>> Kỳ 2: Gặp tác giả cuốn nhật ký 'đừng đốt' bằng tranh
Bức tranh Lê Đức Tuấn phác họa cảnh thanh bình làng quê Việt |
Đại đội trưởng Xuân Lâm
Họa sĩ Lê Đức Tuấn (ngoài cùng bên trái) và đồng đội xem lại cuốn ký họa, sau 41 năm lưu lạc. |
Lật giở từng trang ký họa, ông Tuấn chững lại ở trang 101 của cuốn sổ. Ông lặng người, ngắm nghía rất lâu. Ngồi kế bên, ông Phạm Đình Chinh, một đồng đội cũ của ông nói khẽ: "Đại đội trưởng Xuân Lâm !".
Mắt ông Tuấn đỏ hoe, giọng run run: "Cả cuốn nhật ký bằng tranh này, bức ký họa anh Lâm là tôi thích nhất. Chỉ tiếc, anh không còn nữa để hôm nay được ngắm lại mình".
Rồi ông Tuấn kể, Đại đội trường Xuân Lâm là người gốc Quảng Nam, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi làm Đại đội trưởng của đơn vị. Xuân Lâm người cao lớn, nặng chừng 80 kilogam, đẹp trai. Anh là người dẫn dắt và huấn luyện anh em trong đơn vị từ khi nhập ngũ, đóng quân đầu tiên ở Đổng Viên (Phù Đổng-Gia Lâm-HN).
"Anh Lâm tính cương trực, quyết đoán và rất hiểu tâm lý trai Hà Nội. Khi huấn luyện vô cùng nghiêm khắc, nhưng khi nghỉ ngơi cho chơi đùa xả láng", ông Chinh nhớ lại. Còn vợ Đại đội trưởng Xuân Lâm là người Nam Định, vợ chồng ông đã có hai con nhỏ.
Trong cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn, có hai bức chân dung Đại đội trưởng Lâm: Một bức ký họa ngày 23-10-1967, với dòng đề tựa "Đại đội trưởng X.Lâm, Đại đội Quyết Thắng giờ lên lớp dã ngoại"; Bức thứ hai ký họa ngày 12-12-1967, có dòng đề tựa "Đ Đ trưởng Lâm trước khi ra quân".
Theo lời Lê Đức Tuấn, chính Đại đội trưởng Xuân Lâm là người giới thiệu ông vào Đảng. Đây là một ngày cực kỳ hệ trọng đối với ông. Lật giở trang nhật ký, ngày 15-11-1967, anh viết:
"Hôm nay, ngày vinh dự nhất của mình. Hồi hộp, sung sướng, từ nay mình đã trở thành người Cộng sản. Mỗi việc làm, mỗi lời nói và tất cả đều mang ý nghĩa đó. Mình chỉ biết làm thế nào đem hết khả năng để cống hiến cho lý tưởng của Đảng, giải phóng tổ quốc, thống nhất đất nước. Mình không bao giờ để cho tình cảm yếu đuối lấn át và chế ngự tâm hồn. Luôn luôn bảo toàn danh dự của một người đảng viên- Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nhân loại. Luôn luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của cá nhân.
Rồi đây khó khăn, gian khổ còn đến với mình nhiều, phải luôn luôn giữ quyết tâm vượt qua - Nhất định mình sẽ chiến thắng.
Ngày vào Đảng 15/11/67”
Bức ký họa Đại đội trưởng Xuân Lâm |
Sau khi viên Thiếu tá người Mỹ Robert B. Simpson, nhặt được cuốn ký họa, trên số báo thứ hai, ra ngày 20-5-1968, tờ The Colombia Enquirer của Mỹ có bài viết về chuyện này.
Bài báo cũng nhận xét, bức ký họa Đại đội trưởng Xuân Lâm là thành công nhất. Nó khắc họa được tâm trạng của người đại đội trưởng trước ngày ra trận.
Ông Tuấn kể: "Biết tôi là họa sĩ, rất nhiều anh em, khi rảnh lại nhờ tôi vẽ chân dung, để làm kỷ niệm, riêng anh Lâm là tôi tự vẽ. Khi vẽ cũng không dám bảo anh ngồi yên, nên phải vẽ chớp nhoáng. Anh ấy lên lớp huấn luyện, tôi ngồi dưới vừa nghe vừa vẽ. Bức vẽ ngày 23-10-1967, tôi không đưa anh xem. Còn bức vẽ sau, chỉ còn ít ngày là chúng tôi hành quân vào Tây Nguyên, sáng đó, tôi thấy anh Lâm cứ đi ra đi vào, suy nghĩ mông lung lắm. Chớp được cái thần thái của anh lúc đó, tôi vẽ 30 phút là xong. Hôm sau tôi đưa anh xem, anh bảo "cậu vẽ được đấy, khi nào giải phóng tặng tôi".
Sau đó là những ngày hành quân dài dằng dặc, từ Kim Bôi (Hòa Bình) chạy một mạch vào Nghệ An, qua Quảng Bình rồi vào Tây Nguyên. Nhưng ngay trận đánh đầu tiên, ngày 27-3-1968, trên đỉnh Chư Tăng Ga, anh Lâm đã hi sinh. "Bây giờ dù tìm lại được cuốn ký họa, tôi cũng không thể tặng anh", ông Tuấn ngậm ngùi.
Sau ngày ra Bắc, ông Tuấn cùng đồng đội đã dò hỏi địa chỉ vợ con Đại đội trưởng Xuân Lâm nhưng bặt vô âm tín, không biết vợ con anh nơi đâu.
