Đường sắt đô thị: Nguy cơ không về đích đúng hẹn

Đường sắt đô thị: Nguy cơ không về đích đúng hẹn
TP - Theo kế hoạch, việc GPMB tại khu đề-pô (ga cuối) phải hoàn thành trong tháng 6 và nhiều trụ cầu của dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông trên trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông cũng phải được xây xong để hoàn trả mặt đường. Nhưng đến nay, tất cả các hạng mục này vẫn dở dang.

> Ba năm nữa hoàn thành tuyến đường sắt trên cao

Theo tiến độ, bốn trụ cầu qua nút Nguyễn Trãi - vành đai 3 đã xong nhưng nay nhà thầu mới đổ được 2, mặt bằng vẫn quây rào xung quanh. Ảnh: Trọng Đảng
Theo tiến độ, bốn trụ cầu qua nút Nguyễn Trãi - vành đai 3 đã xong nhưng nay nhà thầu mới đổ được 2, mặt bằng vẫn quây rào xung quanh. Ảnh: Trọng Đảng.

Hơn 1 năm chưa xong mặt bằng

Nhằm giải quyết ùn tắc cho khu vực phía Tây Nam Thủ đô, tháng 10-2011 dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được TP Hà Nội và Cục Đường sắt - Bộ GTVT (chủ đầu tư) khởi công.

Với công suất vận chuyển hơn 1 triệu hành khách một ngày, cùng với xe buýt, sau khi hoàn thành ĐSĐT sẽ đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của người dân và được kỳ vọng sẽ cải thiện giao thông Thủ đô.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,5 km, khởi công tháng 10-2011, dự kiến hoàn thành 6-2015. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 8.770 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong 43 tháng, hoàn thành vào 6-2015. Tuy nhiên, có mặt trên công trường, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận tất cả các hạng mục như nhà ga, đề-pô và đường dẫn, trụ cầu... vẫn chưa có tiến triển đáng kể, nhiều gói thầu chỉ động thổ rồi giậm chân tại chỗ.

Theo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng tại khu đề-pô đường dẫn đã phải hoàn thành tháng 6-2012, nhưng đến nay khu đề-pô có tổng diện tích 23 ha tại phường Phú Lương, quận Hà Đông vẫn là khu đất trống. Chung số phận, hơn 6 ha đường dẫn vào khu đề-pô cũng không có tiến triển do vướng công trình nhà dân chưa giải phóng xong.

Có mặt bằng và được triển khai sớm nhất nhưng đến nay tại tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông chỉ có hơn 40 trụ cầu trên tổng số 150 trụ cầu được đổ xong.

Nhiều người dân sống trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông cho biết, gần một năm nay, tuyến đường cửa ngõ huyết mạch Thủ đô bỗng dưng bị quây rào nhiều vị trí, khiến giao thông ở đây ùn tắc liên miên.

“Có vị trí chỉ quây rào một thời gian khi trụ cầu đổ xong được tháo dỡ, có vị trí quây rào mấy tháng nay giờ vẫn không thấy thi công”, anh Nguyễn Minh Chiến, một người dân sống trên tuyến đường Nguyễn Trãi phản ánh.

Có mặt tại tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông chiều 17-10, PV ghi nhận, tuyến đường này đoạn từ ngã ba Nguyễn Trãi - Vũ Trọng Phụng đến ngã ba Ba La (Hà Đông) nhiều đoạn đã được quây rào ở giữa để các nhà thầu thi công trụ.

Ngoài hơn 100m đường Quang Trung, đoạn gần ngã ba Ba La được tháo bỏ rào do đã đổ xong các trụ, hầu hết các đoạn còn lại hàng rào công trường vẫn chiếm hơn 1/2 lòng đường.

Với đoạn qua nút giao thông vành đai 3 (đường Nguyễn Trãi), cầu Sông Nhuệ và nút giao thông Quang Trung - Lê Trọng Tấn (đường Quang Trung) người dân ở đây cho biết: hàng rào được lập nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa tháo dỡ.

Liệu có thất hứa?

Ngày 15-9-2011, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đi kiểm tra tiến độ dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và một số dự án giao thông trọng điểm khác.

Tại công trường ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu (Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt - Trung Quốc) đẩy nhanh tiến độ, thay vì mốc thời gian tháng 6-2015 nên đẩy nhanh, phấn đấu làm sao từ nay đến Quốc khánh Việt Nam 2-9-2014, đưa dự án vào hoạt động. Cả đại diện chủ đầu tư và nhà thầu đã hứa sẽ hoàn thành dự án treo mốc thời gian này.

Đến nay, đã hơn một năm trôi qua, mặt bằng thi công vẫn chưa được giải phóng xong. Theo các chuyên gia cầu đường, mặt bằng thi công chưa xong thì chưa thể nói gì đến hoàn thành.

“Với mốc 5-2015 mà nhà thầu đưa ra là khi dự án đã có mặt bằng sạch, còn với hiện trạng mặt bằng của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông hiện nay thì không chỉ năm 2014 mà đến 2015, Hà Nội cũng khó mà có ĐSĐT”, một lãnh đạo của Hội Kỹ thuật Vận tải đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, theo kế hoạch công tác GPMB đường dẫn ở khu đề-pô đang bị chậm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG