Quý lắm những gói quà hỗ trợ!
Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 ở xã Tăng Tiến, Việt Yên, Bắc Giang, anh Nguyễn Tuấn Huế (quê Nghệ An) nằm một mình đã 5 ngày nay, từ khi công ty tạm dừng hoạt động. Cả căn phòng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc quạt cây, trong góc là đống bát đĩa, xoong chảo chưa được rửa. “Tôi vừa ra đây được 20 ngày, làm được 15 ngày thì có dịch nên phải nghỉ, chưa có lương. Trong túi còn đúng vài chục nghìn, chính quyền hỗ trợ gì mình ăn đấy, mỳ tôm hay gạo tùy từng hôm” - anh Huế nói.
Ông Nguyễn Đăng Bắc - Phó Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết đã làm việc với các công ty trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi về lương và các chế độ khác cho công nhân khi khu công nghiệp tạm dừng hoạt động. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tập hợp danh sách trường hợp công nhân là F0, F1 để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Người đàn ông quê Nghệ An chia sẻ thêm: “Vài ngày tới là giỗ đầu anh trai tôi, muốn về lắm nhưng mình phải ủng hộ chính quyền phòng chống dịch bệnh, vì an toàn cho chính bản thân mình, sau là xã hội. Tôi làm kỹ thuật chuyên lắp điện máy nên thu nhập chắc sẽ hơn công nhân ở đây, nhưng vừa mới đi làm được vài hôm, công ty chưa trả tiền”. Hiện anh Huế được hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chính quyền và những người dân Tăng Tiến. Xóm trọ này còn có một vài trường hợp F2, phải cách ly trong phòng. Họ được chủ trọ giúp đỡ mua bán hàng hóa, đặt tại cửa phòng rồi gọi ra nhận, tuân thủ việc không tiếp xúc.
Chị Bàn Thị Mai (quê Tuyên Quang) đi làm công nhân ở Bắc Giang từ nhiều năm nay. Chị có một đứa cháu nội mắc bệnh hiểm nghèo “Nó hay bị co giật, đi chữa bệnh tốn kém lắm. Tôi đi làm thế này, được đồng nào lại gửi về trả nợ, nuôi con, nuôi cháu. Tiền lương năm nay chỉ được 5 triệu/tháng xong giờ lại phải nghỉ, chưa biết bao giờ đi làm lại”, chị Mai nói và cho biết 7 ngày nghỉ vừa qua, chị chỉ được ra ngoài 2 ngày vì yêu cầu chống dịch. Chị cũng được chính quyền hỗ trợ nhiều lần, hôm 10 gói mỳ kèm 10 quả trứng, hôm cân gạo, gói muối… “Với chúng tôi những món quà ấy quý lắm” - chị Mai nói.
Trong một xóm trọ khác ở Tăng Tiến, công nhân Nông Thị Cúc (quê Lạng Sơn) đang cho con gái 15 tháng tuổi của mình ăn. Hai mẹ con sống trong căn nhà trọ mới thuê, chồng chị không thể vào chăm sóc bởi xã Tăng Tiến đã bị phong tỏa khi có 9 ca dương tính COVID-19. “Bình thường em gửi cháu ở nhà trẻ để đi làm nhưng giờ nghỉ, công ty không hỗ trợ gì, khó khăn lắm”, Cúc nói.
Chia ngọt, sẻ bùi
Dãy trọ nơi chị Cúc ở có 27 phòng, đi vào hoạt động chưa được một tháng. Bà Lê Thị Lợi, chủ nhà cho hay đã đầu tư tiền tỷ vào việc xây dựng, giờ mỗi tháng phải trả gần 20 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Bà Lợi nói: “Chúng tôi kinh doanh nhưng giờ phải hỗ trợ công nhân bởi họ rất khó khăn. Có người vừa đi làm được 3 ngày đã nghỉ. Giá phòng bình thường là 1 triệu nhưng giờ tôi giảm xuống còn 7 - 8 trăm nghìn, miễn phí điện nước. Chính quyền, những người dân trong thôn ủng hộ gạo, mỳ tôm, tôi đem về chia cho những người cần”.
Không chỉ bà Lợi, nhiều người dân xã Tăng Tiến đã tự nguyện góp tiền bạc, công sức để cùng chính quyền hỗ trợ công nhân vượt qua khó khăn. “Khi có dịch bệnh mới thấy người dân rất hào phóng giúp đỡ người khác, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Các chủ nhà trọ lập danh sách, đồng thời thống kê nhu yếu phẩm cần thiết trong quá trình sinh hoạt của công nhân, sau đó lãnh đạo thôn hoặc các tổ xung kích sẽ cấp phát” - ông Đặng Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến cho biết.
Theo ông Long, xã Tăng Tiến hiện có hơn 10.200 dân và khoảng 4.000 công nhân nơi khác đến. Người dân trong xã có kinh tế khá nên hiện tại, chính quyền chỉ tập trung hỗ trợ số ít những gia đình khó khăn và công nhân. “Lương thực, thực phẩm cho hơn 14.000 người cơ bản vẫn đầy đủ vì mới bước vào phong tỏa. Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân trên địa bàn cũng đóng góp để hỗ trợ công nhân, nhất là những người vừa đến địa bàn làm việc” - ông Long nói.
Vợ chồng ông Hoàng Đăng Hùng - Trưởng thôn 7 đã nhiều ngày nay đi từ sáng đến đêm để cấp phát hàng hóa, thậm chí mua lợn về thịt để chia cho công nhân. “Những người mới đến, chưa có công ăn việc làm ổn định rất cần hỗ trợ. Trước tiên, chúng tôi phát mỳ tôm, sau đó phát gạo, thịt, rau. Mỗi suất quà ở đây có khoảng 3kg gạo cùng trứng, thịt… và phát cho cá nhân khó khăn. Những ai còn tiền trong thẻ hoặc có lương thực, thực phẩm dự trữ sẽ chưa được phát ngay vì dịch còn dài, chưa biết bao giờ kết thúc” - ông Hùng nói.
Anh Thân Văn Huy (ở thôn 7) làm về điện cho doanh nghiệp. Anh cũng phải nghỉ làm do dịch nên lấy ô tô của gia đình đi chở hàng cấp phát cho công nhân. “Cứ lúc nào có hàng, mọi người gọi là mình đi. Mình có gì hỗ trợ cái đó” - anh Huy nói.