Dùng nhiều cán bộ chỉ có bằng tại chức là không tốt

Dùng nhiều cán bộ chỉ có bằng tại chức là không tốt
TP - “Khảo sát ở nhiều địa phương, tôi thấy có xu hướng sử dụng nhiều cán bộ bằng tại chức. Điều này không tốt cho bộ máy quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, nói.

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ:

Dùng nhiều cán bộ chỉ có bằng tại chức là không tốt

Đổi mới để Quốc hội gần dân hơn
> Sai lầm từ chủ trương có nhiều loại bằng
> Tâm sự của một giảng viên dạy tại chức

Ông Cương nói: Mới đây nhất, trong đợt thanh tra định kỳ ở cơ quan Bảo hiểm Xã hội một tỉnh phía Nam, tôi cho kiểm tra được biết 100% cán bộ quản lý cấp phòng trở lên của cơ quan này chỉ có bằng tại chức. Ở nhiều nơi cũng có xu hướng như vậy, điều mà lẽ ra chỉ phù hợp ở thời kỳ đất nước có chiến tranh. Nhưng rất tiếc những trường hợp bằng tại chức này đều rơi vào cán bộ trẻ, lớn lên khi đất nước đã hoà bình.

Ông chia sẻ điều này có nghĩa ông gián tiếp ủng hộ Đà Nẵng, địa phương đầu tiên và cũng là duy nhất không chấp nhận người có bằng tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước?

Tôi nghĩ nên như thế, bộ máy quản lý nhà nước mới mạnh, mới chuyên nghiệp được. Đành rằng đạo đức cán bộ là cực kỳ quan trọng nhưng muốn hay không thì người cán bộ ấy phải có trình độ thực sự mới có thể gánh vác được công việc.

Hơn nữa, về nguyên lý, anh làm ở cơ quan quản lý nhà nước tức là anh có đối tượng chịu sự quản lý. Nếu cơ quan quản lý không giỏi hơn đối tượng quản lý thì điều đó chẳng những không thúc đẩy mà còn triệt tiêu sự phát triển. Xét cho cùng thì nhiệm vụ của công tác quản lý là tạo động lực cho phát triển.

Ông giải thích như thế nào về hiện tượng nhiều cơ quan nhà nước có xu hướng sử dụng cán bộ có bằng tại chức như ông vừa nói?

"Có nhiều ý kiến cho rằng, phải hạn chế quyền năng của người đứng đầu một cơ quan trước khi nghỉ hưu trong việc ký bổ nhiệm các chức danh dưới quyền để tránh tiêu cực, nhưng điều này là không thể cả về lý luận lẫn thực tiễn. Pháp luật không có quy định nào như vậy. Một ngày còn đương nhiệm thì họ vẫn còn đầy đủ quyền hạn và chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định của mình” - Ông Nguyễn Sỹ Cương

Có nhiều nguyên nhân làm cho chất xám nằm ngoài khối cơ quan nhà nước, trong đó có cơ chế sử dụng và ưu đãi không tốt khiến người có năng lực không được trọng dụng, họ bỏ ra ngoài làm. Nhưng đặc biệt hiện nay chính là khâu tuyển dụng.

Có địa phương, khi chúng tôi thanh tra việc tuyển công chức, phát hiện khá nhiều trường hợp sai sót trong khâu chấm thi. Tinh thần của thi công chức là rất đúng đắn, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi người thi thố nhưng chỉ cần cán bộ chấm thi, hội đồng chấm thi thiếu trách nhiệm là dễ dẫn đến tiêu cực.

Khi việc tuyển dụng không minh bạch thì chất lượng công chức bị ảnh hưởng. Một thực tế nữa là hiện tượng lãnh đạo cơ quan nhận nhiều con em họ hàng ,thân hữu vào làm việc. Trình độ ban đầu của những “nhân viên đặc biệt” này thường có khi là trung cấp, cao đẳng gì đó, sau dần dần họ sẽ được theo học lớp đại học tại chức để giữ chân trong cơ quan nhà nước. Hiệu quả công việc của những cán bộ công chức dạng này thường rất kém.

Ông từng nói chúng ta đang làm ngược với thế giới về việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng công chức. Vậy cụ thể “làm ngược” ở đây là gì ?

Thường với mỗi một lĩnh vực quản lý, người ta đều xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức với những vị trí công việc rất cụ thể. Sau đó, họ mới đi tìm người phù hợp tiêu chuẩn đặt vào vị trí đó. Tức là vị trí có trước, con người có sau.

Thế giới người ta làm việc này từ lâu rồi. Còn ở ta nay mới đang xây dựng vị trí việc làm, miêu tả chức năng nhiệm vụ của từng cán bộ công chức. Nhiều trường hợp chỉ là hợp thức hoá công việc mà cán bộ đang làm, chứ chưa chắc thực tiễn hoạt động của cơ quan nhà nước cần đến vị trí của công chức đó.

Cảm ơn ông.

Có nhiều ý kiến cho rằng, phải hạn chế quyền năng của người đứng đầu một cơ quan trước khi nghỉ hưu trong việc ký bổ nhiệm các chức danh dưới quyền để tránh tiêu cực, nhưng điều này là không thể cả về lý luận lẫn thực tiễn. Pháp luật không có quy định nào như vậy. Một ngày còn đương nhiệm thì họ vẫn còn đầy đủ quyền hạn và chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định của mình”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG