Đến khi báo nói rõ, họa sĩ vẽ trên cuốn sổ do Hoàng Thư (Hoàng Văn Thư) tặng thì tôi khẳng định đó chính là Lê Đức Tuấn rồi. Vì Tuấn và Thư đều là bạn học cùng khoá với tôi. (Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)
Họa sĩ Trần Khánh Chương (bìa trái) chúc mừng ông Lê Đức Tuấn gặp lại cuốn ký họa chiến trường |
Từ khi xem một vài bức tranh đăng trên Tiền Phong, tôi nhận định đây là người được học vẽ bài bản. Nét bút của Tuấn khoẻ, cứng cáp.
Khoá 1, Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, chúng tôi vào trường sau hòa bình được mấy năm, nhiều thanh niên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa bắt đầu có điều kiện được học hành.
Tháng 12-1959, vào trường có hơn 100 người, chia làm bốn ban. Tuấn ở ban sơn mài, tôi ở ban gốm. Ban của Tuấn có thể kể đến một số họa sĩ như Hoàng Văn Thư (Bảo tàng Mỹ Thuật), chị Trần Duyên Hằng, người được giải quốc tế ở Bungari từ thời chống Mỹ, Đặng Nam, Nguyễn Thị Mỹ...
Khoảng tháng 6-1963, chúng tôi ra trường, phần lớn đi về các địa phương. Chỉ ít người được ở lại Hà Nội, trong đó có Tuấn, sau đó một số người nhập ngũ.
Từ chuyện của Tuấn, tôi thấy không hiểu sao, lớp khoá 1 Trường Mỹ thuật Công nghiệp chúng tôi ra chiến trường nhiều, và sau chiến tranh đều trở về.
Tuấn vào học khi 17 tuổi, hiền lành, ít nói. Ngay cả sau này khi Tuấn về công tác tại báo Quân đội cũng thế. Tuấn là người của công việc, kín đáo và ít khi nói về mình. Tôi chưa bao giờ nghe Tuấn nói mình có một cuốn ký họa như thế.
Tôi về công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam mấy chục năm nay, nhưng anh không quan tâm tới việc vào hội. Anh là người của công việc, hết sức kỷ luật. Hình như cái nghiệp làm báo (báo Tây Nguyên, và từ năm 1974 làm báo QĐND) đeo anh. Mà làm báo hàng ngày, rất mệt. Có lẽ vì thế mà sau hoà bình, Tuấn ít sáng tác.
Bức ký họa màu nước Chiến thắng của Lê Đức Tuấn |
Hôm 30-1, gặp Tuấn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chứng kiến Tuấn cùng những đồng đội, trong đó có những người được Tuấn ký họa, mở quyển nhật ký bằng tranh ra, sau hơn 40 năm lưu lạc, còn gì vui hơn thế.
Quyển sổ ký họa, lại do chính Hoàng Văn Thư tự tay đóng, tặng bạn trước ngày nhập ngũ. Mở cuốn sổ, tôi thấy rưng rưng. Phải là bạn quý lắm, mới được Thư tặng cuốn sổ như vậy. Vì thời đó, kiếm được loại giấy vẽ đó là rất quý với chúng tôi. Ở đây, ngoài giá trị về nghệ thuật, bản thân cuốn sổ còn là kết tinh của tình bạn, rất đáng trân trọng.
Cái mà tôi đánh giá cao cuốn ký hoạ này, chính là số phận của nó. Sau hơn 40 năm lưu lạc ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nay lại được chính những người từng ở bên kia chiến tuyến trao lại. Nó là hiện vật lịch sử. Nó thêm một tín hiệu hoà giải cuộc chiến tranh, sự hận thù. Và đặc biệt, chính những người Mỹ đã đánh giá rất cao cái nhân văn, nhân bản, tâm hồn lãng mạn của tác giả, từ những bức tranh. - Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. |
Cái đáng quý nhất của cuốn ký họa này chính là, sau hơn 40 năm lưu lạc nửa vòng trái đất, nó lại trở về với chủ nhân. Trong chiến tranh, có hàng vạn ký họa của hàng trăm họa sĩ, trải dài từ Bắc vào Nam, cùng với cuốn sổ ký họa này, nó tăng thêm số lượng và chất lượng cho thể loại tranh ký họa chiến trường của Việt Nam.
