Đường đi của xăng dỏm

Đường đi của xăng dỏm
Các doanh nghiệp đầu mối lớn gần như đã ngừng nhập khẩu xăng A83, Nhà máy lọc dầu Dung Quất không sản xuất loại xăng này. Ấy nhưng vẫn có người “pha” xăng A83 thành xăng A92, A95 dỏm kiếm lời ít nhất 500 đồng/lít.

Đường đi của xăng dỏm

Công khai 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm

Các doanh nghiệp đầu mối lớn gần như đã ngừng nhập khẩu xăng A83, Nhà máy lọc dầu Dung Quất không sản xuất loại xăng này. Ấy nhưng vẫn có người “pha” xăng A83 thành xăng A92, A95 dỏm kiếm lời ít nhất 500 đồng/lít.

Cửa hàng xăng dầu DNTN Trần Quang Tuyến (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có mẫu xăng 92 khi thử nghiệm chỉ còn là xăng 85
Cửa hàng xăng dầu DNTN Trần Quang Tuyến (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có mẫu xăng 92 khi thử nghiệm chỉ còn là xăng 85. Ảnh: Thuận Thắng

Mặc dù trên thị trường hiện nay có rất ít nơi bán loại xăng A83, thế nhưng một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn sản xuất và do thiếu kiểm soát, các đại lý lợi dụng để “phù phép” thành xăng A92, A95 bán cho người tiêu dùng. Với mức giá chênh nhau vài trăm đồng/lít xăng, người tiêu dùng đang bị móc túi con số khổng lồ.

Trong khi đó, tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ ngày 1-12, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nằm trong danh sách bán xăng dỏm bị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) công bố lại đưa ra những lý do rất “khách quan” để lý giải việc kinh doanh gian lận, móc túi khách hàng của mình.

Do chưa súc rửa bồn (!?)

Ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ

Theo ông Hoàng Lâm - phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, đa số các loại xe hiện nay được thiết kế sử dụng loại xăng có chỉ số octan cao như xăng A92, A95...

Xăng A83 chỉ phù hợp với một số loại xe đời cũ. Với những loại xe này, dùng xăng A83 sẽ không có hư hại gì. Nhưng với các loại xe hiện đại sử dụng xăng A83 hoặc các loại xăng có chỉ số octan tương đương xăng A83 có thể ảnh hưởng đến động cơ, làm giảm tuổi thọ xe.

Theo một số chuyên gia, việc sử dụng xăng chỉ số octan thấp cho các loại xe hiện đại có thể thấy ngay sự ảnh hưởng khi máy chạy rì rì, không “ngọt”.

Bà Đỗ Thị Rợ, giám đốc DNTN thương mại Tân Cảnh (339-339B1 Thạch Lam - Thoại Ngọc Hầu, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) - đơn vị có hai mẫu xăng A92 nhưng chỉ đạt 82,5 và 83,7, cho biết: “Trước khi đoàn kiểm tra liên ngành tới kiểm tra, lấy mẫu hai ngày, do đường ống bị thủng nên chúng tôi dùng dầu lửa súc rửa bồn. Khi hút dầu ra, còn một lượng dầu ở đáy không thể hút bằng máy bơm nhưng vẫn đổ xăng mới vào khiến chỉ số xăng không đạt”.

Theo bà Rợ, doanh nghiệp mới nhập xăng của Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, trước đó nhập xăng của một hãng khác. Giải thích lý do của lần bị phát hiện xăng không đạt chất lượng trước đó, bà Rợ nói: “Có thể do tài xế họ làm bậy, chúng tôi không có máy kiểm tra, không biết xăng nào là đủ chất lượng, xăng nào không”.

Bà Rợ cho rằng bà không có đủ người để đi giao nhận hàng khi thuê xe bồn bên ngoài vận chuyển xăng từ đại lý về trạm xăng của doanh nghiệp, bà chỉ căn cứ vào số liệu, chủng loại xăng ghi trên hóa đơn để tính tiền nên có thể tài xế làm bậy.

Trong khi đó ông Đỗ Văn Thuật, giám đốc DNTN TM Phú Hoàng (3A Bàu Cát, P.14, Q.Tân Bình) - doanh nghiệp có hai mẫu xăng A92 và A95 bị kiểm tra nhưng cả hai chỉ đạt mức trên 86, giải thích: “Xe bồn chỉ được vào TP giao hàng lúc 1g-2g sáng, lúc đó tôi đã quá mệt nên giao khoán toàn bộ việc nhận hàng cho nhân viên bảo vệ, không thể kiểm soát chính xác chủng loại, số lượng xăng nhập vào, đó có thể là lý do khiến chỉ số xăng không đạt”. Ngoài ra, theo ông Thuật, cũng có thể do xăng tồn còn nhiều nên chỉ số bị giảm.

