> Sergei Lavrov – nhà ngoại giao thép của Nga
> Chính phủ Mỹ đóng cửa, 800.000 công chức thất nghiệp
Ngày 3/10/1990, nước Đức chính thức thống nhất. Hơn 20 năm sau, mức chênh lệch về kinh tế và xã hội giữa Đông Đức và Tây Đức đã được san bằng chưa, thưa bà?
Ngày 3/10/1990, nước Đức được thống nhất một cách hòa bình sau nhiều thập kỷ bị chia cắt làm hai, phần phía Đông với nền kinh tế kế hoạch hóa và phần ở phía Tây với nền kinh tế thị trường xã hội. Kể từ đó, mục tiêu chính trị của chính phủ Cộng hòa liên bang Đức là thu hẹp khoảng cách về mức sống không chỉ giữa Đông và Tây, mà còn cả giữa Bắc và Nam.
Từ thời điểm đó, nền kinh tế Đông Đức đã chuyển đổi và hợp nhất rất thành công vào nền kinh tế thị trường xã hội của chúng tôi. Hệ thống chính trị nước Đức với một hiến pháp dân chủ đã chấp nhận nó một cách tốt đẹp. Điều này đã đặt nền móng cho một nền kinh tế có tính cạnh tranh quốc tế, hiệu suất và sự mềm dẻo cao độ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, vì sao nền kinh tế nước Đức vẫn vững vàng và tiếp tục phát triển?
Tai thống nhất là một quá trình đầy thách thức của đất nước chúng tôi với những đòi hỏi cải cách khác thường. Sự thành công của nền kinh tế Đức dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều lĩnh vực dẫn đầu thế giới.
Sự thành công của nền kinh tế Đức còn dựa trên những cải tổ chính trị và xã hội sâu sắc được khởi xướng hơn một thập kỷ trước. Đó là nền tảng cho một sự cạnh tranh cao hơn, tạo ra những sản phẩm có chi phí thấp hơn trong khi giá cả lao động trên khắp châu Âu tăng mạnh.
Nhiều năm qua, kinh tế Đức chứng tỏ sự thành công và có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao đến từ khắp châu Âu. Những lớp học tiếng Đức tại Viện Goethe ở khắp các nước khu vực Nam Âu luôn kín chỗ.
Nhiều người trẻ từ khắp các nước châu Âu, nơi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, đang tìm kiếm tương lai của họ tại nước Đức. Nhân lực có kỹ năng, được giáo dục tốt và làm việc chăm chỉ chính là nền tảng không thể thiếu cho nền kinh tế thành công của chúng tôi.
Các nước đang phát triển như Việt Nam cần làm gì để nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng này?
Thành công của nền kinh tế Đức có mối liên hệ sâu sắc với những cải cách nhằm tạo sự tự do cho sức sản xuất tiềm tàng trong nguồn nhân lực có tay nghề. Thêm vào đó, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhiều gia đình chính là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để tạo điều kiện và thu hút đầu tư, hệ thống pháp luật đáng tin cậy của Đức sẽ cung cấp một khuôn khổ cho phép các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ.
Nhà đầu tư hay khách hàng đều có được bảo vệ như nhau. Hơn nữa, đầu tư vào giáo dục luôn là thứ tài sản quan trọng nhất giúp tăng cường hiệu suất toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Cải cách giáo dục, tất nhiên ban đầu rất tốn kém, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn trong trung và dài hạn.
Trong khi các nước châu Âu khác đang phải vật lộn với vấn đề thất nghiệp, vì sao nước Đức lại đẩy mạnh chiêu mộ lao động chất lượng cao tới Đức làm việc? Trong cổng thông tin “make it in Germany”, ngoài tiếng Đức, Anh còn có cả tiếng Việt, dường như Đức muốn chiêu mộ cả người Việt Nam sang Đức làm việc?
Nền kinh tế Đức hoạt động tốt và tạo ra triển vọng tốt đẹp không chỉ cho người châu Âu mà cho bất kỳ ai muốn làm việc tại đây. Sự phát triển của nền kinh tế Đức cần rất nhiều người tài và lao động có chất lượng. Trong khi nước Đức đang tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng thì Việt Nam lại không thiếu những người trẻ, làm việc chăm chỉ và có chất lượng đang tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tất nhiên, chúng tôi quan tâm tới việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Cổng thông tin “Make it in Germany portal” có thông báo bằng tiếng Việt về những cơ hội việc làm tại Đức, giúp người Việt nắm bắt được để có thể làm việc tại đất nước của chúng tôi.
Được biết Đức đang hợp tác với Việt Nam để đưa điều dưỡng viên người Việt sang Đức làm việc. Xin bà nói kỹ hơn về dự án này?
Chính phủ Đức đã công bố một dự án về chính sách lao động mới, theo đó cho phép những người tốt nghiệp đại học đạt chất lượng và những công nhân lành nghề từ khắp nơi trên thế giới tới Đức làm việc. Nền kinh tế của chúng tôi đang thiếu nhân lực chất lượng cao cần thiết.
Các điều dưỡng viên Việt Nam sẽ được đào tạo tại Đức 2 năm trong lĩnh vực chăm sóc bệnh người già. Khóa đào tạo này sẽ có một phần lý thuyết và một phần thực hành công việc chăm sóc người già tại các trung tâm ở Đức. Việt Nam là nước đầu tiên ngoài châu Âu mà Đức chọn hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động ngành y. Đây là sự hợp tác khả thi và có lợi cho cả hai bên.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nhân ngày Thống nhất nước Đức khẳng định, “với mỗi chính phủ mới trong tương lai của Đức, quan hệ với Việt Nam sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng”. |
Việt Hùng