Đưa tâm tư, nguyện vọng của công nhân vào nghị trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng loạt những vấn đề “nóng” được công nhân, người lao động quan tâm như đời sống, tiền lương, nhà ở đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho thấy tính hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc chuyên đề với công nhân, lao động.

Nêu bật những vấn đề “nóng”

Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều đổi mới, nhằm truyền đạt những tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động trên cả nước đến các đại biểu và đến các kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các Đoàn đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động ở các tỉnh, thành, ngành. Thông qua các cuộc tiếp xúc này, các cử tri là công nhân, lao động phản ánh ánh những khó khăn bất cập, đóng góp ý kiến vào các dự án luật và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình đến nghị trường.

Đưa tâm tư, nguyện vọng của công nhân vào nghị trường ảnh 1

Một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động ở Đà Nẵng

Trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội và công nhân, lao động nổi lên trong thời gian gần đây là vấn đề sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội; về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết việc làm, vấn đề chấm dứt hợp đồng, sa thải người lao động; phát triển giáo dục mầm non cho con em công nhân.

Riêng với vấn đề nhà ở xã hội, gần như trong các cuộc tiếp xúc cũng có ý kiến công nhân, người lao động nêu ra cho thấy đó là mối quan tâm hàng đầu. Các công nhân, người lao động cũng bày tỏ đồng tình với quy định cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Theo các công nhân, người lao động, vấn đề nhà ở liên quan mật thiết điều kiện ăn ở, sức khỏe, học hành, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn của công đoàn viên. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công đoàn viên, người lao động là rất lớn.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia làm nhà cho đối tượng này. Vì thế việc cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà sẽ bổ sung thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Để chính sách và thực tiễn gần nhau hơn

Những trao đổi giữa đại biểu Quốc hội và công nhân, người lao động tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, nhiều vấn đề được làm sáng tỏ. Từ đó, trong Kỳ họp thứ 6 này, tại các phiên thảo luận tại tổ và ở hội trường, những tâm tư, nguyện vọng của cử tri là công nhân, người lao động được nêu ra để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét ban hành các quy định bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với sự phát triển.

Cụ thể như quy định cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội để bổ sung thêm nguồn lực, thêm cơ hội để công nhân, người lao động hiện thực ước mơ “an cư lạc nghiệp” đã được các đại biểu Quốc hội nêu bật, với nhiều ý kiến đa chiều trong phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi.

Đưa tâm tư, nguyện vọng của công nhân vào nghị trường ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) cho hay, điều này cũng cấp thiết và ý nghĩa hơn đối với những địa phương như Bình Dương, nơi có rất nhiều người lao động là công nhân ngoại tỉnh đến làm việc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng cần có quy định cụ thể và lộ trình, vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động. Việc quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, quy định mới này sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, qua các phiên thảo luận, quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khoản 4 Điều 80 nhận được sự đồng thuận rất cao.

Điều này cho thấy, các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động đã tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động, kịp thời tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan… góp phần xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm khả thi, sát thực tế.

MỚI - NÓNG
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
TPO - Anh trai vượt ngàn chông gai tập hợp 33 nam nghệ sĩ và người nổi tiếng cùng tranh tài ở lĩnh vực biểu diễn ca nhạc. Danh thủ Hồng Sơn gây bất ngờ khi xuất hiện với ngoại hình trẻ trung, gương mặt không nếp nhăn.