kiến” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng trong Phân Xưởng 3B1. Ở những địa điểm khác, như ở sân khấu Phân xưởng nóng 1B, show nào cũng đông kín khán giả bất kể trình diễn ban ngày hay buổi tối. Không có ghế ngồi, nhưng suốt cả show “Âm cảnh ga”, không có khán giả bỏ về giữa chừng. Đây là chương trình được thực hiện tương tự như một buổi trình diễn thực cảnh với sự góp mặt của các nghệ sĩ nhạc xẩm, nhạc công, nghệ nhân vẽ truyền thần trực tiếp trên sân khấu cùng công nhân làm tại ga Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm...

“Di sản công nghiệp luôn là một cái nền rất tốt cho các hoạt động sáng tạo. Những thành phố lớn của thế giới đều đã rất thành công trong việc tái thiết những không gian công nghiệp cũ, bỏ hoang thành không gian sáng tạo mới, vừa có giá trị văn hóa vừa có giá trị kinh tế. Không nói đâu xa, ngay tại Bắc Kinh, khu nghệ thuật 798 cũng được tái thiết từ nền một nhà máy sản xuất đồ điện tử xây dựng bằng viện trợ của Liên Xô. Hiện nay, 798 đã trở thành một khu vực mang tính quốc tế, quy tụ nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa đương đại có sức ảnh hưởng rộng rãi”, nhà nghiên cứu Lê Đình Huy chia sẻ.

Duy trì không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm: Tại sao không? ảnh 2
Các show trong Phân xưởng nóng 1B

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Chi Lan, nhà máy xe lửa Gia Lâm được Ba Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 1988 là di sản mang tính điển hình của các cơ sở công nghiệp nặng: nhà xưởng sử dụng hệ thống cầu trục hạng nặng, các dầm thép tổ hợp kích thước lớn và mái gấp hình răng cưa, tất cả các cửa mái đều được mở hướng Bắc - Nam, phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Ở đây, diện tích cây xanh lớn, chiếm gần một nửa tổng diện tích của toàn bộ khuôn viên nhà máy, là một khu vực lý tưởng để biến thành một không gian sáng tạo cộng đồng. Theo khảo sát của chị Lan, nơi này hoàn toàn có thể học theo mô hình của bảo tàng Magazzini del Sale ở Venice, Ý, nơi từng là kho muối lớn, hay không gian sáng tạo Tobacco Factory Theatre ở Bristol, Anh đã được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang.

Hy vọng chung của nghệ sĩ, khán giả và ngành du lịch

Ngay trong phạm vi của Phân xưởng nóng, có một “cây ước nguyện” để khán giả có thể viết những ước nguyện của mình lên đó. Bên cạnh những lời tỏ tình (một đặc sản của giới trẻ), lời ước may mắn, hạnh phúc, rất nhiều người đã để lại mong muốn các chương trình của lễ hội sẽ kéo dài thêm nữa, đến hết năm...

Khi được hỏi bạn yêu thích nhất điều gì ở Lễ hội năm nay, Mai Hoa (sinh viên ĐH Mỹ thuật) nói ngay: “Địa điểm! Thật sự ngoài các triển lãm rất đẹp thì khung cảnh phân xưởng cũng góp rất nhiều cảm xúc cho mình. Rất mong phân xưởng có thể giữ nguyên cái chất cơ khí bụi bặm và tổ chức thêm nhiều triển lãm khác nữa”.

Còn Nguyễn Huế (Hà Nội) thì khẳng định: “Mình thích cách BTC đưa giới trẻ đến với những chuyến tàu hoả, thích những chất liệu mới lạ, tự nhiên của những triển lãm và sự sáng tạo trong không gian gần như tàn tích tại nhà máy xe lửa Gia Lâm”.

Trong khi Tuấn Minh (25 tuổi) nói rằng anh “ấn tượng nhất là nhạc acoustic diễn ra trong phân xưởng gia công nóng 1B, mong BTC có thêm nhiều dự án lễ hội hay như thế này”.

Về phía các nghệ sĩ, nhiều người nói rằng họ sẵn sàng gửi tâm thư, thu thập chữ ký, đề đạt nguyện vọng để thành phố giữ lại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, biến nó thành không gian sáng tạo thay vì cắt đất chia lô xây chung cư hay đập đi làm công viên.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống chia sẻ: “việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị, cũng như tạo ra cơ hội phát triển du lịch, thương mại, văn hóa dựa trên di sản công nghiệp”. Ông Bình cũng cho rằng nếu Hà Nội tiếp tục tổ chức các sự kiện, festival ở trong nhà máy cũ như nhà máy xe lửa Gia Lâm hay nhà máy bia Hà Nội thì bức tranh về công nghiệp văn hóa, sáng tạo của thành phố sẽ thay da đổi thịt thực sự.

Trước đó, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn. Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm trong danh sách này và việc di dời nhà máy được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều câu hỏi đặt ra, quỹ đất vàng 20ha sau đó sẽ được sử dụng như thế nào. Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.

MỚI - NÓNG