Lạc quan, yêu đời
Trong cuốn nhật ký, ngoài ký hoạ chân dung người lính, cuộc sống và sinh hoạt của họ, Lê Đức Tuấn ký họa khá nhiều tranh phong cảnh, phác họa cảnh yên bình làng quê Việt nơi anh đóng quân.
Một bức tranh anh ký họa giàn mướp, phía dưới đàn gà mẹ con tung tăng (ký họa ngày 1-4-1967). Ngày 6-4-1967, Lê Đức Tuấn lại ký họa Làng Đổng Viên, phác họa góc quê với những ngôi nhà ngói cũ, rêu phong, phía trước bầy gà nhỏ to kiếm ăn, có thêm chú lợn ủn ỉn. Tất cả gợi lên một làng quê yên bình, thư thái. Nó như xa lạ với tiếng bom, sự đe dọa, chết chóc.
Một nhà thơ nhìn tranh phác hoạ cảnh quê của Lê Đức Tuấn nhận xét: "Tranh của Tuấn gợi cho chúng tôi nhớ về một bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa Chúng tôi đến lớp ngày ngày/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men/ Ao làng vẫn nở hoa sen/ Bờ ao vẫn chú dễ mèn vuốt râu.../ Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu/ Vẫn vui, vẫn hát những câu rộn ràng".
Còn họa sĩ Hoàng Thư, sau khi xem tranh của Lê Đức Tuấn, phân tích: "Nhìn vào bức tranh ấy, không ai nghĩ Việt Nam đang có chiến tranh. Phải lạc quan và yêu làng quê Việt lắm, Tuấn mới khắc họa được tranh có hồn như thế".
Kỷ vật quý Mấy ngày nay, mỗi khi tôi đến căn hộ nhỏ trên tầng 5 khu tập thể (ngõ 4B-Lý Nam Đế - Hà Nội) của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn, đầy ắp tiếng cười của những người lính già, đồng đội của ông đến chia vui. Những câu chuyện một thời máu lửa lúc nào cũng thường trực, không ngớt. Hỏi ông huấn luyện, di chuyển quân liên miên thế, ông vẽ vào lúc nào?, ông bảo: "Mình là lính ra trận để đánh giặc chứ không phải là họa sĩ được cử ra chiến trường, nên tất cả đều vẽ tranh thủ. Khi thì vẽ lúc nghỉ giải lao, khi vừa huấn luyện vừa vẽ. Bức nào công phu lắm cũng chỉ ký họa 30 phút là xong". Họa sĩ Hoàng Thư, người bạn học cùng khóa 1, trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp với ông Tuấn (cũng là người tặng cuốn sổ cho Lê Đức Tuấn vẽ), cho biết: "Ngày ấy, nhiều họa sĩ ra chiến trường sáng tác (sáng tác là nhiệm vụ chính, chứ không phải chiến đấu là chính như Lê Đức Tuấn), nhưng ít người vẽ nhanh, vẽ đều và nhiều được như Tuấn. Thực sự Tuấn vẽ được như thế là rất đáng nể. Phải đam mê và có tình lắm mới vẽ được như vậy". |
(Còn nữa)
Bá Kiên
Ý kiến bạn đọc
Đào Huy Giám, Email: ...giam@yahoo.co.uk
Thưa các anh chị ở tòa soạn, tôi vẫn chăm chú và xúc động theo dõi các bài viết về chị Đặng Thùy Trâm. Nay tiếp tục chăm chú theo dõi bài viết về anh Lê Đức Tuấn, những bức tranh anh Tuấn vẽ. Chuyện kể của anh Lê Đức Tuấn có nhiều chi tiết trùng về ngày tháng, thời gian anh trai tôi, Đào Huy Hùng nhập ngũ, đi chiến trường và hy sinh. Dường như các anh ấy đã có khoảng 1 năm cùng đơn vị huấn luyện và hành quân vào chiến trường.
Tôi cho rằng có nhiều khả năng anh Tuấn và anh trai tôi Đào Huy Hùng ít nhiều biết về nhau. Tôi hiện nay đang làm nhiệm vụ, công tác ở Hà Lan, rất mong các anh chị cho tôi xin số điện thoài của anh Lê Đức Tuấn để hy vọng liên lạc với anh Tuấn tìm hiểu, may ra biết thâm về những ngày tháng anh tôi Đào Huy Hùng hành quân và chiến đấu có thể là cùng với anh Tuấn. Trân trọng cảm ơn các anh chị. Đào Huy Giám.
Lê Cường; cda_gha@yahoo.com
Ôi những con người được sinh ra từ máu và hoa. Trong chiến tranh tâm hồn người lính vẫn luôn là một thi sĩ. Những bộ đội cụ Hồ sống mãi theo thời gian. Ước gì tôi được ngắm trọn bộ tác phẩm "đừng đốt" này của L.Đ.Tuấn
Nguyễn Thanh Chương; nganhtuan@ymail.com
Vẫn đang là niềm cảm phục cho lớp trẻ hiện nay !
Tôi là một cựu chiến binh tuổi gần 70, tôi từng sống và chiến đấu gần 8 năm trên chiến trường Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Tôi rất xúc động khi xem bài báo của tác giả Bá Kiên sưu tầm kỉ vật chiến tranh về tập kí hoạ của LĐ Tuấn.
Chính điều này gây xúc động cho những cựu chiếên binh từng nhiều năm sống chiến đấu tại miền nam. Chúng tôi được an ủi, những hi sinh to lớn của thế hệ trước vẫn đang là niềm cảm phục cho lớp trẻ hiện nay.
>> Tiếp tục cập nhật...