> Thay lãnh đạo doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa
“Chiến đấu” mãi trên văn bản thì không giải quyết được
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 2 năm 2012-2013 tình hình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật có tích cực hơn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nợ đọng.
Nguyên nhân do ý thức của bộ, ngành chưa cao, bộ máy quản lý còn nhiều bất cập. Nêu ví dụ nghị định phân công quyền chủ sở hữu, đích thân Thủ tướng phải ngồi với Cục doanh nghiệp 2-3 ngày mới ban hành được vì trước đó bị kẹt mấy tháng trời giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Tài chính, chỉ vì từ ngữ chưa chuẩn xác.
Thủ tướng yêu cầu khi có vấn đề, các bộ trưởng phải ngồi lại với nhau, chứ cứ “chiến đấu” trên văn bản thì mãi không thể giải quyết được. “Cái khó thì các đồng chí phải nhảy vào làm” ,Thủ tướng lưu ý.
Năm 2014, Chính phủ phải ban hành 182 văn bản, nhiệm vụ khá nặng nề “không thể một ngày, một bữa là xong”. Thủ tướng yêu cầu nghị định nào thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành thì nơi đó phải chịu trách nhiệm, kiên quyết không để bộ, ngành nào nợ văn bản.
“Bây giờ nhà nước hoạt động theo pháp luật, đồng chí giám đốc sở không nắm được pháp luật thì gay go, tham mưu sao được”, Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh, hiện tại công việc điều hành của các bộ quá nặng nề, nên không có thời gian để xây dựng luật. Điều đó dẫn tới tình trạng không thể đọc hết được và “nhiều khi anh em viết thế nào thì mình cứ ký thế”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh cũng lưu ý hiện nay các Sở Tư pháp không làm luật mấy, không thẩm định nhiều, nhưng vai trò kiểm soát thực hiện luật cũng không ăn thua. Người điều hành quan trọng cấp cơ sở lại không nắm được pháp luật, rất lơ là, khi quyết lại theo ý muốn. Bộ trưởng Vinh đề nghị rất cần phải lập các phòng pháp chế, để thực hiện tốt công tác tham mưu.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu nguyên nhân của việc nợ đọng văn bản pháp luật do việc phối hợp giữa các bộ chưa chặt chẽ. Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm, thiếu thực tế cũng do thiếu ý kiến của các bộ có liên quan, nhưng thúc ép về thời gian phải trình sớm, dẫn đến văn bản không có tính thực tiễn, bị dư luận phản đối.
Ông Cường cũng nêu nguyên nhân thiếu kinh phí nên không có điều kiện tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các bộ ngành, khiến văn bản có chất lượng kém.
Thủ tướng khẳng định, việc viện nguyên nhân chậm làm luật do thiếu kinh phí là không chấp nhận được. “Xây dựng văn bản pháp luật là chức năng nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ mà nói do thiếu kinh phí là không được, vì không phải là không có. Nếu thiếu năm 2014 thì ứng trước ngân sách 2015 để làm”,Thủ tướng nói.
Đề xuất lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Trình bày Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đa số người dân thiếu nguồn lực để có nhà ở. Tạo lập nhà ở chủ yếu dựa vào việc vay của ngân hàng thương mại, nơi vốn cho vay không được nhiều, tổng cho vay dư nợ với BĐS không quá 10%.
Vì vậy, VN nên làm Ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở.
Đại diện NHNN khẳng định, đây là chính sách rất quan trọng nhưng cần lưu ý hoạt động này rất khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, do liên quan biến động lãi suất, biến động giá cả về bất động sản.
Và do có hỗ trợ từ Nhà nước nên không thể hoạt động theo dạng NH thương mại nên chỉ có thể là NH chính sách. Về mặt pháp lý, nếu thấy cần lập Ngân hàng này thì đó phải là Ngân hàng chính sách chuyên hoạt động về tài trợ, cho vay mua nhà ở.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhu cầu có NH nhà đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tuy nhiên không có nguồn hỗ trợ nên chưa thực hiện được. Hơn nữa, cũng phải tính toán để không biến ngân hàng này thành ngân hàng thương mại. Vì vậy cần nghiên cứu, tính toán có đề án thí điểm, “nếu nghiên cứu chưa kỹ mà đưa vào Luật là không ổn”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với việc mở đường cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, cần làm mạnh mẽ vì hiện nay VN hội nhập quốc tế, nhiều người nước ngoài có nhu cầu làm việc và mua nhà ở Việt Nam. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ rà soát lại cùng Bộ Ngoại giao và xin ý kiến VPCP thống nhất về việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Người dân phải được tiếp cận thông tin Thủ tướng yêu cầu xúc tiến việc thực hiện Luật Tiếp cận Thông tin. “Không có luật này không được. Thời đại thông tin nên quyền của người dân là phải được tiếp cận. Còn cái gì bí mật phải giữ cho nghiêm, ai vi phạm thì xử lý. Quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Còn xã hội càng minh bạch càng tốt”, Thủ tướng nói. |