Sau khi UBND huyện Phong Điền thông báo thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi (giai đoạn 2) làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Đồng Lâm, người dân ở vùng Quảng Lợi, Xuân Điền Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đua nhau trồng rất nhiều loại cây lên đất vườn, đất rừng như mít, chuối, măng cụt, cau, dừa, sanh, cam, bưởi, dứa, lược vàng… để chờ đền bù.
Sanh là loại cây được trồng nhiều nhất trên những mảnh vườn, khoảnh đất rừng vừa có thông báo thu hồi giải phóng mặt bằng
Theo tìm hiểu của PV, khu vực người dân trồng cây dày đặc chờ đền bù là đất trồng tràm hoa vàng, trồng cây lâu năm và canh tác hoa màu. Sau bão số 5 năm 2020, do cây trồng cũ bị gãy đổ nên người dân trồng lại các loại cây như cau, keo tràm với mật độ vừa phải để bảo đảm cho cây cối sinh trưởng phát triển...
Tuy nhiên, sau khi có thông báo của huyện về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất làm mỏ đá sản xuất xi măng, người dân đã "chuyển hướng" ồ ạt trồng thêm nhiều loại cây khác trên khu vực vườn, rừng kể trên. Nhiều người tận dụng bất kỳ khoảng trống nào trên đất vườn để “nêm” chặt các loại cây giống như cau, cam, bưởi, chuối…
Cau, lộc vừng, sanh dại, cam quýt cùng "cộng tồn" trong một khu vườn.
Những nhánh sanh được cắt nhỏ từ các cây lớn để "nêm" chặt ra đất vườn, rừng chờ... ủi.
Người dân thậm chí lùng tìm những cây dễ trồng như sanh, cây si nhiều nhánh, sau đó mang về cưa cắt ra từng đoạn nhỏ để lèn kín lên đất vườn, rừng thuộc phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chờ đền bù. Cây trồng ở đây dày đặc như ở trại cây giống, với rất nhiều chủng loại “tạp pí lù”.
Nhìn bằng mắt thường, ai cũng có thể nhận biết đây là điều hết sức bất thường. Bởi vì trong điều kiện thực tế, không có loại cây nào có thể phát triển được về lâu dài khi bị thiếu không gian, mặt bằng, tranh chấp dinh dưỡng, nước tưới, ánh sáng như vậy.
Những bụi chuối trồng vội cạnh các gốc sanh vốn là loài ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả.
Theo ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, căn cứ thông báo của UBND huyện Phong Điền, trên địa bàn xã có hơn 35ha đất vườn, đất trồng cây lâu năm bị thu hồi để thực hiện dự án mở rộng mỏ đá vôi làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Đồng Lâm. Việc thu hồi đất ảnh hưởng đến khoảng 58 hộ dân thuộc 2 thôn Xuân Điền Lộc, Quảng Lợi và một số vùng khác.
Thông báo thu hồi đất của UBND huyện Phong Điền ghi rõ, nhà nước không xem xét bồi thường các tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật, hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đất thu hồi để thực hiện dự án có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phong Điền thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê tài sản gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Một gốc bưởi cũng vừa "chen chân" vào khu vườn dày đặc cây sanh, cây keo tràm.
Những gốc măng cụt giống và cây cau non cùng một vườn.
Những đoạn nhánh sanh găm xuống đất vườn chiếm đa số cây trồng chờ đền vì dễ kiếm, dễ trồng.
Những hàng chuối trồng dày đặc đến kỳ lạ.
Ông Nguyễn Bá Lành cho biết, mặc dù vào cuối tháng 2 vừa qua, UBND xã đã tổ chức họp dân để thông báo chủ trương thu hồi đất của huyện để thực hiện dự án mỏ đá vôi. Chính quyền xã đã yêu cầu các hộ dân có đất bị giải tỏa, giải phóng mặt bằng không được tự ý đưa cây vào trồng mới.
Mặc dù vậy, người dân vẫn ồ ạt trồng cây dày đặc vào khu vực giải tỏa. Qua kiểm tra, theo dõi, chính quyền địa phương đã phát hiện gần 40 trường hợp vi phạm trong việc trồng mới, trồng dặm cây trên khu vực đất được thông báo thu hồi, giải phóng mặt bằng. UBND xã Phong Xuân đã lập biên bản đình chỉ việc trồng cây trên đất giải tỏa và buộc phục hồi nguyên trạng ban đầu.
Tuy nhiên, để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, nhiều người dân đã vờ vào vườn, rừng chăm sóc, làm cỏ, phun thuốc, tưới nước cho những loại cây đã trồng trước đây. Khi đoàn kiểm tra quay đi, bà con lại tiếp tục cố tình trồng dặm cây mới vào những khoảnh đất đã được thông báo thu hồi, giải phóng mặt bằng, khiến tình hình trở nên phức tạp.
Vườn "tạp pí lù".
Xen càng dày càng tốt.
Theo chính quyền xã Phong Xuân, từ đầu tháng 3, cơ quan chức năng huyện Phong Điền bắt đầu tổ chức đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ các hộ dân tại khu vực quy hoạch mỏ đá vôi.
“Chúng tôi đã lập một tổ công tác và chỉ đạo luân phiên ứng trực 24/24 giờ để giám sát việc trồng mới, trồng dặm cây trên khu vực thu hồi giải phóng mặt bằng. Chính quyền sẽ kiên quyết xử lý, lập biên bản các trường hợp vi phạm, không để tình hình diễn biến phức tạp hơn”, ông Nguyễn Bá Lành cho hay.
Cán bộ xã được tăng cường kiểm tra thường xuyên, nhưng hễ quay lưng đi thì trồng mới cây cối lại tái diễn.
Còn theo ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo xã Phong Xuân kiểm tra, cương quyết xử lý những trường hợp gian dối trong việc ngụy tạo tài sản trên đất sau mốc thông báo thu hồi đất đai và những vi phạm về các quy định quản lý, sử dụng đất.