Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ diễn ra từ ngày 17 - 26/11/2023 tại Hà Nội. Lễ hội có chủ đề “Dòng chảy” và được kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới cho người dân và du khách. Điểm nhấn chính của sự kiện năm nay đó là chuỗi hoạt động sáng tạo, đa dạng diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. |
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (còn gọi là Nhà máy hỏa xa Gia Lâm, hiện nay là Công ty Xe lửa Gia Lâm) được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. |
Nhà máy được đặt tại giao điểm của 4 tuyến đường sắt phía Bắc, sừng sững như một chứng nhân lịch sử của Việt Nam xuyên suốt từ thời Pháp thuộc đến biến động của xã hội ngày nay. |
Nhà máy không chỉ phục vụ luân chuyển hàng hóa, với mạng lưới đại lý rộng khắp, mà còn nuôi dưỡng sự chuyển dịch của các nền văn hóa và tư tưởng, góp phần hình thành nên tiềm thức của người Việt. |
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đang được thi công để tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. |
Nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha |
Các công trình, vật liệu trong nhà máy đều đã hoen gỉ theo thời gian. |
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là nơi sản sinh ra những sản phẩm từng là niềm tự hào của biết bao thế hệ đường sắt như: Đầu máy hơi nước “Tự lực”; đoàn xe khách do công sức đóng góp “kế hoạch nhỏ” của đội thiếu niên tiền phong, nhà xưởng và thiết bị đóng mới, sửa chữa toa xe do Ba Lan viện trợ; đầu máy diesel “Đổi mới”... |
Nhiều máy đã hoen gỉ, xuống cấp. |
Khu vực đang trong quá trình cải tạo. |
Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo. Di sản được đánh thức để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô. |
Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực mang số hiệu 141-179 được sản xuất năm 1965, được thiết kế chạy trên đường ray một mét, dài khoảng 19 m (bao gồm cả xe than) hoặc dài 11,5m (không bao gồm xe than); rộng 2,75 m, cao 3,8 m, nặng khoảng 100 tấn (có than và có nước). |
Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực là biểu tượng của ngành đường sắt. |
Vị trí cửa buồng đốt, đây là nơi công nhân đốt lò sẽ xúc than vào để duy trì sức kéo đầu máy. |
Nồi hơi nằm phía trên cùng của đầu máy, sau khi đốt cháy than, gỗ sẽ làm cho nước hoá hơi, hơi nước làm piston di chuyển qua lại, piston lại gắn liền với trục quay chính của đầu máy của tàu sẽ giúp cho tàu chạy. |
Thiết kế đặc trưng tạo nên cái tên 141-179 là 4 cặp bánh chủ động. Các cặp bánh chủ động nhận lực từ động cơ hơi nước để tạo ra lực kéo đoàn tàu. |
Khoang chứa than của phần đầu máy xuống cấp, hoen gỉ theo thời gian. |
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (còn gọi là Nhà máy hỏa xa Gia Lâm, hiện nay là Công ty Xe lửa Gia Lâm) được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp thực hiện mưu đồ vơ vét tài nguyên của cải của nhân dân ta đem về "mẫu quốc" nên đã thành lập nên Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Trải qua những năm tháng đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các công nhân nhà máy đã nhiều lần đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột, đình công, rồi dần dần lấy được nhà máy. Sau đó, đây trở thành nơi sản xuất vũ khí, bom, mìn và vận chuyển người, vũ khí phục vụ cho cách mạng.
Trong thời kỳ đổi mới, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng không ngừng đổi mới, hoạt động đa ngành nghề hơn, tuy nhiên trọng tâm vẫn là sửa chữa, chế tạo, phát triển công nghệ ngành đường sắt.
Sắp tới, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm hành trình xe lửa di sản với điểm tham quan từ bốt Hàng Đậu - ga Long Biên - ga Gia Lâm - Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Ngành đường sắt sẽ tổ chức hai chuyến tàu riêng mang tên Hành trình di sản từ ga Hà Nội qua ga Long Biên, đến ga Gia Lâm. Ngày 17/11, ngày khai mạc lễ hội, tàu LH1 xuất phát từ Ga Long Biên lúc 19 giờ 5 phút, trong khi tàu LH2 xuất phát từ Ga Gia Lâm lúc 22 giờ 25 phút cùng ngày. Giá vé 20.000 mỗi lượt. Đoàn tàu gồm 3 toa, được thiết kế riêng, trang trí nghệ thuật. Trên tàu có nghệ sĩ biểu diễn.
Từ ga Gia Lâm, du khách có thể đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm - nơi tổ chức Lễ hội thiết kế, sáng tạo Hà Nội, tham quan nhiều công trình kiến trúc và đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực, biểu tượng của ngành đường sắt.
Ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay chuyến tàu được dành riêng phục vụ du khách dịp lễ hội, đi qua 3 nhà ga lịch sử nhằm giúp người dân hiểu thêm về các di sản của ngành. Sau tuần lễ hội, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các nhà ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử.