> Rò rỉ nước nhiễm xạ nghiêm trọng ở Fukushima
> Nhật Bản có thể xây tường băng ngăn nước nhiễm xạ
Nước nhiễm xạ có thể rò rỉ từ vết nứt của các bể chứa nước ở nhà máy Fukushima. Ảnh: Getty Images. |
Ngày 22/8, hợp tác xã nghề cá Soma Futaba tuyên bố dừng mọi hoạt động ngư nghiệp ở vùng biển quanh nhà máy Fukushima vì lo ngại hải sản bị nhiễm phóng xạ. Trước đó, một hợp tác xã nghề cá khác quyết định không đánh bắt trở lại từ tháng 9 theo kế hoạch.
Ông Mycle Schneider, chuyên gia tư vấn độc lập từng cố vấn cho chính phủ Pháp và Đức, nói rằng nước nhiễm xạ đang chảy ra trên khắp khu vực nhà máy và không có con số nào chính xác về hàm lượng phóng xạ.
Vấn đề rò rỉ nước nhiễm xạ trở nên nóng, sau khi Cty Điện lực Tokyo (Tepco) hồi đầu tuần thừa nhận mỗi ngày có khoảng 300 tấn nước nhiễm xạ nồng độ cao chảy ra môi trường từ bể chứa trong nhà máy.
Nước nhiễm xạ phát xạ khoảng 100 millisievert mỗi giờ. Masayuki Ono, Tổng giám đốc Tepco, nói: “100 millisievert mỗi giờ tương ứng với mức giới hạn phơi nhiễm tích lũy 5 năm đối với công nhân nhà máy điện hạt nhân”.
Cơ quan giám sát năng lượng hạt nhân của Nhật Bản đã nâng mức độ nguy hiểm từ 1 lên 3 theo thang quốc tế đo mức độ nguy hiểm của các vụ tai nạn hạt nhân. Đây là sự thừa nhận rằng nhà máy điện hạt nhân đã rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất, kể từ khi các lò phản ứng bị tan chảy lõi sau trận động đất, sóng thần năm 2011.
Một số chuyên gia hạt nhân lo ngại rằng, tình trạng rò rỉ phóng xạ hiện nay còn tồi tệ hơn nhiều so với mức độ mà chính phủ hay Tepco thừa nhận. Khoảng 1.000 bể chứa nước đã được lắp đặt với 85% công suất được sử dụng. Mỗi ngày lại có thêm 400 tấn nước được bơm thêm vào.
Nhiều nhà khoa học lo ngại về nguy cơ của việc dự trữ một lượng nước khổng lồ như vậy khi động đất xảy ra. Phóng xạ có thể hòa vào nước ngầm rồi đổ ra biển. Một số chất phóng xạ như cesium có thể ngấm vào đất.
“Mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là nếu một số chất đồng vị như strontium 90 với tính chất dễ biến đổi có thể ngấm vào lớp trầm tích. Nước nhiễm xạ chảy ra đại dương rồi dần tích tụ trong hải sản và gây ra các vấn đề sức khỏe cho con người”, ông Schneider nói. Ông Schneider kêu gọi cần cử chuyên gia quốc tế đến xử lý tình hình ở Fukushima.
Tình hình ngày càng xấu đi ở Fukushima khiến cựu Đại sứ Nhật Bản ở Thụy Sĩ kêu gọi rút tên Tokyo khỏi danh sách ứng viên tổ chức Thế vận hội Olympic. Trong bức thư gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Mitsuhei Murata nói rằng, số liệu rò rỉ phóng xạ chính thức mà Tepco thông báo là không đáng tin cậy.
Gia Tùng
Theo Kyodo, BBC