Hải sâm tốt đến đâu?
Nhiều tài liệu, ngay cả tạp chí nổi tiếng của Bộ Y tế cũng nói rằng hải sâm tính ấm, tráng dương, bổ thận. Trong dân gian thì niềm tin đó được lưu truyền nhiều đời này. Nhiều người Trung Quốc kéo nhau đi thưởng thức hải sâm vì cho rằng nó là loại “kích dục tự nhiên”.
Người Việt Nam cũng coi rượu ngâm hải sâm là vị thuốc quý chữa tình trạng bất lực nam giới. Nhưng gần đây, ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam lại nhấn mạnh ý kiến trái chiều rằng: hải sâm có tính hàn, bổ âm, tốt cho phụ nữ chứ không phải bổ dương!?
Theo ông phân tích thì những loài dưới biển nếu có vảy thì thuộc dương còn không vảy thì thường thuộc âm. Để trả lời “chất vấn” vậy tại sao trong các bài thuốc tráng dương truyền đời lâu nay vẫn có thể có hải sâm, ông Hướng nhấn mạnh: Trong bài thuốc tráng dương thì luôn có khoảng 8 vị bổ dương, 2 vị bổ âm. Chính vì điều đó, hải sâm bổ âm nhưng có mặt trong bài thuốc tráng dương.
Chính vì tính âm đó nên nếu nam giới dùng nhiều thì chắc chắn phản tác dụng. Để nó có ích với đàn ông thì cần “biến” nó vào vị thuốc và bác sĩ phải căn cứ vào nguyên nhân của mỗi người mà có vị thuốc thích hợp. Cũng nên chú ý rằng quan niệm tráng dương theo nghĩa gốc là khỏe mạnh cơ thể chứ không hẳn là vấn đề tình dục. Đồng thời, hải sâm cũng không tốt cho những người bị viêm đại tràng mạn tính, bệnh nhân béo phì, kiết lỵ.
Hải sâm bổ dưỡng ở đâu?
Hải sâm được sánh với nhân sâm vì trong chúng có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt: chất đạm đến 55% trong khi chất béo chỉ khoảng 2%. Đặc biệt hải sâm có nhiều acid amin như glycine, arginine, leucine, alanine, glutamine, tauri và nhiều nguyên tố vi lượng: trong 1kg hải sâm có tới 192mg sắt, 64mg đồng nên tăng cường hồng cầu, cải thiện quá trình hấp thu ôxy, tăng cường trí nhớ.
Trong cơ thể hải sâm cũng có chất holotoxin có tác dụng chống nấm mốc kháng viêm nhiễm nên chúng giúp mau lành vết thương. Chính vì vậy những người suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh, thiếu máu… rất thích hợp khi dùng hải sâm để bồi bổ.
Hải sâm cũng là một loại nguyên liệu được kỳ vọng để chữa bệnh nan y. Gần đây, y học hiện đại đã tìm ra các thành phần chất là chondroitin và saponin có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống ung thư. Y học hiện đại đã chích thành phần này trong hải sâm để làm thuốc và họ hy vọng trong tương lai chúng đóng góp hữu ích vào cuộc chiến chống ung thư.
Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên Việt Nam (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) cũng đã nghiên cứu phát hiện ra ba hợp chất trong loài hải sâm trắng ở biển Việt Nam là holothurin A3, A4 và holothurigenin B gây ức chế tế bào ung thư gan, ung thư biểu mô và màng tử cung.
Còn nói về làm đẹp, hải sâm là một “bí quyết” để chống lão hóa. Đó là vì trong thành phần của loài “dưa chuột biển” này có chất selen (5,5-14mg/ kg) có tác dụng giải tỏa stress, khử các gốc tự do trong quá trình vận động của cơ thể người. Chính vì thế mà tin đồn đoán “ăn hải sâm hồng da, trẻ lâu” là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Hải sâm cũng có độc
Hiện nay có khoảng 1,100 loài hải sâm trên thế giới. Nhưng trong đó không phải loại nào cũng ăn được. Ở vùng biển Trung Quốc có tới 150 loài thì mới 28 loài ăn được.
Ở Việt Nam thì có khoảng 50 loài phổ biến là hải sâm đen (Holothuria vagabunda), hải sâm trắng (H.scabra), hải sâm vú (Microthele nobilis Selenka), hải sâm mít (Actinopyga echinites Jaeger), hải sâm mít xanh (Ctinopyga caerulea Samyn), hải sâm hổ phách (H. thelenota), hải sâm lựu The Lenota Ananas…Trong đó loài sản sâm trắng được đánh giá là có giá trị nhất.
Những con to, dài, da không có gai thì chất lượng kém hơn loại thịt dính, nhiều gai. Dù thuộc họ cao quý nhưng trong tổng số các loài đang sinh sống thì cũng có rất nhiều loài độc hại như hải sâm Stichopus variegates, Holothuria martensu… Những chú hải sâm này chứa độc tố lanostane là một loại chất gây ức chế enzyme cực mạnh. Vì vậy chúng có thể gây ngộ độc, tử vong nếu sử dụng.
Món bổ từ hải sâm
Vì hải sâm dưới nước, tính hàn nên khi chế biến thường kết hợp với các vị cay nóng như ớt, gừng.
Bổ huyết, hạ huyết áp: Dùng 50g hải sâm, 30g tỏi và 100g gạo nấu nhừ thành cháo để dùng vào buổi sáng sẽ giúp bổ khí huyết, hạ huyết áp.
Cơ thể suy nhược: 15g hải sâm khô ngâm nước cho mềm rồi thêm nước hàng và tiểu hồi nấu nhừ, khi ăn thì thêm mấy lát gừng nát để phục hồi sức khỏe. Hoặc cũng có thể dùng hải sâm nấu canh với thịt heo, nấm mèo dùng trong bữa cơm thường ngày để bồi bổ.