XÉT XỬ DƯƠNG TỰ TRỌNG VÀ ĐỒNG PHẠM:

Dương Chí Dũng khai rõ người báo tin để chạy trốn

Bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm tại tòa. ẢNH: TTXVN
Bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm tại tòa. ẢNH: TTXVN
TP - Trước tòa, cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng khai được cán bộ cao cấp trong ngành công an báo tin sẽ bị bắt để bỏ trốn.

Dương Tự Trọng bỗng "thuyên giảm trí nhớ"

Đúng như dự kiến, sáng qua (7/1), TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với Dương Tự Trọng cùng đồng phạm về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng bị triệu tập với tư cách người làm chứng trong cuộc chạy trốn của chính mình. Phiên xử thu hút đông đảo PV các cơ quan báo chí.

Để đảm bảo công tác an ninh cũng như giữ gìn trật tự, các con phố xung quanh trụ sở TAND TP Hà Nội ở đường Hai Bà Trưng được đông đảo lực lượng chức năng triển khai các chốt bảo vệ. Khá bình tĩnh trước vành móng ngựa, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng trông khá khỏe mạnh trong chiếc áo len tối màu ôm sát người.

Tuy nhiên, khi bị chủ tọa phiên tòa truy vấn về “người lạ mặt” đã thông báo tin khởi tố và bắt giam Dương Chí Dũng, ông Trọng bỗng dưng nại lý do “gần đây bị cáo bị suy giảm trí nhớ”, không thể khai báo rõ ràng.

 Trước tình huống này, vị chủ tọa yêu cầu bị cáo Vũ Tiến Sơn (cựu Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng) lên trước vành móng ngựa đối chất. Bị cáo Sơn khai nhận, trước khi tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn, chính Dương Tự Trọng là người thông báo có quan chức trong Bộ Công an báo tin ông Dũng sẽ bị khởi tố, bắt giam.

Dương Chí Dũng khai rõ người báo tin để chạy trốn ảnh 1

Dương Chí Dũng khai rành rọt được một cán bộ cao cấp Bộ Công an báo tin sẽ bị bắt giam. Ảnh: Bảo Thắng

Bị cáo Sơn vừa dứt lời, chủ tọa phiên tòa tiếp tục truy vấn Dương Tự Trọng: “Bị cáo đã nghe rõ lời khai của bị cáo Sơn chưa? Bị cáo thấy thế nào?”. Sau vài giây suy nghĩ, ông Trọng nhẹ nhàng: “Bị cáo không phủ nhận cũng không khẳng định lời khai đó là đúng hay sai. Giờ bị cáo không còn nhớ chính xác gì nữa”.

Ôm bao tải chứa chục tỷ làm quà biếu

 Trong quá trình thẩm vấn, HĐXX đã tập trung làm rõ hành vi “mật báo tin khởi tố” của một quan chức cao cấp cho Dương Chí Dũng vào chiều 17/5/2012.

 Hầu tòa với tư cách người làm chứng, ông Dũng chậm rãi khai nhận rành rọt câu chuyện. Theo cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, khi nhận thấy dấu hiệu lâm nguy về những sai phạm ở Vinalines, đích thân ông này đã ôm cả bao tải chứa 500.000 USD đến nhà riêng một quan chức cấp cao Bộ Công an để “lo lót”.

Cũng chính vị quan chức này đã hướng dẫn cho ông Dũng bỏ trốn khi căn dặn: “Chú tắt điện thoại đi, dùng sim rác. Vụ án đã được phê duyệt khởi tố rồi. Chú tạm lánh đi nhé!” – lời khai của Dương Chí Dũng về “nhân vật bí mật” từng gây nhiều sự chú ý trong phiên xử chính ông Dũng cùng đồng phạm tại Vinalines cách đây chưa lâu.

Cũng theo ông Dũng, khi đã bị phiên tòa trước đó tuyên tử hình, bị cáo sẽ không còn gì để giấu giếm nữa. “Tất cả những gì bị cáo nói hôm nay là sự thật” – người làm chứng nói tại tòa.

Về thông tin Dương Chí Dũng khai: Một cán bộ công an đã báo cho Dũng biết có lệnh khởi tố và Dũng sẽ bị bắt tạm giam; Dũng đã đưa hối lộ cho một cán bộ công an, trên tinh thần thượng tôn pháp luật các cơ quan tố tụng sẽ mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tôn trọng quy trình xác minh, điều tra, Tiền Phong tạm chưa nêu danh tính quan chức công an bị Dương Chí Dũng khai.

Đề nghị trả lại hồ sơ

Luật sư Nguyễn Việt Hùng (bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn) mở màn cho phiên tranh luận. Theo phân tích của ông Hùng, việc cáo trạng cho rằng dùng sim rác hay thay đổi nhiều điện thoại, phương tiện di chuyển… là thủ đoạn tinh vi là chưa thỏa đáng.

Với bất cứ người nào, khi phạm tội, đều có thể sử dụng các phương án như các bị cáo trong vụ án. Hơn nữa, một người dùng hơn một chiếc điện thoại cũng là điều bình thường...

