Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày này, khi đi qua các đồng lúa ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) rất dễ thấy cảnh người dân cặm cụi đi săn ốc bươu vàng để chuẩn bị vụ mùa mới. Việc bắt ốc không những bảo vệ mùa màng mà còn tăng thu nhập cho người dân.

Đi đôi ủng, cầm xô nhựa, ông Vũ Khắc Hàn (80 tuổi, trú xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu) ra cánh đồng gần nhà, men theo bờ ruộng bắt ốc bươu vàng. Đến đám ruộng nước trong, dày đặc ốc bươu vàng, ông Hàn bước xuống, thoăn thoắt nhặt ốc cho vào xô đựng.

Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng ảnh 1

Nông dân Quỳnh Lưu lội ruộng bắt ốc bươu vàng

Ruộng đồng ngập nước, cỏ mọc um tùm là môi trường thích hợp cho ốc bươu vàng sinh trưởng. Sau khi được cày bừa sạch hết cỏ, ốc lộ ra trên mặt ruộng dễ bắt. “Thời điểm này, ốc bươu vàng rất nhiều, chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ là có thể bắt được 15 - 20kg”, ông Hàn cho biết.

Theo ông Hàn, ốc bươu vàng từ lâu được xem là loài ngoại lai gây hại bậc nhất đối với nông nghiệp, lại không có giá trị kinh tế nên người dân chủ yếu bắt về cho gà, vịt ăn.

Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng ảnh 2
Ông Hàn lội ruộng bắt ốc bươu vàng

Tuy nhiên, gần đây, loài vật gây hại này được một số thương lái thu mua nên bắt ốc bươu vàng trở thành nghề phụ mới, giúp bà con có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

“Ốc được thương lái mua với giá 2.000 – 2.500 đồng/kg đối với ốc còn vỏ và 20.000 - 30.000 đồng/kg với ốc thịt. Phần lớn bà con chỉ bán ốc còn vỏ, bởi tính tiện lợi nhanh gọn”, ông Hàn chia sẻ.

Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng ảnh 3

Một buổi sáng, ông Hàn bắt được 20kg ốc bươu vàng

Bà Nguyễn Thị Hiền (56 tuổi, trú xã Quỳnh Hưng) cho biết, mấy ngày qua cả làng rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng. Nếu chịu khó, một ngày có thể bắt được 40 - 50kg ốc, có hôm bắt được lên đến 100kg. Tranh thủ thời gian ra ruộng bắt ốc, vừa để sạch ruộng lại có thêm thu nhập.

“Trung bình một ngày tôi bắt được 60kg, bán ra được hơn 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, công việc này suốt ngày phải cúi khom người để nhặt ốc nên rất dễ bị đau lưng. Lội nhiều trong bùn nên tối về chân, tay thường bị tê và nhức mỏi”, bà Hiền chia sẻ.

Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng ảnh 4

Bà Hiền chia sẻ, công việc suốt ngày phải cúi khom người để nhặt ốc nên rất dễ bị đau lưng

Bà con có thể đi bắt ốc vào buổi sáng sớm, chiều mát hoặc tranh thủ những khi nhàn rỗi. Mỗi ngày cũng có thể kiếm được vài chục đến vài trăm ngàn để đi chợ. Đồ nghề “săn ốc” cũng rất đơn giản, chỉ cần một đôi ủng lội bùn và một chiếc xô để đựng thành quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiên trì làm được vì công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và chịu lội nước suốt nhiều giờ đồng hồ.

Được lợi kép, nông dân lội ruộng săn ốc bươu vàng ảnh 5

Việc bắt ốc không những bảo vệ mùa màng mà còn tăng thu nhập cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một thương lái thu mua ốc bươu vàng tại huyện Quỳnh Lưu cho biết, anh thu gom ốc rồi bán ra để làm thức ăn chăn nuôi thủy sản, tôm, cua… “Sắp vào vụ xuống giống lúa mới nên rất nhiều người đi bắt để có thêm thu nhập vừa là dọn ruộng luôn. Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã thu mua được 8 tạ ốc để bán cho các đầu mối nuôi trồng thủy sản. Việc thu gom ốc bươu vàng được cả đôi đường, người dân vừa có thêm thu nhập vừa góp phần bảo vệ mùa màng khỏi bị ốc bươu vàng phá hại”, anh Sơn cho hay.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.