>> Chống tham nhũng, một nông dân bị đánh phải nhập viện
Bài 1: Đối mặt những hệ lụy
Ba nông dân tố cáo tham nhũng (từ phải sang): Ngô Minh Phiện, Nguyễn Thuận Trưởng, Nguyễn Văn Vinh: “Dù bị đe dọa chúng tôi vẫn kiên định chống tham nhũng” |
Tiền Phong từng có bài nhan đề: “Quảng Trị: Bốn nông dân chống tham nhũng bị khủng bố và vu khống bằng tờ rơi” phản ánh, tại xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh có bốn nông dân là Lê Văn Lương, Nguyễn Thuận Trưởng, Nguyễn Văn Vinh, Ngô Minh Phiện đứng đơn tố cáo cán bộ xã Vĩnh Thành tiêu cực, sai phạm trong dự án đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh lộ 70. Các cơ quan chức năng vào cuộc và khẳng định đơn tố cáo của bốn nông dân trên có căn cứ.
Kết luận của các cơ quan chức năng ngày đó khẳng định: Những sai phạm trong đền bù GPMB đường tỉnh 70 cũng như việc nhiều quan xã ở đây bày trò đứng tên để rút tiền đền bù là đúng sự thật.
Tôi viết tờ trình gửi công an xã yêu cầu được quan tâm theo dõi bảo vệ. Thế nhưng, trong một cuộc họp, Trưởng CA xã Phạm Quang Toan bảo “Có gan khiếu kiện thì có gan chịu hậu họa”. Còn lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã thì liên tục bắt tôi viết bản kiểm điểm với lý do là cán bộ phụ nữ xã mà để chồng tham gia khiếu kiện |
Chứng thực cho vụ việc này, Công văn số 70 ngày 12/10/2007 do ông Nguyễn Xuân Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ký, nêu rõ:
“Việc nhiều cán bộ xã Vĩnh Thành không có đất dọc tỉnh lộ 70 nhưng vẫn có tên trong danh sách được đền bù giải tỏa; cán bộ địa chính xã ký nhận tiền đền bù thay cho nhiều người khác; tình trạng đền bù làm công trình nhưng không có công trình được làm; dùng tiền đền bù công trình để cho vay... là đúng sự thật”.
Ông Lê Minh Dục, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành trả lời báo giới ngày 6/11/2007 cũng thừa nhận: “Mọi sai phạm trong đền bù GPMB đường tỉnh 70 tại xã Vĩnh Thành là có thực. Bản thân tôi cũng có vi phạm trong vấn đề này”.
Khi đó, trao đổi với Tiền Phong, bà Lê Thị Lựu-Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành cũng thẳng thắn: “Những sai phạm trong đền bù GPMB đường tỉnh 70 là có thật”.
Tưởng mọi chuyện kết thúc có hậu, lẽ phải, chân lý được tôn trọng. Nhưng không ngờ, những con người kiên cường bảo vệ công bằng và lẽ phải không chút tư lợi kia lại rơi vào vòng hệ lụy của sự trù dập, khủng bố dưới nhiều hình thức từ năm này sang năm khác, họ và người thân luôn sống trong căng thẳng, lo âu.
Bóng tối loang ra
Ngay khi bốn nông dân viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, sợ sự thật sẽ được phơi lộ, những kẻ giấu mặt bắt đầu tung chiêu kích động, chia rẽ.
Sáng 25/10/2007, dân xã Vĩnh Thành nhặt được nhiều tờ rơi trên khổ giấy A4, viết tay và được photo có nội dung vu khống, bôi nhọ, đe dọa bốn người đứng đơn tố cáo và thân nhân của họ.
Ngay đêm hôm sau (26/10), hồ cá của anh Trưởng (một trong bốn nông dân trên), tự dưng bị xả nước, cá nuôi trôi sạch. Gia đình anh Phiện bị ném đá, bị người vốn không có mâu thuẫn gì gây sự, đánh vì lý do “Sao lại gửi đơn kiện cáo?”.
Đặc biệt, ngày 28/10, anh Lương bị một công an viên là ông Nguyễn Kim Cương chém vào bụng, phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị bốn ngày.
Ngày đó, khi gặp PV (29/11/2007), vợ anh Phiện là chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thành bức xúc: “Hơn một tháng nay gia đình tôi luôn trong tình trạng nguy hiểm. Tôi viết tờ trình gửi công an xã yêu cầu được quan tâm theo dõi bảo vệ.
"Thế nhưng, trong một cuộc họp, Trưởng CA xã Phạm Quang Toan bảo “Có gan khiếu kiện thì có gan chịu hậu họa”. Còn lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã thì liên tục bắt tôi viết bản kiểm điểm với lý do là cán bộ phụ nữ xã mà để chồng tham gia khiếu kiện.
"Tôi không viết và trả lời là nếu sau này cơ quan chức năng kết luận khiếu kiện tố cáo sai thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Còn, bây giờ, vụ việc đang được giải quyết, sao lại bắt tôi viết kiểm điểm”.
Đó chỉ là khúc dạo đầu cho những hệ lụy dằng dặc tiếp theo.
--------------------
(Còn nữa)