Dùng máy phát điện sai cách, nguy cơ mất mạng không hay biết

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, máy phát điện không nguy hại đến sức khỏe nếu sử dụng đúng cách, đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đa số các trường hợp gặp nạn khi dùng máy phát điện là do bị ngạt khí CO2 do để máy trong phòng kín.

Máy phát điện thải ra khí độc hại

Ngày 24/7 tại Bình Dương đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, gia đình 6 người tử vong do bị ngạt vì sử dụng máy phát điện trong phòng kín. Sự việc xảy ra tại tiệm tóc trên đường DJ15, thuộc phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Các nạn nhân được xác định là người trong một gia đình, gồm 2 vợ chồng 3 con nhỏ và 1 người cháu.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, đêm ngày 23/7, tại khu vực hiện trường có xảy ra mưa lớn và mất điện, gia đình có sử dụng máy phát điện. Hiện trường vụ chết người là căn nhà ống trên nền đất diện tích khoảng 150m2. Phía trước căn nhà được sử dụng làm tiệm tóc. Cửa căn nhà này có 2 lớp, bên ngoài là cửa sắt, còn ở bên trong là cửa kính. Bên hông nhà bịt kín, không có cửa sổ.

Đây không phải là vụ tai nạn tử vong đầu tiên do ngạt khí vì sử dụng máy phát điện. Trước đây đã có rất nhiều trường hợp vì sử dụng máy phát điện trong phòng kín dẫn đến ngạt khí và tử vong.

TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Thiết bị điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, máy phát điện chạy bằng xăng hoặc bằng dầu chứa rất nhiều loại khí độc hại như CO và CO2. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra ngạt khí có thể dẫn đến tử vong.

Máy phát điện thải ra rất nhiều khí CO2, CO để đốt cháy khí oxy. Khi đốt khí oxy quá nhiều thì khí CO2 và CO sẽ tăng cao trong môi trường. Khi con người hít khí CO nó sẽ liên kết hemoglobin (Hb) trong hồng cầu không cho máu chở khí oxy đi tới những tế bào.

Dùng máy phát điện sai cách, nguy cơ mất mạng không hay biết ảnh 1
Chiếc máy phát điện hoạt động trong ngôi nhà đóng kín khiến 6 người tử vong ở Bình Dương hôm 24/7.

Nếu khí CO2 quá cao với mức quy định, chúng sẽ gây ngạt thở khiến nạn nhân đi vào hôn mê và tử vong. Khí CO2 không có màu, không vị, không mùi nên rất khó nhận biết được người có ngộ độc hay không.

Hiện tượng rõ nhất khi người bị ngộ độc là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, khó thở, mờ mắt, lú lẫn. Trong trường hợp này, ngạt khí CO, CO2 được gọi là "cái chết không báo trước" vì nạn nhân không thể có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài.

Đặc biệt, trong môi trường kín thiếu không khí, khí CO ngăn cản quá trình vận chuyển oxy lên não, gây tổn hại hệ thần kinh, tim mạch của nạn nhân. Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy lâu nhẹ có thể ảnh hưởng đến tri giác do não bị tổn thương, nặng hơn sẽ dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.

Biểu hiện của ngạt khí CO lúc đầu nạn nhân có biểu hiện đau đầu, sau đó buồn nôn, choáng váng, khó thở, mệt mỏi, ngất, cuối cùng là mất ý thức.

Khuyến cáo đưa ra, theo TS. Trần Văn Thịnh, khi sử dụng máy phát điện hãy đặt ở nơi thoáng khí. Tuyệt đối không để trong phòng kín, phòng nhỏ chật hẹp. Khi phát hiện các nạn nhân bị ngạt khí, cần nhanh chóng mở các cửa để không khí tràn vào, nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi nơi có khí độc, nếu người bệnh thở yếu hoặc bất tỉnh cần phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

Tránh để máy trong nhà xe, tầng hầm, gầm sàn, công trình khép kín hoặc khép kín một phần (kể cả có hệ thống thông gió) máy phát điện thải ra CO2 – một loại khí có thể gây chết người. Chế độ sử dụng tốt nhất là 80% công suất định mức. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh tay ga vì có thể làm thay đổi tần số và điện phát ra.


