Dương Kỳ Anh và câu chuyện ‘Đúng quy trình’ trong cuốn sách ‘Mệnh trời và ý dân’

Tác giả Dương Kỳ Anh và bìa cuốn sách "Mệnh trời và ý dân".
Tác giả Dương Kỳ Anh và bìa cuốn sách "Mệnh trời và ý dân".
TPO - Câu chuyện “Đúng quy trình” trong cuốn sách “Mệnh trời và ý dân” của nhà báo Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) ra đời đúng thời điểm dư luận xã hội đang nóng lên xoay quanh vụ việc bổ nhiệm Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo.

Liên hệ với nhà báo Dương Kỳ Anh chiều 19/12 khi nghe tin ông vừa ra cuốn sách mới có tên “Mệnh trời và ý dân”. Cái tên “Mệnh trời và ý dân” vừa nghe, vừa đọc ngay lập tức tạo dấu ấn khiến nhiều người phải tò mò. Tôi thôi thúc mình đặt câu hỏi...

Thưa nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh, tại sao ông đặt tên cuốn sách mới của mình là “Mệnh trời và ý dân”?

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh: Trước khi giải thích về cái tên “Mệnh trời và ý dân”, tôi xin giới thiệu, đây là cuốn sách bao gồm những bài viết của tôi thời gian gần đây.

“Mệnh trời và ý dân” là hai mệnh đề mà tôi muốn nhấn mạnh xuyên suốt trong cuốn sách của mình. Mệnh trời là quy luật tự nhiên, những thứ thuận theo tự nhiên cũng giống như trời sinh ra muôn muôn loài, không loài nào phải tuyệt diệt. Thế nên, tàn phá môi trường là hành động trái với quy luật tự nhiên. Như thế tức là không tôn trọng mệnh trời, tất yếu sẽ lĩnh lấy hậu quả thiên tai như: bão, lũ, tố lốc...

Còn ý dân là quy luật xã hội và chúng ta cũng cần phải tôn trọng. Có một thời, chúng ta làm theo ý chí chủ quan hay nói cách khác là “Ý chí luận”, ta không làm theo quy luật. Mà quy luật xã hội là động lực để phát triển, làm trái quy luật là triệt tiêu động lực phát triển, dẫn đến thực trạng nước nghèo, dân khổ...

Trong cuốn sách “Mệnh trời và ý dân” có một vài tác phẩm, câu chuyện với tên gọi gây tò mò như: “Người lo trời sập”, “Cho cái ngàn vàng”, “Khi doanh nhân mặc áo lý trưởng”… Ông  có thể chia sẻ thêm không?

Về “Người lo trời sập” là câu chuyện được khơi gợi từ sự tích, xưa có người luôn lo trời sẽ sập. Tuy nhiên, ai biết được khi nào trời sập? Ở đây, tôi mượn câu chuyện này để nói về quy luật tự nhiên. Nếu không hành động theo quy luật thì đến một lúc nào đó, đất trời để “giáng họa”.

“Cho cái ngàn vàng”- được viết ra từ câu chuyện có thật được báo chí nêu trong thời gian qua. Theo đó, một cô bé 13 tuổi “cho cái ngàn vàng” một cách vô tư với suy nghĩ non nớt “xin thì cho”. Từ đây, tôi muốn nói về thói tùy tiện và sự chủ quan hiện hữu trong xã hội của chúng ta. “Xin- cho” một cách tùy tiện, dễ mình dễ ta mà không tôn trọng các quy định, các nguyên tắc, dẫn đến tự tung tự tác, đã gây biết bao thiệt hai mà các vụ đại án đang diễn ra là những ví dụ sinh động … từ việc nhỏ đến việc lớn sẽ để lại hậu quả, thậm chí hệ lụy cho cả thế hệ sau.

“Khi doanh nhân mặc áo lý trưởng” là câu chuyện viết lên từ thực tế mà báo chí đã nêu. Đó chính là chủ nghĩa hình thức. Cup, cờ nhiều quá. Đôi khi chúng ta trao cup, trao cờ một cách hình thức.  Có người mới nhận cup, nhận cờ hôm nay, ngày mai phát hiện là tội phạm.

Trong cuốn sách “Mệnh trời và ý dân”, ông có nhắc đến nhân vật cụ thể nào không?

Có chứ nhưng không nhiều. Tôi lấy ví dụ, nhân sự việc được báo chí nhắc nhiều thời gian gần đây về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, tôi có một số chiêm nghiệm trong tác phẩm “Đúng quy trình”.

Có vẻ như ông đã chọn đúng thời điểm để cho ra đời cuốn sách “Mệnh trời và ý dân”?

Thời điểm này, cả xã hội tích cực trong việc chống tiêu cực, chúng ta đã và đang phanh phui ra nhiều vụ đại án làm thất thoát tiền của dân của nước trăm tỷ, ngàn tỷ, nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng… Tuy nhiên, nhìn nhận từ gốc rễ thì những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đó xuất phát từ việc chủ quan, tùy tiện, coi thường các quy định, các nguyên tắc và đi ngược lại quy luật tự nhiên, quy luật xã hội. Từ đó, môi trường tự nhiên, đất nước bị tàn phá, hủy hoại... Điển hình nhất là vụ Fomorsa.

Bên cạnh đó, thông qua cuốn sách “Mệnh trời và ý dân” tôi mong muốn thêm một hồi chuông cảnh báo. Xin nhắc lại, những dòng cuối trong bài “Mệnh trời và ý dân” để độc giả hiểu rõ hơn nội dung của cuốn sách: “Tất cả chúng ta, nhất là những người lãnh đạo, quản lý, cần đọc kỹ từng câu, từng chữ “ Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn; để khi làm việc gì liên quan đến nhân dân, đất nước, cũng nhất thiết “ Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân”, để rồi “ Nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, chứ không nhất quyết khu khu ôm lấy những giáo lý cũ rích và luôn cho là mình đúng. Có như vậy mới làm cho “ Phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Mới thực sự thấm nhuần tư tưởng cao đẹp, luôn mới mẻ của bậc tiền nhân”.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

MỚI - NÓNG