Ở đây, ngoài cuốn ký họa, anh Tuấn còn có cuốn sổ nhỏ ghi nhật ký bằng chữ, có lẽ nó phải đi cùng với những bức tranh. Báo Tiền Phong trích những dòng nhật ký ấy, như sự tương tác làm cho các bức ký họa có hồn và trung thực.
Đã 51 năm ra trường, hôm nay, chứng kiến đồng đội của Tuấn nhận ra chính mình trong tranh cậu ấy vẽ, thực sự rất cảm động.
Có lẽ, chưa nước nào có được lượng ký họa và lực lượng họa sĩ chiến sĩ đông như ở ta. Cả cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta có hơn 400 họa sĩ ra trận, và họ đều có ký họa.
Cuốn ký họa của Tuấn, xuất hiện vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhắc nhở chúng ta về kỷ vật chiến tranh, về những cái người lính đã làm, và bây giờ vẫn còn làm. Có thể nói, cuốn ký họa này cùng với hàng ngàn cuốn khác chưa được khai thác là kỷ vật vô giá.
Những năm 1960, chúng ta từng tổ chức một số cuộc triển lãm về ký họa chiến tranh, được Bác Hồ đến thăm. Hiện chúng ta có cả vạn bức tranh ký họa chiến tranh, trộm nghĩ, trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc, nên tổ chức triển lãm những bức ký họa này, hoặc Nhà nước bỏ kinh phí tổ chức in thành sách, lưu truyền hậu thế. Nếu làm được như vậy, thì giá trị, ý nghĩa của ký họa chiến tranh nói chung mới lưu truyền được cho lớp lớp thế hệ con dân Việt.
Một cách hòa giải giữa hai nước Tại Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã gặp Đại sứ Mỹ Michael Michalak, đề nghị Đại sứ bình luận về nội dung và việc cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn được các cựu binh Mỹ hoàn trả cho chủ nhân của nó. Đại sứ Michael Michalak nói ông có được nghe về tập ký họa chiến tranh đó nhưng chưa được xem tận mắt. Đại sứ tỏ ra rất ngạc nhiên và vui mừng khi biết phóng viên Tiền Phong đã chủ động đi tìm tác giả của cuốn nhật ký đó và đặc biệt là tác giả - người cựu binh, họa sĩ Việt Nam Lê Đức Tuấn- vẫn còn sống cùng với gia đình đang ở Hà Nội. Đại sứ Michael Michalak nói: “Có nhiều người Mỹ mong muốn được thấy mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được phát triển. Nhiều cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam rất mong muốn được đóng góp điều gì đó vào sự phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn được phía Mỹ trao trả lại cho chủ nhân của nó cũng là một cách để góp phần vào quá trình hòa giải giữa hai nước. Tôi hy vọng, gia đình ông Lê Đức Tuấn hiểu được các giá trị của tập ký họa đó cũng như sự trở về của cuốn nhật ký. Việc Báo Tiền Phong tìm được tác giả của tập nhật ký bằng tranh còn sống và cho đăng tải một loạt bài về sự trở về của cuốn nhật ký là điều rất tốt. Về khả năng dàn xếp để những người liên quan bên phía Mỹ gặp gỡ với tác giả cuốn nhật ký bằng tranh, tôi chưa biết phải thế nào. Thông thường đây là việc của những người liên quan ở cả hai bên. Tôi nghĩ những cuộc gặp gỡ như vậy bao giờ cũng rất xúc động. Tôi cho rằng các bên liên quan nên quyết định xem có thể gặp gỡ được nhau ra sao”.
Bá Kiên (ghi)