Đua nhau băm nát bờ bãi sông Đuống

Đua nhau băm nát bờ bãi sông Đuống
TP - Nhiều năm qua, hàng chục doanh nghiệp đã đua nhau đào đất bãi sông Đuống (Hà Nội) làm gạch, sử dụng hàng trăm ha làm nơi tập kết than, vật liệu, khai thác cát trái phép và xả nước thải độc hại trực tiếp xuống sông...
Cả chục lò gạch đang băm nát cả vùng đê sông Đuống (ảnh to); Hàng chục Cty mở xưởng sản xuất gây ô nhiễm (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Tuấn
Cả chục lò gạch đang băm nát cả vùng đê sông Đuống (ảnh to); Hàng chục Cty mở xưởng sản xuất gây ô nhiễm (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Tuấn.

Lò gạch nhả khói, xả thải vô tư

Con đường nhỏ nối từ đầu cầu Đuống đến xã Phù Đổng huyện Gia Lâm như oằn lên bởi rầm rập xe tải đêm ngày. Bụi cát, bụi than bốc lên mù mịt trong cái nắng oi ả.

Nhiều người dân cho hay, ngay cả ban đêm cũng không ngủ được vì lượng xe tải chạy qua đây chở gạch, đất, cát, vật liệu ngày càng nhiều.

Chỉ cách đầu cầu Đuống chừng 2 cây số, cả chục lò gạch thủ công nghễu nghện nhả khói. Mặc dù thành phố liên tục ra chỉ thị ngừng sản xuất gạch thủ công nhưng tại đây dường như các chủ lò như chưa hề được biết đến điều này.

Hàng chục công nhân hối hả bốc gạch lên các thùng xe tải chờ sẵn. Ngay sát chân lò gạch là hệ thống thùng vũng sâu từ 3 đến 5 mét, rộng hàng ngàn m2. Nước trong những chiếc hố lộ thiên đen ngòm, nhìn không khỏi rợn người.

Đi sâu ra ngoài bãi thuộc địa bàn xã Yên Viên (Gia Lâm), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự sầm uất, sôi động của hệ thống cơ sở sản xuất thuộc hàng chục doanh nghiệp san sát ven sông này.

Nhiều nhất tại đây phải kể tới nghề sản xuất than tổ ong quy mô lớn, khai thác cát, bê tông đúc sẵn, hóa chất, sản xuất đồ nhựa, bóc ép gỗ dán, tập kết đá, sỏi...Điều đáng nói là hầu hết các doanh nghiệp đặt nhà xưởng tại đây đều trong tình trạng xả trực tiếp nước thải ra môi trường, xuống dòng sông và không có bất cứ một thiết bị xử lý chất thải nào.

Nhiều người dân cho biết, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì nước thải chảy từ những đống than, vật liệu khổng lồ tràn ra đường đi ngập đến ống chân, ô nhiễm rất nặng.

Thống kê chưa đầy đủ, tại xã Yên Viên đã có 16 doanh nghiệp đặt nhà xưởng ngoài bãi sông, xã Dương Hà và Phù Đổng (Gia Lâm) cũng có cả chục cơ sở sản xuất.

Tại khu vực ngoài bãi sông thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp khai thác cát, sản xuất than tổ ong...cũng khá nhức nhối.

Phạt cho tồn tại đến bao giờ?

Vi phạm của hàng chục doanh nghiệp kéo dài nhiều cây số dọc sông Đuống đã diễn ra nhiều năm nhưng xử lý của chính quyền tỏ ra không mấy hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hà cho biết, xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm, khai thác cát trái phép.

Ông Thịnh thừa nhận hầu hết các doanh nghiệp đều không có hệ thống xử lý chất thải, xả thẳng ra sông nhưng hiện xã mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở vì ngay cả kinh phí mời các cơ quan kiểm định môi trường xã cũng không biết lấy đâu ra.

Cũng theo UBND xã Dương Hà, một phần đất doanh nghiệp sử dụng ngoài bãi là thuê từ nguồn đất công ích của xã.

“Tất cả các doanh nghiệp sử dụng đất bãi ven sông, xây dựng nhà xưởng trái phép đều vi phạm quy định về sử dụng đất, về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện nay chủ yếu là huyện đứng ra xử phạt. Nhưng vẫn chỉ phạt cho tồn tại nên xử lý không dứt điểm”-ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho hay, sông Đuống thì ngày càng ô nhiễm, tài nguyên bị khai thác tuỳ tiện, trong xã cũng xuất hiện nhiều đại gia, nhiều người phất lên nhanh chóng nhờ khai thác cát, làm lò gạch.

UBND huyện Gia Lâm thừa nhận, thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê và vùng bãi ngoài đê sông Đuống đang ở mức báo động nhưng việc xử lý kém hiệu quả.

Nhiều xã đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho vi phạm, tuỳ tiện ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, các chủ lò gạch thuê đất dài hạn trái thẩm quyền.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, huyện đã kiểm tra 53 doanh nghiệp thì hầu hết vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, xả thải nhiều chất nguy hại vào sông Đuống...

UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo Sở TNMT phối hợp kiểm tra, xử lý việc quản lý sử dụng đất bãi ven sông để kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão đang diễn ra tại các địa phương; tập trung rà soát việc giao đất, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê trên địa bàn thành phố.

Các trường hợp cấp phép trái thẩm quyền, các trường hợp hoạt động không phù hợp với những quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão sẽ bị các đơn vị chức năng thu hồi giấy phép.

Đồng thời, Sở TNMT tham mưu lập quy hoạch bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG