Lùi dự án mỏ sắt Thạch Khê vì thiếu vốn và công nghệ yếu

Dự án mỏ sắt Thạch Khê cần thay đổi công nghệ. Ảnh: Minh Thùy.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê cần thay đổi công nghệ. Ảnh: Minh Thùy.
TP - Sau loạt bài phản ánh của báo Tiền Phong về đề xuất tạm dừng dự án (DA) mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), Thủ tướng đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành rà soát quá trình đầu tư DA này. Các chuyên gia tham gia DA từ những ngày đầu tiên lí giải nguyên nhân khiến DA kéo dài gần 1 thập kỷ chưa khai thác.

Chủ đầu tư thiếu vốn

Dự án mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng hơn 500 triệu tấn, hàm lượng quặng giàu 60-62% được Thủ tướng đồng ý cho Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư và khai thác vào năm 2007. Khi khai thác quặng phải gắn liền với chế biến, không được xuất khẩu quặng. Một chuyên gia của Bộ KH&ĐT có mặt trong các đoàn khảo sát DA từ những ngày đầu tiên cho biết, cùng với chủ trương cho khai thác quặng, DA xây dựng nhà máy luyện kim công suất 5 triệu tấn/năm dự kiến được xây dựng tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau đó DA luyện kim này thất bại.

Sau khi được Thủ tướng đồng ý cho khai thác thử nghiệm vào năm 2009, đến năm 2011, DA phải dừng lại do ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Năm 2013, TIC thay đổi tổng mức đầu tư, xây dựng thêm phần đê lấn biển và đổ thải. Nhưng đến 2016, TIC mới hoàn thiện thiết kế cơ sở mỏ và Bộ Công thương trình lên Thủ tướng xin phép thực hiện DA.

“Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT rà soát toàn bộ DA. Sau rà soát, chúng tôi cho rằng nếu triển khai tiếp sẽ tiềm ẩn rủi ro vì chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ khả năng tiêu thụ quặng sắt, năng lực chủ đầu tư chưa mạnh, vận chuyển quặng bằng đường bộ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng người dân nên kiến nghị tạm dừng”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Đánh giá về báo cáo của TIC về năng lực, công nghệ để xin tiếp tục DA mỏ sắt Thạch Khê, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư (xin giấu tên) cho rằng, Bộ Công thương đề nghị triển khai DA và TIC phải hoàn thiện năng lực tài chính, công nghệ.

“Để hoàn thiện năng lực đầu tư của TIC rất khó. Tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng, TIC phải có gần 2.000 tỷ đồng. Nhưng vốn hiện có của TIC chỉ 1.700 tỷ đồng, còn thiếu 200-300 tỷ đồng do một số cổ đông không chịu góp vốn”, vị chuyên gia này đánh giá.

Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) sẵn sàng đóng thay các cổ đông số tiền vốn TIC còn thiếu nhưng muốn đóng cũng không phải dễ. Bởi vốn của TKV là vốn của nhà nước cần phải được Bộ Công thương cho phép. Hơn nữa, TKV muốn nộp số vốn này phải được sự đồng ý của các cổ đông còn lại.

Phần vốn vay cho DA, năm 2015, một số ngân hàng cam kết cho TIC vay nhưng đến nay cam kết này hết hạn, chưa có cam kết mới. “Vốn tự có của TIC thiếu trong khi đó vốn vay chưa có ngân hàng nào cam kết có thể nhận thấy năng lực chủ đầu tư yếu về tài chính”.

“Về mặt tài chính, môi trường, chủ đầu tư đều tính chưa đủ. Về tiêu thụ sản phẩm, mới có Tập đoàn Hoà Phát mua quặng về phối trộn nhưng lượng mua khoảng 3 triệu tấn/năm. Trong khi sản lượng mỏ 7 triệu tấn/năm, vậy số còn lại tiêu thụ ở đâu?”, đại diện Bộ KH&ĐT đánh giá.

Luyện kim bằng công nghệ Trung Quốc

Bộ Công thương đề xuất tiếp tục triển khai DA khi TIC hoàn thiện năng lực tài chính, báo cáo đánh giá tác động môi trường và tiếp tục nghiên cứu DA luyện kim công suất 2 triệu tấn. Tuy nhiên, TIC đang kiến nghị xin lùi DA nhà máy luyện kim đến sau 2020. DA này không khả thi vì xây dựng theo công nghệ Trung Quốc.

MỚI - NÓNG