Dừng hay tiếp tục dự án thủy điện Rào Trăng 3?

Qua thực địa của cơ quan chức năng, khả năng tiếp diễn sạt lở quanh khu vực dự án Rào Trăng 3 là rất lớn
Qua thực địa của cơ quan chức năng, khả năng tiếp diễn sạt lở quanh khu vực dự án Rào Trăng 3 là rất lớn
TP - Rào Trăng 3 là dự án thủy điện từng xảy ra nhiều thiệt hại về người gắn với yếu tố thiên tai. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng tại đây để khắc phục hậu quả. Là khu vực nguy hiểm về sạt trượt, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu có tiếp tục triển khai hay dừng hẳn dự án Rào Trăng 3?

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ tại tỉnh này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư, có 4 thủy điện (trong đó có dự án Rào Trăng 3) được định vị tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền thuộc 2 huyện Phong Điền và A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Bốn thủy điện được bố trí xây dựng trên một đoạn sông dài khoảng 30km thuộc thượng nguồn sông Bồ, theo dạng bậc thang. Trong vòng 5 năm trở lại đây, 4 thủy điện thuộc Khu BTTN Phong Điền được triển khai xây dựng.

Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn (trụ sở tại Quảng Bình) được cấp phép xây dựng thuỷ điện Rào Trăng 3 vào năm 2008. Sau một thời gian triển khai thi công, công trình thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn thành hơn 95% các hạng mục xây dựng. Trước khi xảy ra vụ sạt lở thảm khốc, các dự án thủy điện bậc thang trong Khu BTTN Phong Điền (trong đó có Rào Trăng 3) từng nhận được cảnh báo về những tác động tiêu cực liên quan môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và nguy cơ cao về sạt trượt đất, lở núi.

Để làm 4 dự án thủy điện trong Khu BTTN Phong Điền, hơn 100ha rừng (phần lớn là rừng nghèo) buộc phải chuyển đổi mục đích. Trong các năm 2016 và 2017, đã có hơn 63ha rừng bị chặt hạ. Chỉ tính riêng việc xây dựng 2 dự án thủy điện A Lin B2 và Rào Trăng 3, Khu BTTN Phong Điền đã mất gần 30ha rừng tự nhiên.

Còn theo thông tin từ TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, vào năm 2019, đơn vị từng tiến hành điều tra và cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực Rào Trăng. Giữa năm 2020, trước khi xảy ra trượt đất ở Rào Trăng 3, cảnh báo của TS Hòa cùng các đồng sự đã được chuyển cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên - Huế.

Dừng hay tiếp tục?

Đầu tháng 11/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định (ông Định nay là Bí thư Thành ủy Huế - PV) ban hành công văn về việc khắc phục hậu quả, kiểm tra, đánh giá sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình; phối hợp đơn vị chức năng để tìm kiếm người mất tích; thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn. Các Sở Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải triển khai các công việc kiểm tra, giám định sự cố.

Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế phải có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3 theo đúng quy định hiện hành.

Đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên, văn bản đề nghị của Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế đã được gửi đi.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Rào Trăng 3 là dừng hẳn hay tiếp tục triển khai để hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác công trình dự án?

Liên quan vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Thiên Định nói: Qua thực địa, khả năng tiếp diễn sạt lở quanh khu vực Rào Trăng 3 là rất lớn, do đó cần đánh giá lại một cách tổng thể. Theo ông Định, việc đánh giá này bao gồm công trình đã thi công trước đó có bảo đảm an toàn để tồn tại sau khi xuất hiện sự cố sạt lở, từ đó để tiếp tục triển khai các công việc thi công khác quanh khu vực; khả năng sạt lở có thể tái diễn nếu tiếp tục thi công, hoặc khi đưa nhà máy đi vào vận hành; các giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn…

“Việc triển khai thi công tiếp chỉ được tiến hành khi các vấn đề trên được làm rõ và yếu tố an toàn được khẳng định. Để làm những công việc này, cần các chuyên gia về xây dựng, địa chất... có kinh nghiệm, do đó cần xin thêm sự hỗ trợ của Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý”, ông Phan Thiên Định nói.

Còn theo ý kiến của ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, trong thời gian tạm ngưng thi công, chủ đầu tư và cơ quan chức năng sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia, đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính an toàn về xây dựng công trình tại thủy điện này.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).