Được rành thêm một thứ… dữ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiết oi nóng cùng ảm đạm cái mùa dịch dã xứ Bắc như có chút mát lành khi một anh shipper đặt uỵch giữa nhà món quà của ông bạn Nam Kỳ Cao Tự Thanh. Tác phẩm về GS Phạm Thiều!
Được rành thêm một thứ… dữ ảnh 1

Sách GS Phạm Thiều (1904 - 1986)

Thi thoảng mỗi khi ra cuốn chi mới là ông bạn đồng khoa này đều gửi cho như thế! Nói thi thoảng bởi nhà nghiên cứu độc lập tài danh này, sức viết hơn trăm cuốn dày cộp này cứ nổi cơn hào phóng mà cho sách bạn bè thì có mà ốm!

Đã chẳng đừng được khi nâng cuốn GS Phạm Thiều tày tặn, nặng chịch lên. Và thế là trắng phớ một đêm thức thấy cảm và thấm thêm cái tình, cái tài của người có tên viết về người danh tiếng! Cũng có loáng thoáng về vị GS danh tiếng này nhưng giờ nhờ có học giả Cao Tự Thanh thì mới rành rẽ thêm rằng, GS Phạm Thiều quả là một thứ… dữ?

Một chàng tuổi hoa niên, 14 tuổi Phạm Thiều những tự tin cùng ngơ ngác lẽo đẽo lều chõng ra thành Nam Định dự Khoa thi Hương Mậu Ngọ cuối cùng nhà Nguyễn năm 1918. Lý do đến giờ vẫn chưa rành tỏ là cậu Phạm đã mắc lỗi gì hay chạm kỵ húy chi đó nên kỳ thi ân khoa ấy đã bị tuột?

Vâng sức học của cậu phải như thế nào cùng tiếng lành của nhà nho Phạm Thâm, cụ thân sinh Phạm Thiều (người chị ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Thanh từng qua lại thăm nom chuyện trò) ra sao thì gia nhân nhà Hoàng Xuân Hãn tận trong Hương Khê Hà Tĩnh mới lọ mọ ra tận đất Diễn Châu đón cậu Phạm Thiều vào làm gia sư trước khi cậu đỗ vào Cao đẳng Đông Dương.

Rồi sau này theo học ở Cao đẳng sư phạm Đông Dương, chàng thanh niên sinh viên Phạm Thiều ấy đã kết thân với đám bạn cùng chí hướng như Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Cao Xuân Huy... Trịnh trọng cao khiết định noi theo tục cũ cắt máu ăn thề nhưng Đặng Thai Mai nói vậy thì mất vệ sinh nên chỉ chia nhau chén rượu lạt. Và sau đấy không thể thiếu thủ tục ăn thề của những người trẻ tuấn tú cùng chí hướng yêu nước tại chùa Láng cổ kính! Một đêm lạnh, ông Trần Phú vừa ở Trung Quốc về để tuyển người sang Tàu học đã bí mật ghé Trường và ngủ chung với mấy chàng trai trẻ ngay tại ký túc xá.

Xứ phương Nam - nơi dung thân dưỡng chí của không ít người miền Trung. Trong số ấy có thày giáo trẻ Phạm Thiều. Năm 1927 thày hành phương Nam dạy học và làm ở Sở khảo cổ. Mười năm sau thày chững chạc vị thế giáo sư Hán văn, Việt văn của ngôi trường danh tiếng Petrus Ký. Phương pháp sư phạm sáng tạo độc đáo của GS Phạm Thiều đã cuốn hút nhiều học trò giỏi trong đó có Trần Văn Khê. GS Phạm Thiều khổ công tập cho trò biết cách giới thiệu một đề tài trước khán thính giả. Cú hích của thày học đã thăng hoa tài năng mà học trò sẵn có. Trần Văn Khê đã nổi trội trong một buổi đăng đàn. Sau này đã thành danh lẫn lừng danh, nhạc sĩ (NS) Trần Văn Khê còn nhớ như tạc lời thày giáo Phạm Thiều nói trước lớp mùa thu năm 1938 ấy.

Tôi cho em 19 điểm mặc dầu bài thuyết trình của em xứng đáng 20 điểm. Tôi để dành một điểm lại cho em. Vì nếu cho em 20 điểm trên 20, em sẽ nghĩ mình đã hoàn thiện toàn mỹ rồi không cần cầu tiến nữa. Từ nay em nên tiếp tục trau dồi kiến thức văn chương và âm nhạc. Sau này em sẽ còn tiến xa!