Cũng theo luật sư, các bị cáo trong vụ án đều biết Dương Chí Dũng là anh trai Dương Tự Trọng, và ông Trọng là cấp trên của mình, song họ không thể biết rõ việc ông Dũng đang phạm tội, phạm tội như thế nào. Do đó, không thể coi một người tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài là đặc biệt nghiêm trọng khi chưa biết họ phạm tội ở mức độ nào.

Luật sư Hùng nói thêm, đây chỉ là vụ án đồng phạm, trong đó bị cáo Sơn là người thực hành. Bị cáo là người tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, nhưng chỉ là một người, không vụ lợi và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như công tác quản lý của Nhà nước, do vậy, không thể quy kết đây là vụ án có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đến phần bào chữa của “nhân vật chính”, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Dương Tự Trọng), đề nghị HĐXX xem xét yếu tố định khung (Khoản 3) của tội danh, thể hiện trong cáo trạng. Theo luật sư này, nếu kết luận việc các bị cáo liên quan một vụ án đặc biệt nghiêm trọng (vụ tiêu cực tại Vinalines) đều là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì chưa thỏa đáng.

Ông Hưng còn nói thêm, việc chỉ dẫn một người qua khỏi biên giới rồi vòng đi vòng về… được quy kết đặc biệt nghiêm trọng là thiếu căn cứ. “Nếu không làm rõ được tính chất, mức độ của vụ án cũng như vai trò của từng bị cáo, và nhất là lời khai của người làm chứng Dương Chí Dũng khi tiết lộ nhiều thông tin, tình tiết mới thì HĐXX nên trả hồ sơ” – luật sư Hưng đề xuất.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trọng không đồng tình với nhiều nội dung trong cáo trạng, cho rằng đó là bản kết tội không khách quan. Ông Trọng dẫn chứng nội dung “làm mất uy tín trong nhân dân”.

Theo bị cáo này, việc quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo làm mất uy tín đông đảo nhân dân không thuyết phục. “Nhân dân ở đây là bao nhiêu người, có căn cứ cụ thể nào không?” – cựu Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đặt câu hỏi.

Hôm nay, Tòa tiếp tục làm việc với phần tranh tụng.

Đề nghị khởi tố vụ “làm lộ bí mật công tác”

Trong phần luận tội, kết luận vụ án, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật công tác”, quy định tại Điều 286 Bộ luật Hình sự. Bởi trước đó, ông Dương Chí Dũng đã khai nhận biết được nguồn tin mình sẽ bị khởi tố và bắt giam từ một cán bộ cao cấp trong ngành công an.

Các bị cáo bị đề nghị từ 6 đến 20 năm tù giam

Theo bản luận tội của đại diện Viện KSND TP Hà Nội, trong vụ án, về căn bản, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng và ăn năn hối cải. Riêng Dương Tự Trọng, quá trình xét xử, bị cáo này tỏ thái độ ngoan cố, thể hiện ý thức coi thường bất chấp pháp luật của bị cáo, do đó, phải xử lý nghiêm khắc.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn thành khẩn khai báo, cần được xem xét trách nhiệm nhẹ hơn bị cáo Trọng, nhưng nặng hơn các bị cáo khác.

Từ những căn cứ trên, công tố viên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trọng mức án từ 18 đến 20 năm tù; Vũ Tiến Sơn mức án từ 17 đến 18 năm tù. Các bị cáo Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng và Nguyễn Trọng Ánh cùng mức án từ 6 - 7 năm tù. Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn bị đề nghị từ 5 - 6 năm tù.

Sơ lược nội dung vụ án

Được sự ủy quyền từ Viện KSND Tối cao, hai kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP Hà Nội tới tòa với tư cách kiểm sát viên, duy trì quyền công tố.

Theo cáo buộc, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (khi đó đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) hay tin mình bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm liên quan Vinalines, lập tức thông báo cho em trai Dương Tự Trọng (thời kỳ đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng).

Ngay sau đó, bị cáo Trọng triệu tập nhóm anh em, thuộc cấp thân tín gồm Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (Công an Hải Phòng) đến phòng làm việc thông báo tình hình, nghiên cứu phương án đưa Dương Chí Dũng xuất ngoại.

Để tránh bị phát hiện, ông Trọng ủy quyền cho Vũ Tiến Sơn đứng ra xử lý mọi việc, từ liên lạc, tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đồng phạm.

Theo kế hoạch, trưa 19/5/2012, nhóm Sơn gặp nhau và thống nhất tìm mọi cách để Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sau đó sẽ sang Mỹ. Quá trình di chuyển, các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, phương tiện, sim điện thoại... để tránh sự truy lùng của CQĐT.

Nhóm người của ông Dương Tự Trọng đã đặt phòng cho Dương Chí Dũng tại một khách sạn sang trọng để hôm sau bay qua Singapore, rồi nhập cảnh vào Mỹ. Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng buộc quay lại Campuchia. Trước tình thế đó, bị cáo Trọng tiếp tục triệu tập Vũ Tiến Sơn yêu cầu bố trí chỗ để Dương Chí Dũng ăn ở an toàn.

Trước khi chia tay Sơn, ông Trọng gửi 30.000 USD cho anh trai. Nhiều lần chuyển địa điểm, dùng nhiều biện pháp tinh vi lẩn trốn cơ quan chức năng, đến ngày 4/9/2012 ông Dũng đã bị bắt tại Campuchia.

MỚI - NÓNG