Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ 6 năm 2019 “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” diễn ra tại Hà Nội do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, T.Ư Đoàn tổ chức.
Trong phiên đối thoại, các đại biểu trẻ em đã nêu lên thực trạng, đề xuất khuyến nghị liên quan đến 6 nhóm vấn đề: Phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Đồng thời, đưa ra nhiều thông điệp như: Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ; vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em; Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu; hãy chơi mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình; đừng biến trẻ thành người lớn; hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi...
Trao đổi tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi các đại biểu là “các bạn trẻ” để bày tỏ sự chia sẻ với thông điệp đừng biến trẻ thành người lớn và hãy xem trẻ như người bạn. Đồng thời bày tỏ ấn tượng về sự tâm huyết và hiểu biết trong các bài trình bày của các đại biểu. “Sự hiểu biết của các bạn trẻ bây giờ hơn rất nhiều lần so với các thế hệ đi trước. Đó là sự may mắn của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận các khuyến nghị tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng nêu rõ Luật trẻ em quy định rất rõ quyền, bổn phận của trẻ em, cũng như trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình, các bậc cha mẹ… “Người lớn hãy thể hiện trách nhiệm bằng việc làm thật cụ thể, thiết thực, đừng để lời kêu gọi thông điệp chỉ ở hội nghị, chỉ ở trên giấy mà hãy đi vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có sự chia sẻ với các bạn trẻ về sự may mắn được sống trong hoà bình, được đi học, được chăm sóc... so với nhiều trẻ em khác ở nhiều nơi trên thế giới đang phải sống trong chiến tranh, xung đột, khủng bố. Tuy nhiên, đất nước còn nghèo, còn khó khăn, vì vậy, không chỉ người lớn, mà mỗi em nhỏ cũng cần nỗ lực, đóng góp một phần nhỏ bé đưa đất nước vươn lên, vượt qua khó khăn, bắt kịp với các quốc gia khác.
Trao đổi tại phiên đối thoại, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ và ghi nhận các ý kiến đề xuất về các nhóm vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến trách trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương.
Đối với những kiến nghị về sử dụng mạng xã hội, cách thức tuyên truyền Luật trẻ em, anh Tuấn cho biết: T.Ư Đoàn đã có các bộ sản phẩm thiết kế sinh động với clip, infographic liên quan đến hướng dẫn kỹ năng, Luật trẻ em và được đăng tải rộng trên các fanpage, cổng thông tin. Cơ quan báo chí của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như báo Nhi Đồng, Thiếu nhiên Tiền phong, Nhà xuất bản Kim Đồng đều có các ấn phẩm liên quan đến quyền trẻ em, hướng dẫn các kỹ năng thực hành trên mạng xã hội... Bên cạnh đó còn có các chương trình huấn luyện, khoá đào tạo kỹ năng.
Đối với phòng chống xâm hại, bạo lực, đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em, tổ chức Đoàn, Hội đã có nhiều phương thức, công cụ, thiết chế hỗ trợ. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong 5 năm T.Ư Đoàn đặt mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng tại mỗi xã, phường thị trấn một điểm vui chơi cho thiếu nhi; thực hiện đầu tư xây dựng 30 bể bơi cố định ở nơi có hoàn cảnh khó khăn đến năm 2021; trang bị hơn 300 bể bơi di động cho trẻ em, ưu tiên vùng khó khăn.