Môi trường sống đe dọa
Theo báo cáo của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, hơn 5.200 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên, hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Dù có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là nơi khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tình trạng di cư tự phát chưa giải quyết được; một số hủ tục lạc hậu, tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn bán người qua biên giới... diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự. Để giải quyết thực trạng đó, Chính phủ xây dựng đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, vấn đề đồng bào dân tộc luôn gắn với tôn giáo, cần phải chú ý đến vấn đề này. Cùng với đó, hiện nay, vẫn chưa nhìn nhận rõ về vấn đề tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Việt nêu thực trạng, không gian sống của đồng bào bị thu hẹp, không đảm bảo, đời sống gặp nhiều khó khăn, chưa được chú trọng nghiên cứu, giáo dục lịch sử dân tộc. “Theo tôi, phải bổ sung quan điểm tôn trọng, bảo đảm không gian sống, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được sống trong không gian sống của mình, được sống từ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc”, ông Việt nói. Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cùng với chiến lược phát triển kinh tế, cần phải có những giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững. Khi văn hóa dân tộc được bảo tồn sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, nhiều đại biểu chỉ rõ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thường phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai, phá rừng, biến đổi khí hậu khiến tỷ lệ nghèo còn cao, tái nghèo nhiều, cơ sở vật chất kém phát triển.
Lo cho người nghèo kiểu đối phó
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, hiện nay, nhiều dự án hỗ trợ cho đồng bào thiểu số hiệu quả chưa cao, chính sách thì “bội thực” nhưng thiếu nguồn lực thực hiện. Vì vậy, phải phân định rõ ràng những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào trợ giúp đồng bào, tránh tình trạng nhiều chính sách không có hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp vì các hộ nghèo không có tiền để đóng góp. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, tránh lo cho người nghèo, đồng bào thiểu số theo kiểu đối phó, như có trường hợp nước sạch đến tận nơi nhưng người dân không tiếp cận được.
Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) nêu ví dụ, theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ, học sinh dân tộc thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện sẽ được hỗ trợ gạo để đảm bảo duy trì việc học tập. Thực tế, chỉ có một số học sinh gia đình không có đất trồng lúa cần cấp gạo để sử dụng, một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho việc trồng lúa nên gạo các em nhận sau đó lại sử dụng vào mục đích khác làm mất đi ý nghĩa của chính sách này.
Bà Bình đề nghị ban hành chính sách phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, nên giao tự chủ cho các địa phương. Bà Bình cũng đề nghị rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho đề án đúng theo quy định, không để xảy ra trường hợp chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện để chính sách dân tộc lại một lần nữa được ví như “một loại quả đẹp mà không ăn được”. “Bên cạnh việc quan tâm đến việc bảo đảm đất ở, tạo sinh kế cho đồng bào, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu chúng ta đã tập trung đầu tư để tạo ra được những cái cần câu tốt, tạo ra được cả những hồ câu tốt nhưng người cầm cần lại không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó có thể thành công được”, bà Bình nói thêm.
Giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cho rằng, ưu tiên của đề án là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, phát triển nâng cao nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Theo ông Chiến, đề án cũng sẽ tăng cường đào tạo nghề theo hướng cầm tay chỉ việc, để thực hành được ngay, không nhất thiết phải cần bằng cấp, chứng chỉ. “Không có kinh tế thì chúng ta dần làm sẽ có kinh tế, nhưng nếu để con em chúng ta không học hành đến nơi đến chốn thì ảnh hưởng cả một thế hệ”, ông Chiến nói.