Mùa xuân 1980, NS Trần Văn Khê từng đi thuyết trình âm nhạc hơn 50 quốc gia về nước dự hội thảo về Nguyễn Trãi với bản thuyết trình Âm nhạc các nước Đông Á dưới thời Nguyễn Trãi do GS Phạm Thiều chủ trì. Cả hội trường đứng dậy trong tràng pháo tay tán thưởng bản tham luận độc đáo.

Bất ngờ, GS Phạm Thiều đứng lên phát biểu với câu mở đầu Thưa thày Trần Văn Khê…

NS đứng bật dậy hốt hoảng Kính thưa thày, em không bao giờ quên rằng em là học trò của thày… GS Thiều cắt ngang Để tôi nói hết. Hôm nay tôi nghe NS thuyết trình chúng tôi học được rất nhiều điều độc đáo bổ ích thú vị. Cái nhìn của NS rất rộng… Ta có câu “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Hôm nay tôi rất vui vì thày đã tiến xa hơn tôi dự đoán! Rồi hai ông… thày ôm nhau xúc động và bật khóc mùi mẫn, ngon lành!

Thời gian dạy học ở Lycée Petrus Ký, GS dành nhiều tâm sức cho hoạt động xã hội. Từng làm cố vấn cho nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ) GS Phạm Thiều còn rất thân với một thứ dữ. Đó là Huỳnh Phú Sổ (HPS), Giáo chủ Đạo Hòa Hảo sau này. Giáo chủ HPS từng là Ủy viên đặc biệt trong Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ và GS Phạm Thiều là ủy viên thông tin tuyên truyền. Đầu thập niên 40, HPS rất mê văn thơ của GS Thiều. Nhiều lần ăn ngủ tại chỗ GS. Đêm ấy thày Thiều thức giấc đột nhiên thấy trên đầu HPS có… vầng hào quang! Sáng hôm sau thày hỏi, HPS cười, có chi lạ, trước khi ngủ bao giờ mình cũng rắc lên chút bột Chlorate de Potasse!

Đó là bí quyết để gây nên cái uy cùng cái tiếng cho vị đại giáo chủ sau này!

Năm 1960, Hồ Chủ tịch ký quyết định cử GS Phạm Thiều (độc đáo là bao lâu nay đã mặc định cùng mặc nhiên cái tên GS Phạm Thiều đã quen gọi, quen dùng trong các văn bản hành chính từ thấp đến cao!) đi làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền kiêm hai nước Tiệp và Hunggari.

(Có một chút thở dài tiếc nuối của tác giả Cao Tự Thanh là những ghi chép của vị Đại sứ Lưỡng quốc này đang lưu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hiện vẫn chưa được giải mật? Thêm nữa, không biết lý do gì hồi ức của GS Phạm Thiều có đoạn ông em rể đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo - em gái GS là Phạm Thị Nhiệm - có gửi cho GS một bức thư. Trong sách này không thấy trưng bức chụp bức thư ấy? Có lẽ phải hỏi lại Cao Tự Thanh?).

Hết nhiệm kỳ đại sứ 1964, ông về nước. Những năm tháng sơ tán và cuộc sống gian nan vẫn cùng các đồng nghiệp và học trò đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm nhiều nơi. Công rất lớn của GS năm 1965 đã mở được lớp đại học Hán văn của Viện Văn học. Cùng các GS Cao Xuân Huy và nhiều nhà Hán học đào tạo được nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng. Rồi GS cũng là một yếu nhân của việc thành lập Ban Hán Nôm, tiền thân của Viện Hán Nôm sau này.

Lần về hưu lần thứ nhất, GS Phạm Thiều lại hành phương Nam nối thêm sở trường hiếu cổ cùng cái nghiệp nghiên cứu Hán Nôm.

Năm 1976, đang học dở năm thứ 3 Hán Nôm, tác giả cuốn sách này nổi hứng bỏ học mò vào Thư viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh xin việc. Và lần đầu trong đời gặp đúng GS Phạm Thiều! Ngạc nhiên lại biết thêm GS là người xứ Nghệ! Thế mà hồi học ở Khoa Hán Nôm ĐHTH, Cao Tự Thanh cứ nghĩ cụm những GS Trần Văn Giàu, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh là người Nam Kỳ? Sau khi hỏi han vài câu, GS đưa ra một quyển sách nghiên cứu Truyện Kiều bằng chữ Trung Quốc, chỉ vào một bài thơ Đường luật thất ngôn bảo Cao Tự Thanh dịch. Dịch thì ngon nhưng hỏi đến một điển thì tắc. GS ân cần thẳng thắn Chữ Hán như của anh thì bảo biết cũng được mà nói là không biết cũng được…

Xấu hổ, Cao Tự Thanh quay ra Bắc học tiếp. Sau khi tốt nghiệp lại vào đúng chỗ GS Phạm Thiều.