TS Trần Văn Thịnh

Chọn mua máy phát điện đúng cách

Khi mua máy phát điện, để xác định đúng công suất máy cần sử dụng thì phải tính toán sơ bộ những thiết bị sẽ sử dụng nếu mất điện. Tốt nhất là chỉ sử dụng các thiết bị điện rất thiết yếu như bóng điện, tủ lạnh, tivi. Không sử dụng máy giặt, bình nóng lạnh, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ… khi chạy điện bằng máy phát. Tính tổng công suất của các thiết bị thiết yếu này thì sẽ ra lượng điện năng cần thiết phải tiêu thụ, từ đó lựa chọn được chiếc máy phát điện phù hợp.

Đối với một hộ gia đình bình thường, phù hợp nhất là lựa chọn máy có công suất từ 1 – 1,5W. Cũng có thể mua máy phát điện công suất lớn hơn đề phòng trường hợp nhu cầu sử dụng có phát sinh, tuy nhiên máy phát điện có công suất càng lớn thì càng ồn, nhiên liệu tiêu thụ càng lớn. Hơn nữa đa phần khoảng thời gian mất điện không phải là nhiều, việc sử dụng máy phát điện như một giải pháp thay thế nên không cần thiết phải có công suất quá lớn.

Tốt nhất để tránh ồn là nên để máy phát điện ở tầng thượng có mái che, thoáng để tránh tình trạng khói và tiếng ồn gây ra khó chịu cho các thành viên trong gia đình. Tốt nhất là mua máy của các hãng sản xuất có uy tín trên thị trường, tránh vì ham rẻ mà mua những loại máy không đảm bảo, tiếng ồn lớn và mức tiêu thụ nhiên liệu cao.

Khi vận hành, máy phát điện phải được đặt ở vị trí thoáng, không ẩm ướt. Không đặt máy trong nhà khi vận hành nhằm tránh bị ngộ độc khí thải. Khi lắp đặt máy, nên nối các thiết bị cần sử dụng trực tiếp với nguồn điện của máy phát. Vì như vậy, có thể hạn chế được lượng tải sử dụng không vượt quá công suất của máy, tránh hiện tượng bị quá tải dẫn đến cháy đầu phát điện.

Đồng thời, nhất thiết phải lắp thêm cầu dao đảo nguồn điện hay tủ chuyển nguồn tự động (ATS), tránh cho máy bị "xông điện" khi điện lưới có trở lại đột ngột. Muốn máy chạy êm, tiếng ồn nhỏ, không có khói, nên chọn máy dùng động cơ 4 thì chạy xăng. Máy phát điện dùng động cơ 2 thì có tiếng nổ to hơn và có khói nhiều hơn khi khởi động máy.

Về nhiên liệu xăng, dầu sử dụng cho máy phát điện, đây là loại nhiên liệu dễ cháy nên phải cất giữ cẩn trọng, tránh gây cháy. Trước khi tiếp nhiên liệu cần tắt máy, vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể gây cháy. Chỉ sử dụng loại nhiên liệu được khuyên dùng theo hướng dẫn sử dụng máy phát điện hoặc được ghi trên nhãn máy. Một hai tuần nên khởi động lại máy từ 5 - 10 phút dù không sử dụng thường xuyên.

Người sử dụng nên kiểm tra mức dầu máy dùng bôi trơn, và nước làm mát sau 50 đến 100 giờ chạy máy đầu tiên. Cùng với đó, kiểm tra sự rò rỉ dầu máy và nguyên liệu, độ căng dây đai quạt gió, thay mới dầu máy và vệ sinh bộ lọc dầu máy. Sau 500 giờ chạy máy, người sử dụng nên kiểm tra và vệ sinh sạch hệ thống làm mát, thay mới dầu máy và vệ sinh thay mới bộ lọc dầu máy. Nắp xăng phải được đậy kín, cần trang bị phòng chống cháy nổ. Không được để xăng dự phòng gần nơi có người qua lại và gần nơi có nguy cơ cháy nổ.


Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/tranh-mat-mang-khi-dung-may-phat-dien-16922072507233662.html

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
MỚI - NÓNG