Tương tự, ông Trần Quang Tuyến, giám đốc DNTN Trần Quang Tuyến (trạm xăng tại B1/7 Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh), lý giải việc mẫu xăng A92 của doanh nghiệp mình chỉ đạt 85 là do “đổ nhầm bồn”.

“Xe bồn của chúng tôi nhiều khi hư, phải thuê xe bên ngoài vận chuyển xăng từ đại lý về. Xe của họ không chỉ chở cho một mình trạm xăng của tôi mà cho nhiều trạm khác, có thể họ đã đổ nhầm xăng A83 vào bồn của chúng tôi” - ông Tuyến nói.

Sản xuất xăng A83 trong nước

Theo thông tin công bố của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM, có nhiều mẫu xăng chỉ số octan rất thấp, chỉ đạt mức tương đương tiêu chuẩn của xăng A83. Ông K., phụ trách kinh doanh xăng dầu một doanh nghiệp thương mại tại TP.HCM, cho rằng đó là hiện tượng các doanh nghiệp lấy xăng A83 từ doanh nghiệp đầu mối nhưng lại pha trộn với xăng A92.

Bốn trong số 11 đại lý xăng dầu bán xăng dỏm vừa bị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM công bố
Bốn trong số 11 đại lý xăng dầu bán xăng dỏm vừa bị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM công bố. Ảnh: Thuận Thắng

Thậm chí có hiện tượng các đại lý, cây xăng tư nhân mua xăng A83 về rồi đổi tên thành xăng A92, A95 để bán cho người tiêu dùng, hưởng chênh lệch. Xăng A83 rẻ hơn xăng A92 đang bán hiện nay là 500 đồng/lít, xăng A95 là 1.000 đồng/lít. Như vậy, các doanh nghiệp bán xăng dỏm lời ít nhất 500 đồng/lít. Theo ông S - đại diện một đại lý xăng dầu ở TP.HCM, công ty đang là đại lý xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).

Hiện xăng A83 vẫn được lưu hành trên thị trường và Saigon Petro vẫn có hàng bán cho đại lý. Trên trang web của Saigon Petro cũng công bố giá bán lẻ xăng A83 là 20.300 đồng/lít. Tuy nhiên, ông S. thừa nhận rất ít cây xăng còn bán xăng A83 vì người tiêu dùng gần như không sử dụng loại xăng này nữa.

Giới kinh doanh xăng dầu cho biết vẫn có xăng A83 nhập khẩu. Tuy nhiên, lượng xăng A83 sản xuất trong nước chiếm đa số. Theo đó, doanh nghiệp có thể mua nguyên liệu về tự pha chế. Thậm chí có thể dùng xăng A92 pha với một số nguyên liệu khác để ra xăng A83 kém chất lượng hơn. Phó tổng giám đốc một đầu mối xăng dầu có thị phần lớn cũng xác nhận nguồn gốc xăng A83 của công ty được sản xuất trong nước. Một số đầu mối khác không sản xuất được thì nhập khẩu.

Trong khi đó, về nguồn xăng sản xuất trong nước, ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ sản xuất xăng A92, A95, hoàn toàn không sản xuất xăng A83. Do đó, việc các đầu mối xăng dầu cho biết xăng A83 sản xuất trong nước nằm ở nguồn khác, hoặc doanh nghiệp tự pha chế.

Ông Đặng Vinh Sang, tổng giám đốc Saigon Petro, cho biết công ty không nhập khẩu xăng A83. Hàng phân phối cho đại lý là tự sản xuất tại nhà máy của công ty. Tuy nhiên, lượng sản xuất xăng A83 chỉ chiếm 5% tổng lượng các sản phẩm xăng dầu bán ra thị trường của công ty mỗi năm.

“Xăng A83 được đưa đi tiêu thụ ở khu vực miền núi, miền Tây cho những người có nhu cầu chạy một số loại động cơ và xe cũ phù hợp với loại xăng này. Thị trường có nhu cầu thì doanh nghiệp sản xuất. Còn trường hợp các đại lý, cây xăng bán hàng không đúng chất lượng thì Nhà nước cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Sang nói.

Theo ông Sang, không chỉ doanh nghiệp đầu mối tự sản xuất được xăng A83 mà các đại lý, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tự mua hóa chất về pha chế xăng A83.

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, trong số 11 cây xăng bán xăng dỏm có một số đại lý của PV Oil và ông Lê Xuân Trình, phó tổng giám đốc PV Oil, thừa nhận có sản xuất xăng A83. Về việc quản lý chất lượng xăng khi giao cho đại lý, ông Trình cho biết khi bán hàng cho bất kỳ đại lý nào, PV Oil đều có giấy kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn, có đóng dấu của cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định xăng dầu.