Như gặp cái duyên lành, thày trò đã có khoảng thời gian sum vầy học thuật khá là tương đắc. Cuốn sách, công trình nghiên cứu chung của Cao Tự Thanh với GS Phạm Thiều về Thủ khoa Huân có lẽ là thành tựu bước đầu. Và nhiều lắm những sự bảo ban gợi ý về sau nữa để Cao Tự Thanh chững chạc dần trong học nghiệp.

Và không thể không trưng ra đây vài chi tiết của cái thời bao cấp bi thương mà GS Phạm Thiều là nạn nhân. Chút ít tiền bạc gửi tiết kiệm ông dành dụm được suốt mấy mươi năm ở miền Bắc đã bị mất trắng qua mấy lần đổi tiền. Lần hai thày trò đi Hội nghị Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre năm 1982. Cơm hội nghị dọn ra, GS Phạm Thiều thở dài chỉ vào đĩa tôm rim mặn nói với Cao Tự Thanh “Tao mà được ăn mỗi bữa nửa con tôm này chắc sẽ sống thêm được vài năm”.

Được rành thêm một thứ… dữ ảnh 2
Được rành thêm một thứ… dữ ảnh 3
Bút tích nguyên TBT Nguyễn Văn Linh

Một ngày đầu tháng 8 năm 1982. GS Phạm Thiều nhận được cái thơ. Thơ của ông Bí thơ Thành ủy Nguyễn Văn Linh.

Kính cụ Tư. Mới nghe một tin giật gân đồng chí Tư Thiều được mời đi dự Đại hội Đảng lần thứ V phải vay người ta 200 đ tiền đi đường!

Vậy tài vụ Thành ủy xin được trích quỹ lấy ra.

- 200 đồng gửi cụ để trả nợ

- Thêm 300 đồng kính gửi cụ ông và cụ bà tiền tiêu vặt.

Chúc hai cụ sống lâu 100 tuổi

Thân ái. Mười

Nhưng việc có lẽ không thành? Nên ông Bí thơ Thành ủy lại phải có thơ lần nữa cho Cụ Phạm.

Anh Tư kính. Đọc thư anh rất cảm động và phục tấm lòng anh quá!

Nhưng anh Tư ạ, tôi rất mong anh nhận món tiền này cho vì quỹ đã xuất rồi không được quyền thu về. Hơn nữa anh nhận một món tiền nhỏ này không có gì là quá đáng đâu. Chẳng ai so bì gì đâu. Mong anh đừng ái ngại gì cả. Thành ủy sẽ cố gắng lo các trường hợp các đồng chí khác nữa. Xin anh an tâm.

Bài thơ trường thiên yết hậu hay lắm. Nhưng rằng hay thì thật là hay. Đọc lên thấy đắng thấy cay lắm à!

Chúc anh chị mạnh vui!

Mười

Phía dưới có thêm mấy dòng chữ nhỏ.

Má bầy trẻ nói cụ Phạm đẩy xe chở cám gian nan lắm. Nghe mà thương quá. Nhưng biết làm sao bây giờ!

Cũng phải biên, trích ra đây những dòng nhận xét mà như cảm thán của Cao Tự Thanh về cái đoạn bi thương khốn khó mà những học giả danh tiếng như GS Phạm Thiều đã phải trải. Tài cao đức trọng công dày bể dâu phận mỏng. Sử cũ mực nhòe giấy ẩm nghiên bút tình đau!

Trong phong cách học nghiệp, có lẽ GS Phạm Thiều không có nét trầm hùng như GS Cao Xuân Huy, không có nét nhã hùng như GS Đặng Thai Mai, không có nét hào hùng như GS Trần Huy Liệu, không có nét kiêu hùng như GS Văn Tân… Sự đánh giá nhìn nhận khách quan cùng cái công tỷ mẩn thâu lượm của tác giả Cao Tự Thanh trong cuốn sách này đã rộng mở thêm kiến văn cho độc giả về GS Phạm Thiều. Về cái tài cùng lòng nhân hậu, tiết tháo mà người phương Nam yêu quý cảm phục vẫn thường kêu bằng cụm từ thân thương, thứ dữ vậy!

MỚI - NÓNG