Dừng hay không dự án mỏ sắt Thạch Khê: Lo mất 1.809 tỷ đồng đầu tư

Bên trong moong mỏ là những hố nước sâu rất nguy hiểm
Bên trong moong mỏ là những hố nước sâu rất nguy hiểm
TP - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê với lý do những vấn đề về môi trường, kỹ thuật đến nay đã được giải quyết. Đặc biệt, việc dừng dự án sẽ làm mất 1.809 tỷ đồng đầu tư vào dự án.

Trong văn bản gửi đi, ông Phùng Mạnh Đắc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ mỏ cho hay, các chuyên gia thuộc Hội đã có ý kiến về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê điều chỉnh với đa số ý kiến ủng hộ việc tiếp tục triển khai dự án.

Theo ông Đắc, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ từ hàng chục năm nay. Các tổ chức tư vấn của Liên Xô cũ, Đức, Nhật.... cũng đã thực hiện tổng cộng 419 lỗ khoan/72.168 mét khoan; lỗ khoan sâu nhất lên đến 1.007 m. Còn trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư đã thăm dò bổ sung trên 11.000 m khoan địa chất công trình, địa chất thủy văn và đo địa vật lý 2 km để kiểm tra. Kết quả nghiên cứu địa chất qua nhiều thời kỳ cho phép khẳng định: các tài liệu về trữ lượng mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình là tương đối đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu -550m.

Các báo cáo khả thi chi tiết của tổ hợp gồm Tập đoàn Krupp (CHLB Đức), Genrco (Cộng hòa Nam Phi) và Mitsubishi (Nhật Bản) cho thấy, mỏ có trữ lượng 544 triệu tấn quặng sắt (375,1 triệu tấn trong biên giới khai trường đến độ sâu -550m); hàm lượng sắt rất cao, trung bình: 59,2% Fe; các tạp chất có hại hàm lượng rất nhỏ. Đây là mỏ có trữ lượng lớn, nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, đất đai khô cằn, thưa dân cư, điều kiện giao thông thuận tiện, phù hợp với việc khai thác bằng phương pháp lộ thiên, là phương pháp mà ngành khai thác mỏ trong nước có nhiều kinh nghiệm và đạt trình độ thế giới.

“Qua kinh nghiệm thực tế của các mỏ lộ thiên lớn vùng Quảng Ninh vài chục năm nay và kết quả thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ tại mỏ Thạch Khê vừa qua có thể khẳng định, phương pháp và công nghệ khai thác được lựa chọn như trên là tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường”, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ cho hay.

Ngoài đề xuất trên, đến nay chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động với môi trường. Cụ thể như với  việc hạ mực nước ngầm do ảnh hưởng của khai thác mỏ, chủ đầu tư đã đề nghị giải phóng mặt bằng, di dời dân cư ra khỏi phạm vi thuộc bán kính ảnh hưởng của hạ mực nước ngầm (khoảng 3,16 km tính từ tâm mỏ).

Nước bơm từ hệ thống giếng khoan và moong khai thác mỏ qua xử lý được tái sử dụng phục vụ sản xuất mỏ, cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp khu vực bị ảnh hưởng và các vùng lân cận của dự án. Cùng đó, sẽ xây dựng nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng và các vùng lân cận.

Với những lo ngại về thiên tai như động đất, mưa bão, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sóng thần, chủ đầu tư sẽ bố trí bãi thải lần biên để giảm độ cao và diện tích của các bãi thải trong đất liền, tăng độ ổn định bờ mỏ phía Đông (gần biển), tăng thêm quỹ đất (923 ha lấn biển). Thậm chí, các tuyến đê bao bãi thải lấn biển được thiết kế kiên cố, chịu được động đất cấp 8, với đỉnh đê cao +6,5 m; bãi thải lấn biển được thiết kế đổ thải đến cao độ +25 m tạo thành bức tường chắn vững chắc. Các giải pháp như trên là hợp lý, đảm bảo đối phó an toàn khi có hiện tượng nước biển dâng cao do bão lớn, động đất, sóng thần.  

Đặc biệt, lãnh đạo Hội Khoa học và Công nghệ mỏ cho rằng, đến nay điều đáng quan tâm nhất với dự án chính là hiệu quả kinh tế. Hội này dẫn số liệu thống kê năm 2016 Việt Nam đã phải nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn, năm 2017 nhập khẩu khoảng 11, 2 triệu tấn, và nhu cầu tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Do đó thị trường tiêu thụ quặng sắt không phải là vấn đề đối với dự án.

Dự án cũng đã được tính toán, xác định đầy đủ chi phí đầu tư và tính cả hiệu quả tài chính cho thấy thời gian hoàn vốn của dự án là 9,5 năm. Dự án đảm bảo có hiệu quả kể cả khi giá bán giảm 6% và tổng mức đầu tư tăng lên 30%. “Hiện nay, giá quặng trên thế giới dao động khoảng 65 - 70 USD/tấn.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế (WB, IME, Mackenze..) đến năm 2030 giá quặng sắt không dưới 60 USD/tấn. Như vậy hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khả thi hơn và thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn. Dự án khi hoạt động sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Hàng năm nộp ngân sách trung bình trên 1.200 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I và trên 2.400 tỷ đồng/năm trong giai đoạn II (khai thác 10 triệu tấn/năm); tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân khu vực và vùng phụ cận với tổng số 3.490 lao động”, ông Đắc cho hay.

Bộ Công Thương: Dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế

Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, mới đây Bộ Công Thương cũng có Công văn số 4304/BCT-CN về việc triển khai dự án gửi Bộ KH&ĐT. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, khẳng định tính khả thi về các giải pháp kỹ thuật công nghệ khai thác. Các giải pháp đảm bảo môi trường như xử lý nước thải mỏ, xử lý hang Karst, xử lý nguy cơ suy thoái nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hoá; các giải pháp ứng phó nước biển dâng do bão lớn, động đất, sóng thần; các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của cát bay, cát chảy và của việc đổ thải lấn biển; các giải pháp phục hồi môi trường.

Bộ Công Thương cũng cho rằng việc vận chuyển quặng sắt bằng đường bộ không gây ảnh hưởng nhiều đến các công trình giao thông và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, dự án có thị trường tiêu thụ trong nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hội KH&CN mỏ cũng thừa nhận, chắc chắn sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, công nghiệp chưa phát triển (ngoại trừ dự án Formosa) trong khi mỏ sắt Thạch Khê là mỏ quặng lớn của Việt Nam và khu vực với chất lượng quặng tốt, đủ điều kiện cho luyện kim. Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời điểm hiện nay phục vụ cho phát triển đất nước là hết sức cần thiết. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định giá rẻ cho các cơ sở luyện kim trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần quan trọng phát triển ngành thép Việt Nam, nhất là ngành chế tạo sử dụng thép chất lượng cao. 

Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét việc tái khởi động dự án sau khi thực hiện đồng bộ các ý kiến của Bộ TN&MT về tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các phương án bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.

MỚI - NÓNG