“Khi hàng đã giao cho đại lý, họ đem về bán thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra” - ông Trình nói.

Mức lãi khổng lồ

Theo ông Trần Văn Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), hiện nay ở VN có ba loại xăng A83, A92 và A95, trong đó A83 được sản xuất trong nước, hai loại A92 và A95 nhập khẩu từ nước ngoài.

Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra việc pha chế xăng chỉ số octan thấp với xăng có chỉ số octan cao để cho ra một loại xăng và công bố chất lượng sai sự thật. Chẳng hạn, pha xăng A92 vào xăng A95 và công bố, bán với giá xăng A95, hoặc pha chế A83 với A92 và bán với giá của xăng A92. Đó là một hiện tượng có thể xảy ra ở các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ.

Theo ông Vinh, với mức giá chênh nhau vài trăm đồng/lít xăng theo từng loại, khi doanh nghiệp bán ra thị trường nhiều lít thì con số lãi là khổng lồ.

Theo một quan chức Bộ Công thương, việc pha trộn để có xăng độ octan kém từng xảy ra trước đây và đã được xử lý. Hiện ở VN, xăng có độ octan thấp từ A83 trở xuống rất ít được sử dụng, hầu hết chỉ cho các động cơ cũ, nên các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn đã gần như ngừng việc nhập khẩu loại xăng này.

Tuy nhiên, trong những thời điểm nhạy cảm như giá xăng dầu thế giới cao, giá trong nước chưa được điều chỉnh, chiết khấu bị giảm, một số cây xăng thường có xu hướng tăng gian lận để giảm lỗ hoặc để mức lợi nhuận không bị giảm xuống quá thấp. Họ chỉ có hai cách: hoặc giảm chất lượng xăng hoặc đong thiếu cho khách hàng.

Kết quả kiểm tra chưa phản ánh hết tình hình chất lượng xăng

Ngày 1-12, ông Phạm Đăng Tín - trưởng phòng kiểm tra, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM), cho biết:

Thưa ông, từ kết quả kiểm tra đợt vừa qua (16/32 mẫu xăng được kiểm tra không đạt chất lượng), tình hình chất lượng mặt hàng này trên thị trường được nhìn, đánh giá như thế nào?

Thật sự không dám đánh giá là đa số như vậy, vì chỉ mới kiểm tra đột xuất 55 cửa hàng xăng dầu so với khoảng 500 cửa hàng của TP. Kết quả kiểm tra vừa qua chưa phản ánh được hết tình hình chất lượng xăng dầu của TP. Khi kiểm tra, chúng tôi chọn những khu vực mà thấy cần ưu tiên kiểm tra nên phát hiện được những vi phạm như thông tin, nhưng cũng chưa dám nói tình hình chung của TP xấu đến mức độ như vậy.

Thời gian gần đây, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ảnh từ người tiêu dùng. Có trường hợp phản ảnh cụ thể ở một cây xăng bán xăng cho khách nhưng sau đó xe của khách đi được một quãng thì gặp trục trặc, không nổ máy nữa. Nhận được phản ảnh này, chúng tôi kiểm tra cây xăng và thử nghiệm mẫu xăng thì cho kết quả không đạt yêu cầu.

Ở góc độ chuyên môn, theo ông, vì sao kết quả kiểm tra cho ra loại xăng không giống ai, chẳng hạn như có chỉ số octan 82,5; 86,4; 85...?

Cũng chưa thể đánh giá được cụ thể là những loại xăng này được pha thứ gì.

Nhưng thưa ông, vì sao không đề xuất làm tận cùng xem những đơn vị bán loại xăng đó pha thứ gì vào để có biện pháp xử lý căn cơ hơn?

Thật sự chưa làm cuộc điều tra như vậy. Nhưng qua trao đổi trong lúc kiểm tra, một số nơi cho biết có mua xăng bên ngoài; cũng có trường hợp mua xăng trôi nổi, thỉnh thoảng mua 1-2 xe loại này và kể cả pha trộn. Tuy nhiên cũng cần thấy thực tế hoa hồng mà người bán lẻ xăng dầu được hưởng thấp quá.

Biện pháp sắp tới như thế nào, thưa ông?

Trước mắt tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát bằng mọi phương thức. Còn mức phạt hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe. Cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, nghiêm hơn. Một bất cập hiện chưa giải quyết được là khi thử nghiệm cho kết quả xăng kém chất lượng thì lượng xăng đó thường đã bán hết cho người tiêu dùng, trong khi thời gian chờ kết quả thử nghiệm mẫu khoảng 7-10 ngày.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG