> Lập website tra cứu cấp giấy chứng nhận nhà đất
> Nhà nước phải tiết kiệm để phục vụ dân
KTS Trần Thanh Vân. Ảnh: P.N. |
KTS Trần Thanh Vân nói: Tôi hơi giật mình khi nghe tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây trụ sở ngành mình với số tiền đầu tư lên tới 12 nghìn tỷ đồng.
Đó là số tiền quá lớn. Kinh tế đất nước đang khó khăn, không hiểu sao Bộ Giao thông lại có thể dùng số tiền khổng lồ như thế để xây trụ sở?
Tôi không nghĩ rằng trong bối cảnh này Bộ Giao thông lại kiếm được 12 nghìn tỷ đồng để xây trụ sở và chắc họ cũng biết như vậy. Nhưng Bộ Giao thông có thể xin được diện tích đất xây trụ sở tương ứng với 12 nghìn tỷ đồng đó?
Theo bà trụ sở làm việc của các cơ quan công quyền có nhất thiết phải quá to lớn, hoành tráng không?
Tôi đã nghiên cứu kỹ thủ đô Washington DC của Mỹ. Thủ đô của một cường quốc lớn nhất thế giới, nhưng trụ sở của các cơ quan công quyền không hề to lớn hoành tráng mà hết sức hài hòa, thân thiện.
Kiến trúc của Washington DC mang đậm tính phong thủy nằm bên dòng sông Potomac. Xây trụ sở công quyền, đừng mắc bệnh thích hoành tráng. Tôi nghĩ không cần thiết, và không nên thể hiện uy quyền qua việc xây trụ sở to lớn, hoành tráng.
Về mặt kiến trúc, bà nhận xét gì về trụ sở của một số bộ ngành vừa mới được xây dựng, nó có thể hiện được công năng của một nền hành chính phục vụ?
Cảm nhận chung của tôi là to lớn, hoành tráng, nhưng lại thiếu sự hài hòa với cảnh quan xung quanh, thiếu bản sắc và không gần dân.
Một trụ sở của cơ quan công quyền dĩ nhiên phải thể hiện được tính uy nghiêm của nhà nước, nhưng mặt khác phải làm sao tạo những điều kiện thuận lợi để thực hiện công năng cả một nền hành chính phục vụ.
Không phải cứ to lớn là thực hiện tốt công năng. Hầu hết các tòa thị chính ở Bắc Âu đều không to lớn nhưng họ làm tốt công năng của mình.
Bây giờ thời đại của công nghệ thông tin và Chính phủ cũng đang cải cách hành chính, những việc họp hành giao dịch đều có thể thực hiện qua mạng, không nhất thiết cứ phải trụ sở to lớn làm gì.
Điều quan trọng nữa là trụ sở phải thể hiện được sự thân thiện với người dân, chứ đừng làm cho người ta có cảm giác choáng ngợp, sợ hãi theo kiểu vào cửa quan như ngày xưa.
Bà có cho rằng nên tập trung tất cả các bộ ngành ở thủ đô vào một trung tâm hành chính?
Tôi nghĩ nên như vậy, tất cả tập trung vào một trung tâm sẽ tiết kiệm được tiền ngân sách, tiết kiệm đất, tiện lợi cho người dân và cả cơ quan công quyền. Tôi đã kiến nghị Trung tâm hành chính của Thủ đô phải được xây dựng ở tây hồ Tây.
Sử sách đã nhiều lần chứng tỏ Trung tâm Thăng Long thời Lý, Trần, Lê là ở hồ Tây khi các phường quanh hồ Tây xưa là các đơn vị hành chính cấp cơ sở của Kinh thành như Thụy Chương, Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Nhật Chiêu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Hoa,...trong đó phường Nhật Chiêu ( nay gọi là phường Nhật Tân quận Tây Hồ ) là nơi quân lính bảo vệ Kinh thành đồn trú.
Nay Thủ đô ta mở rộng theo cấu trúc “Tựa núi nhìn sông và Rồng cuộn hổ chầu” nên vì lợi ích dài lâu sống còn của đất nước, não thủy hồ Tây cần phải trở lại vai trò Trung tâm của Thủ đô.
Chúng ta không được để cho người nước ngoài đầu tư xây dựng khu đô thị mới gồm Trung tâm thương mại, ngân hàng, Trung tâm tài chính, khách sạn, biệt thự (cho dù ai ở cũng không được ).
Nơi đây phải là Trung tâm hành chính quốc gia và các hoạt động công cộng như xây Trung tâm đào tạo nhân tài Đất Việt hoặc Viện Hàn Lâm khoa học (cho trí tuệ thăng hoa, cho người tài xuất hiện ), nơi này rất gần Ba Đình, thuận lợi cho mọi hoạt động Nhà nước..
Bây giờ nếu xây trung tâm hành chính ở khu vực tây hồ Tây có được không?
Tôi được biết quỹ đất khu vực này đã được chia lẻ ra để xây các khu đô thị, trong đó có đất dành cho nhà đầu tư Hàn Quốc. Bây giờ quả là quá khó để tìm quỹ đất phù hợp xây dựng trung tâm hành chính của Thủ đô.
Xin cảm ơn bà.
Phùng Nguyên